Skip to content

Deep Sky Derelicts: Definitive Edition – Đánh Giá Game

Deep Sky Derelicts

Deep Sky Derelicts – “Tương lai” – hai chữ ngắn gọn thôi nhưng mà bao hàm đủ cả tinh hoa của trời đất, thu hút sự chú ý của tất cả mọi người từ các khoa học gia lỗi lạc IQ xấp xỉ 200 cho đến các bà thầy bói bày chiếu giữa chợ. 

Vậy, tại sao “tương lai” lại thu hút như vậy?

Đơn giản là vì tương lai hoàn toàn là một sự bí mật, và nó khơi gợi sự tò mò đến kỳ lạ nơi con người chúng ta. 

Chính vì vậy, có không ít – nếu không muốn nói là quá nhiều, các tác phẩm giải trí nói về vấn đề này. 

Từ sách truyện, phim ảnh cho đến game, những thế giới tương lai của 50, 100 hay thậm chí là hàng nghìn năm sau, vẫn luôn là một đề tài ăn khách.

Trong số đó, được sử dụng nhiều nhất làm bối cảnh nền, có lẽ chính là việc chinh phục vũ trụ và sống trong không gian. 

Thế giới tương lai đó đối với nhiều người là những tòa nhà chọc trời với hàng trăm chiếc cầu đan xen, tạo nên các thực thể kỳ hình quái trạng – chúng cũng có thể là những trạm không gian tối tân, sạch bong đến mức khó tin, hoặc cũng có thể được thể hiện qua những chiếc mẫu hạm khổng lồ có sức chứa hàng trăm triệu người, có thể giao tiếp dễ dàng với các nền văn minh xuyên ngân hà khác.

Tuy vậy, cuộc đời không phải lúc nào cũng toàn màu hồng, nên cũng có nhiều tác giả nhìn nhận về tương lai theo một khía cạnh sát với hiện thực hơn, khi mà con người đã, đang và sẽ giết dần giết mòn môi trường thiên nhiên xung quanh, để rồi phải trả cái giá đắt sống kiếp tạm bợ nhặt nhạnh trên những trạm không gian cũ nát, nơi mọi thứ chỉ có sắc xám của chết chóc, sắc nâu của kim loại rỉ sét, và sắc xanh lục ảm đạm của những mảng rêu khổng lồ phủ lên thứ từng được gọi là “nền văn minh”.

Đến từ 1C Entertainment, nhà phát hành lừng danh với những siêu phẩm game chiến thuật để đời như King’s Bounty hay Men of War, Deep Sky Derelicts: Definitive Edition chính là một tựa game chuẩn mực khi người ta muốn đề cập đến một tương lai u ám của loài người trong không gian. 

Thoạt nhìn, nhiều người đều cảm thấy “mài mại” nơi Deep Sky Derelicts: Definitive Edition cái chất đặc thù quá đỗi độc đáo của một tựa game khác cùng loại – Darkest Dungeon, dù rằng hai sản phẩm này chẳng hề “dây mơ rễ má” gì nhau cả.

Để tìm hiểu sâu hơn về sản phẩm kỳ lạ này, mời bạn đọc cùng Vietgame.asia cùng theo dõi bài đánh giá sau đây.


BẠN SẼ THÍCH

CHẤT ĐỒ HỌA ĐẶC BIỆT “CHUẨN KHỎI CHỈNH”

Deep Sky Derelicts: Definitive Edition lấy bối cảnh trong tương lai khi nhân loại đã bắt đầu vươn xa tầm với của mình khỏi hành tinh mẹ Trái Đất để sống trên các hành tinh khác, hoặc các trạm không gian nằm rải rác giữa thiên hà. 

Để di chuyển từ nơi này sang nơi khác, những chiếc phi thuyền đủ kiểu đủ cỡ được sử dụng thay thế cho xe cộ, và không gian đen thẫm vô tận thì thế chỗ cho những con đường mòn hay xa lộ như vẫn thường thấy.

Tuy vậy, ở cái thế giới này không tồn tại những chiếc phi thuyền hào nhoáng lấp láng vàng cùng hàng loạt các chi tiết trang trí cổ ngữ phù văn như của tộc người Protoss (StarCraft), mà mọi thứ đều cũ kỹ, rỉ sét. 

Con người ở đây mỗi khi muốn đi ra ngoài đều phải mặc những bộ đồ bảo hộ “xấu xấu, bẩn bẩn”, đính đầy những thứ đồng nát tạm bợ nhặt nhạnh được từ các bãi phế liệu hoặc các xác tàu, xác trạm không gian.

Để thể thiện được cái thế giới đặc thù như vậy, Deep Sky Derelicts: Definitive Edition chọn cho mình lối vẽ bán tả thực đậm chất comic Mỹ, với tỉ lệ nhân vật 1:1 và hình thái gương mặt đầy góc cạnh và nếp nhăn. 

