Skip to content

Enotria: The Last Song – Đánh Giá Game

Enotria: The Last Song

Enotria: The Last Song – Sau khi dòng game Dark Souls ra mắt, tạo ra một làn sóng mới trong thế giới game với kiểu chơi “Souls-like” với những con quái nhép “máu trâu” vật vã, đến những con trùm tưởng chừng như bất tử sẵn sàng “hành hạ người chơi ra bã”, đem lại những thử thách khắc nghiệt cho các game thủ luôn tự hào với sự “nhanh tay lẹ mắt” của mình.

Sức ảnh hưởng của phong cách Souls-like lớn đến nỗi rất nhiều các nhà sản xuất game đều phải thử qua, ít nhất là một lần, từ các nhà sản xuất thâm niên đến những “lính mới” của ngành game, có thể kể đến những cái tên như Star Wars Jedi của nhà phát triển kỳ cựu Respawn Entertainment, hay thậm chí “bom tấn” Black Myth: Wukong – sản phẩm đầu tay của Game Science, cũng chịu nhiều ảnh hưởng của kiểu game này.

Trong bối cảnh đó, Jyamma Games, một studio chỉ được thành lập vào năm 2019 tại Ý, đã quyết định xây dựng nên một tựa game Souls-like của riêng mình với tên gọi: Enotria: The Last Song, mang đậm màu sắc của những câu chuyện thần thoại thời kỳ Phục Hưng ở vùng đất này.

Trong một môi trường bùng nổ các tựa game Souls-like như hiện nay, liệu studio non trẻ đến từ Ý có tạo ra được dấu ấn khác biệt?

Hãy cùng Vietgame.asia tìm hiểu trò chơi qua bài đánh giá sau, các bạn nhé!

BẠN SẼ THÍCH

Enotria: The Last Song - Đánh Giá Game

Một bối cảnh mới lạ!

Văn hoá Ý là một kho tàng vô cùng đồ sộ của nhân loại, đặc biệt nhất là các loại hình nghệ thuật bùng nổ khởi nguồn cho phong trào Phục Hưng tạo nên rất nhiều nguồn cảm hứng cho các ngành nghệ thuật hiện đại, trong đó có cả thế giới game với những tác phẩm như Trường ca “Thần khúc” (The Divinie Comedy) của nhà thơ người Ý – Dante Alighieri, lần lượt được dung nhập vào các dòng game như Devil May Cry hay Shin Megami Tensei, âm nhạc và nhạc kịch Ý thường xuyên vang lên trong Hitman hay bối cảnh chính trị nước Ý thời kỳ này được tái hiện qua các tựa game trong phần hai của Assassin’s Creed.

Đến với Enotria: The Last Song, Jyamma Games lựa chọn một bối cảnh mới mẻ và lạ lẫm hơn nhiều để người chơi có thể khám phá thêm một khía cạnh nghệ thuật khác của nước Ý, đó chính là nghệ thuật kịch Canovaccio, một loại hình hài kịch hình thành và phát triển từ thời kỳ Phục Hưng ở Ý.

Enotria: The Last Song - Đánh Giá Game

Loại hình hài kịch này được thể hiện với các diễn viên hài, tiến hóa từ loại hình biểu diễn hề thời Trung cổ, với các nhân vật đeo các loại mặt nạ khác nhau để biểu hiện tính cách nhân vật, có phần giống với mặt nạ kịch Noh trong nghệ thuật tuồng Nhật Bản, hay mặt nạ Kinh kịch trong nghệ thuật truyền thống Trung Hoa.

Các đoàn kịch này thường lưu diễn di động khắp nơi, thế nên thường bị chính quyền các thành bang địa phương mà đoàn lưu diễn này kiểm duyệt kịch bản cho phù hợp với lợi ích của giới cầm quyền. Thế nhưng điều oái oăm là người dân lại rất thích nghe, rất thích thưởng tiền cho những chi tiết châm biếm, đả kích, thậm chí là “vạch mặt nạ” tầng lớp quý tộc.

Chính vì vậy, mặc dù đã nộp kịch bản lên để kiểm duyệt, các diễn viên thường sẽ ứng biến với phong cách tự do ngoài phạm vi kịch bản trong đêm diễn cuối cùng rồi… ôm tiền chuồn êm.

Enotria: The Last Song - Đánh Giá Game

Loại hình hài kịch này thể hiện cho khát vọng tự do, chống lại áp bức và cường quyền trong một thế giới mà “những kẻ đeo mặt nạ” là người thao túng mọi thứ.

Dông dài đôi chút để bạn đọc có thể dễ dàng cảm nhận được những yếu tố ẩn giấu bên trong câu chuyện, mà chỉ với một vài phút ngắn ngủi của đoạn phim mở đầu game không thể truyền tải hết được.