Song song theo đó, tông màu của mọi thứ đều chỉ bao hàm trong nâu đất, xám xịt, rêu xanh… càng khiến cho người chơi trải nghiệm rõ rệt hơn một thời thế rất đỗi bất an, rất đỗi bi đát mà chuyện hầu như ai cũng phải làm chỉ gói gọn trong việc làm sao để sống sót hết ngày hôm nay.

Hầu hết thời gian trong Deep Sky Derelicts: Definitive Edition, người chơi sẽ đi lùng sục ở các phòng thí nghiệm, những xác tàu không gian, hoặc các hầm mỏ hoang sơ.

Ở đây, cái bao quanh người chơi luôn chỉ là sự chết chóc, hoang phế và những đống đổ nát. 

Sự phối hợp của những thiết bị tối tân từng là niềm kiêu hãnh của sự tiến hóa, đi kèm với sự hư hỏng, tan hoang khi mọi thứ đã chấm dứt, điểm xuyết thêm những vết đào bới lung tung báo hiệu về sự hiện diện của bọn tội phạm trục lợi và những con quái vật vũ trụ – tất thảy tạo nên một thế giới trong Deep Sky Derelicts: Definitive Edition: độc đáo, kỳ dị, hoàn mỹ nhưng cũng đầy khiếm khuyết.

thế giới trong Deep Sky Derelicts: Definitive Edition: độc đáo, kỳ dị, hoàn mỹ nhưng cũng đầy khiếm khuyết

BẠN SẼ GHÉT

LỐI CHƠI TÙ TÚNG, NHÀM CHÁN

Bàn về lối chơi, thì Deep Sky Derelicts: Definitive Edition nằm đâu đó giữa ba đỉnh của một tam giác bao gồm: dungeon crawler (mò hầm ngục), rogue-like (kết cấu màn chơi ngẫu nhiên) và RPG (nhập vai). 

Đầu game, người chơi sẽ được cung cấp một tổ đội gồm 3 nhân vật thuộc các chức nghiệp khác nhau – nếu không thích, người chơi có thể… “xổ số” cho đến khi quay ra các nhân vật mình muốn (khá giống với Oxygen Not Included nhể?). 

Cách làm này tưởng hay, mà càng về sau người chơi càng nghiệm ra rằng nó lại… hóa dở! 

Bởi lẽ phải đến giai đoạn khá lâu đâu đó giữa game, người chơi mới có thể tuyển mộ thêm nhân vật mới – và ở thời điểm này khoảng cách về chỉ số và năng lực của nhóm ban đầu và “tân binh” đã trở nên quá xa, việc nuôi nhân vật mới bỗng chốc trở nên quá vất vả và hiệu quả thì rõ ràng là kém xa mức tưởng tượng!

Kết cấu vòng lặp của Deep Sky Derelicts: Definitive Edition cũng tương đối khá đơn giản, khi nó xoay quanh một trục cốt truyện chính khá là nhạt và mơ hồ. 

Người chơi sẽ có hứng thú hơn với chuỗi nhiệm vụ phụ nhận được từ quán Bar, và đa phần là khám phá những hầm ngục, xác tàu hay phòng thí nghiệm bỏ hoang. 

việc nuôi nhân vật mới bỗng chốc trở nên quá vất vả và hiệu quả thì rõ ràng là kém xa mức tưởng tượng!

Vẫn là cái cấu trúc nhiều phòng liên kết với nhau, phòng có sự kiện phòng thì không – thế nhưng cái cách mà Deep Sky Derelicts: Definitive Edition thể hiện lại khá rời rạc và chán, bởi lẽ số phòng rỗng rất nhiều, và người chơi cũng có cái diễm phúc xem hoạt cảnh dẫn đoàn đi dọ dẫm qua từng phòng trong bóng tối như Darkest Dungeon.

Với Deep Sky Derelicts: Definitive Edition, người chơi chỉ được dùng radar để quét một bán kính xem phòng nào có biểu tượng lạ, thế là nhấn vào. 

Nhóm biểu tượng này chỉ vỏn vẹn khoanh tròn trong các hạng mục như đánh nhau với địch, đối thoại với… NPC tào lao, hoặc nhặt được đồ đạc gì đó.

Deep Sky Derelicts

Điều này khiến cho các nhiệm vụ trong Deep Sky Derelicts: Definitive Edition trở nên rất nhanh chán, vì chúng cứ lặp đi lặp lại và thiếu những cao trào, những điểm thú vị, hoặc những thứ tạo nên nhịp độ để khiến người chơi phải trầm trồ, giật mình hay ngạc nhiên. 

Cơ chế giao – nhận nhiệm vụ, thu thập nguyên liệu – tạo đồ… tuy có, nhưng chúng chỉ được thực hiện khác hời hợt và không tạo nên điểm nhấn nào nổi bật.