Với cảm hứng từ nghệ thuật kịch Canovaccio thì Enotria: The Last Song đưa game thủ đến với thế giới của những vở kịch, với nhân vật chính là Maskless One, con rối duy nhất không đeo mặt nạ trong vở kịch muốn bứt dây để đi tìm tự do như Pinocchio, chống lại những kẻ thù và bè lũ tay chân qua các màn chơi.

Qua từng màn chơi, bạn sẽ được du hành qua các vùng đất mang âm hưởng thiên nhiên và công trình của nước Ý thời kỳ Trung cổ, với những khu vực ngập tràn trong cái nắng dìu dịu của vùng Địa Trung Hải, thế nhưng ẩn sau đó là những thế lực tà ác thao túng vận mệnh như những con rối.

Enotria: The Last Song - Đánh Giá Game

Phải nói rằng ở khâu thiết kế mỹ thuật, đội ngũ làm game từ Jyamma Games đã làm rất tốt vai trò của mình khi đem đến cho người chơi những gì “rất Ý” từ những khung cảnh tràn ngập ánh sáng, những bức tranh mô tả đậm chất hội hoạ Phục Hưng, đến cả những con rối với trang phục loè loẹt và những chiếc mặt nạ – tâm điểm chính của trò chơi.

Cách thể hiện này tương tự như những gì mà hãng Spiders đã làm để tái hiện một nước Pháp theo phong cách “Gearpunk” làm điểm nhấn chính trong tựa game Souls-like Steelrising, đem tới một nét riêng cho dòng game vốn có nhiều yếu tố tương tự nhau trong lối chơi.

Với cảm hứng từ nghệ thuật kịch Canovaccio thì Enotria: The Last Song đưa game thủ đến với thế giới của những vở kịch, với nhân vật chính là Maskless One

Bạn sẽ bị choáng ngợp bởi sự mỹ lệ của khung cảnh, của kiến trúc và cả của nghệ thuật trong game với những hình ảnh đầy sáng sủa và màu sắc sặc sỡ, thậm chí đôi khi phải đắm mình vào dạo chơi trong thế giới game để khám phá cảnh đẹp và các ngóc ngách của bản đồ để tìm thêm các thông tin, những con quái hay các vật phẩm hữu dụng.

Điều này khác hẳn cách mà hầu hết các tựa game thuộc thể loại game Souls-like đầy thành công khác như Dark Souls 3, Nioh hay Bloodborne tạo “không khí” cho người chơi bằng các khung cảnh tối tăm, những hành lang chật hẹp và những con quái đầy hung tợn sẵn sàng nhảy bổ vào bạn.

Mặc dù có rất nhiều cảnh người chơi phải di chuyển trong các tòa nhà hay nhà hát, nhưng chúng không thực sự tăm tối như các tựa game kể trên. Cách thiết lập ánh sáng trong Enotria: The Last Song bằng các màu sắc khác nhau tạo ra khung cảnh có phần mộng ảo, rất dễ dàng điều tiết cảm xúc của người chơi, hệt như một vở kịch trên sân khấu được thiết lập ánh sáng và bố cục gọn gàng để thể hiện ý đồ cảm xúc của đạo diễn.

Đó là chưa kể một vài khung cảnh mở rộng lớn, có phần “học hỏi” tựa game thành công Elden Ring càng làm người chơi choáng ngợp với cảnh quan nước Ý, tạo ra nét đặc trưng riêng của trò chơi mà bạn khó có thể cảm nhận được từ một tựa game nào khác.

Âm thanh cũng là một điểm được các nhà phát triển game chăm chút vô cùng tỉ mỉ, với rất nhiều những bản nhạc nền do Aram Shahbazians sáng tác.

Ông là một trong những tên tuổi âm nhạc khá kín tiếng “chuyên trị” thể loại nhạc giao hưởng hùng tráng, đã góp phần vào nhiều dự án game đình đám, có thể kể đến tựa game kinh dị Song of Horror hay tựa game bom tấn Cyberpunk 2077.

Các bản nhạc nền của Aram Shahbazians đều được nổi lên đúng lúc và đúng chỗ, thường là với những trận đấu trùm khốc liệt, đem tới cảm hứng nhất định cho người chơi. Đặc biệt là với cách sử dụng các dải vocal Tenor và Soprano rất đặc trưng của âm nhạc Ý thời kỳ Phục Hưng và Cận Đại tạo ra âm hưởng hào hùng cho trận đấu, khác hẳn cách sử dụng bộ gõ dẫn dắt nhịp điệu trong các dòng nhạc Epic hiện đại.

Đây là điểm mà người viết đánh giá cao nhất ở tựa game này khi truyền tải được hết “chất Ý” của trò chơi.

Về tổng thể, phần hình – âm và cốt truyện Enotria: The Last Song đều được thể hiện rất tốt, tạo ra đủ phấn khích cho người chơi, nhất là ở giai đoạn mới bắt đầu làm quen với tựa game.

BẠN SẼ GHÉT

Khả năng phát triển chưa “tới”!