Deep Sky Derelicts

HỆ THỐNG CHIẾN ĐẤU BUỒN NGỦ

Về cơ bản, hệ thống chiến đấu trong Deep Sky Derelicts: Definitive Edition là dạng theo lượt với đội ngũ người chơi bao gồm 3 nhân vật. 

Để thực hiện các lệnh chiến đấu, người chơi sẽ chọn ra từ những lá bài được rút ngẫu nhiên từ các bộ bài cho từng nhân vật mỗi đầu lượt. 

Cơ chế này khá giống với SteamWorld Quest: Hand of Gilgamesh, thế nhưng trải nghiệm thực thì thua sút rất nhiều.

Trước tiên, phải nói đến việc các lá bài trong bộ bài của mỗi nhân vật khá nhiều, và tính hữu ích của chúng có độ lệch pha rất lớn. 

Điều này dẫn đến việc tình trạng tới lượt mà không có gì làm hoặc làm tầm xàm xảy ra trong game với tần suất khá cao.

các lá bài trong bộ bài của mỗi nhân vật khá nhiều, và tính hữu ích của chúng có độ lệch pha rất lớn

Chưa nói đến việc chỉ số sát thương hay hiệu ứng của người chơi luôn thua kém nhiều với kẻ địch, dẫn đến việc một trận đánh bình thường trong Deep Sky Derelicts: Definitive Edition cũng diễn ra khá lâu (xấp xỉ 5 – 10 phút), đi kèm với phần thưởng cuối trận khá “cùi bắp”, dần dần người chơi sẽ dễ nảy sinh cảm giác “đuối”, không muốn tiếp tục nữa.

Kế đến, khác với SteamWorld Quest: Hand of Gilgamesh, các nhân vật hoặc các lá bài của cùng một nhân vật không có tính tương tác qua lại hai chiều để tạo ra những combo chiến lược, mà chúng chỉ gói gọn trong các tính năng đơn giản như gây sát thương, gây hiệu ứng xấu, tạo khiên… hết sức bình thường. 

Cũng vì vậy mà vai trò của các chức nghiệp trong Deep Sky Derelicts: Definitive Edition không thực sự khác biệt hay rõ ràng, bởi lẽ kẻ địch vẫn sẽ đè con Medic ra mà nện, trong khi anh chàng càn (tank) “cao to đen hôi” mặc sức tự do gõ vào đầu chúng những đòn đánh rất chi là “gãi ngứa”.

Sau cùng, trái ngược hẳn với Darkest Dungeon, khi mà mỗi trận đánh đều là trải nghiệm sinh tử với các hiệu ứng chồng chéo lẫn nhau, những hiệu ứng diễn hoạt cực kỳ “lực” và độc đáo chỉ bằng những tấm hình cận cảnh đi kèm lời thoại bình luận “chất lừ” của trùm Ancestor – Deep Sky Derelicts: Definitive Edition tuy cũng sử dụng hình ảnh để thể hiện diễn hoạt đánh đấm, nhưng chúng cực kỳ thiếu sáng tạo và cũng không hề tạo được một chút cảm giác nguy hiểm hay hưng phấn nào, cực kỳ dễ khiến người chơi bị “tụt mút”.


THÔNG TIN

  • Sản xuất: Snowhound Games
  • Phát hành: 1C Entertainment
  • Thể loại: Nhập vai, Chiến thuật
  • Ngày ra mắt: 24/03/2020
  • Hệ máy: PC

CẤU HÌNH TỐI THIỂU

  • OS: Windows 7 / 8 / 10, 64-bit
  • CPU: Intel Core i3
  • RAM: 4 GB
  • VGA: Intel HD Graphics 4400
  • HDD: 4 GB

CẤU HÌNH THỬ NGHIỆM

  • OS: Windows 10 Pro 64-bit
  • CPU: Ryzen R7 1700 @ 3.7 GHz
  • RAM: 16 GB
  • VGA : Gigabyte Rx 560 OC 2GB
  • HDD: Samsung 950 Pro 256GB

GAME ĐƯỢC HỖ TRỢ BỞI 1C ENTERTAINMENT

GAME ĐƯỢC CHƠI TRÊN HỆ PC


BÀI MỚI NHẤT


6.5

Deep Sky Derelicts là một tựa game chỉ ở mức trung bình khá, với các nỗ lực tương đối ổn thỏa ở việc xây dựng thế giới, hệ thống game phức tạp, đi cùng với một phong cách đồ họa xuất sắc.



Tuy vậy, việc “nhiều mà không tinh” đã khiến Deep Sky Derelicts càng đi càng “hụt hơi”, tạo thành những vòng lặp bằng phẳng không khiến người chơi muốn tiếp tục.



Nếu đang quá rảnh rỗi vào mùa dịch và cần giết thời gian hiệu quả, Deep Sky Derelicts có thể là một lựa chọn không tồi – tuy vẫn còn đó vô số những thay thế khác hiệu quả hơn.