Sau một đoạn khởi đầu khá ổn thoả, Enotria: The Last Song bắt đầu bộc lộ nhiều vấn đề, kể cả về kỹ thuật lẫn cách thiết kế đầy tham vọng nhưng chưa được thực hiện và vận hành như mong đợi.

Đầu tiên là các lỗi kỹ thuật ập đến, gây khó chịu cho người chơi.

Lỗi đầu tiên mà người viết bắt gặp là lỗi… treo chuột và dính phím. Trong một lần “tạm ra ngoài” bằng tổ hợp phím Alt+Tab, chuột của người chơi bị dính ở góc và chẳng có bất kỳ cách nào thay đổi.

Thậm chí một số nút như ESC để thoát game cũng không thể kích hoạt, khiến người viết phải chấm dứt game bằng tổ hợp phím Alt+F4.

Chưa dừng lại ở đó, có đôi lúc con quái hay thậm chí là các con trùm bỗng dưng sững người ra, tha hồ cho bạn công kích. Trừ khi bạn tạo ra một đòn đánh có thể làm ngã đối thủ, lúc này AI của máy mới được thiết lập lại tấn công bạn như cũ.

Vậy nên bạn hoàn toàn có thể “rỉa máu” đối thủ từng chút một cho đến khi kích hoạt kịch bản AI tiếp theo.

Bên cạnh đó, Enotria: The Last Song còn sở hữu hệ thống cây kỹ năng đồ sộ, số lượng vũ khí khổng lồ lên đến 120 loại, các loại ngọc đỡ đòn và các loại mặt nạ cho người chơi sử dụng và thử nghiệm, đem lại không chỉ ngoại hình và chiêu thức mới mẻ mà còn thêm một số thay đổi trong các chỉ số của nhân vật.

Thế nhưng trên thực tế, bạn sẽ phát hiện ra rằng dù sở hữu rất nhiều lựa chọn, về cơ bản thì chúng cũng không đem lại quá nhiều khác biệt, có lẽ là do nỗ lực muốn cân bằng game của đội ngũ.

Hay nói cách khác, bạn sẽ nhanh chóng nhận ra rằng dùng một vài lựa chọn “quen tay” vẫn là yếu tố quan trọng nhất trong suốt cuộc hành trình kéo dài khoảng 7 giờ của trò chơi mà thôi.

Việc phát triển quá nhiều yếu tố cho người chơi lựa chọn như vậy thật sự là không cần thiết.

Trong khi đó, phần thiết kế đối thủ cũng gặp vấn đề tương tự.

Dù sở hữu rất nhiều loại hình, kích cỡ và chiêu thức đa dạng khác nhau, thế nhưng hầu hết các đối thủ máy đều chỉ có một mục tiêu duy nhất là lăn xả vào bạn, sau đó dồn dập tung chiêu ép góc cho bạn vào “góc chết”, buộc bạn phải né tránh và đỡ đòn nhiều nhất có thể để rồi sau đó phản kích.

Hệ quả là gần như tất cả các trận đánh trùm đều có phương thức diễn biến và kết thúc na ná như nhau, ngoài trận đấu với cặp đôi Pantalone và Balanzone đem lại đôi chút sự khác biệt.

Về tổng thể, với rất nhiều yếu tố được thêm thắt nhưng cuối cùng kết thúc có phần “đầu voi đuôi chuột”, cùng những lỗi kỹ thuật, Enotria: The Last Song cho thấy tựa game thật sự phát triển chưa thật sự “tới” như mong đợi.

Sau một đoạn khởi đầu khá ổn thoả, Enotria: The Last Song bắt đầu bộc lộ nhiều vấn đề, kể cả về kỹ thuật lẫn cách thiết kế

6.0

Enotria: The Last Song sở hữu một nền tảng đồ hoạ đẹp, âm thanh ấn tượng và một cốt truyện đặc sắc, thế nhưng lỗi kỹ thuật và khả năng phát triển chưa "tới" làm trải nghiệm của người chơi trở nên hụt hẫng khi dấn thân vào thế giới game.

Thông tin

  • Enotria: The Last Song
  • Nhà phát triển
    Jyamma Games
  • Nhà phát hành
    Jyamma Games
  • Thể loại
    Hành động
  • Ngày ra mắt
    16/09/2024
  • Nền tảng
    Windows, Xbox Series X | S, PlayStation 5

Cấu hình tối thiểu

  • Hệ điều hành
    64-Bit Windows 10
  • CPU
    Intel Core i7-8700 (3.2Ghz) / AMD Ryzen 5 3600 (3.6 Ghz)
  • RAM
    16GB
  • GPU
    NVIDIA GeForce 2080 / AMD Radeon RX 7600 XT / INTEL Arc A770
  • Lưu trữ
    50GB
  • Thiết bị
    N/A

Cấu hình thử nghiệm

  • Hệ điều hành
    N/A
  • CPU
    N/A
  • RAM
    N/A
  • GPU
    N/A
  • Lưu trữ
    N/A
  • Thiết bị
    N/A
Game được hỗ trợ bởi Jyamma Games. Chơi trên PC.