Skip to content

Free Guy: Bộ phim miêu tả về game chân thực nhất?

Free Guy

Free Guy – Khi nói đến phim có chủ đề xoay quanh trò chơi điện tử nhưng không dựa trên một thương hiệu trò chơi nhất định, chắc hẳn chúng ta sẽ nhớ đến Ready Player One, bộ phim được ra mắt vào năm 2018, dựa trên cuốn tiểu thuyết cùng tên.

Khác với Ready Player One, nơi nhân vật chính là một người chơi, Free Guy đã chọn một hướng đi thú vị khác đó là xây dựng bộ phim xung quanh một NPC (Non-Playable Character) của trò chơi Free City. 

Free City là một tựa game hư cấu trong phim và thông qua các trailer, có thể thấy rằng tựa game này dựa trên những trò chơi là Fortnite, GTA V, SimCityRed Dead Redemption 2.

Khi sản xuất bộ phim này, không ai có thể phủ nhận rằng đối tượng khán giả chính của bộ phim sẽ là những game thủ và chính vì điều này, đạo diễn Shawn Levy cũng đã mời những streamer nổi tiếng góp mặt vào bộ phim như Jacksepticeye, Ninja và Pokimane.

Trong bài viết này, Vietgame.asia sẽ điểm qua những yếu tố mà bộ phim Free Guy đã làm được và chưa làm được trong việc biến Free City có cảm giác như một trò chơi thực thụ, có thể tồn tại ngoài thế giới thực.

Đây không phải là “rì viu” (review) của bộ phim và sẽ có một vài chi tiết có thể tiết lộ nội dung (spoiler), vì vậy các bạn độc giả nên cân nhắc trước khi tiếp tục đọc.

Những điểm thực tế

Free Guy

1. Miêu tả chính xác các NPC

Vì là phim dựa trên câu chuyện của một NPC, Free Guy đã thực hiện rất tốt điều này.

Nhân vật chính của bộ phim – Guy – là một NPC và lịch trình của anh đã được lập trình sẵn. Mỗi buổi sáng anh đều thức giấc đúng giờ, ăn đúng một món, uống đúng một loại cafe, đi làm tại ngân hàng và những tên cướp (vốn là người chơi) tới, anh chỉ việc nằm xuống như đã định sẵn.

Thậm chí, nếu gặp người chơi hoặc các NPC khác, họ chỉ nói đúng một câu đã định sẵn.

Việc NPC có lịch trình trong ngày là điều khiến cho người viết nhớ tới tựa game Shenmue, nơi các NPC sẽ có lịch trình riêng dựa theo thời gian trong ngày.


Free Guy

2. Skin trong game và giao dịch ảo

Khi nhân vật Guy bắt đầu có những suy nghĩ riêng và bắt đầu tung hoành trong thế giới game, đã có nhiều người tưởng rằng anh là một người chơi “đội lốt” NPC bằng “skin” (hình dạng bên ngoài). 

Đây là một chi tiết thú vị vì trong các trò chơi nhập vai, không phải người chơi nào cũng sử dụng các bộ trang phục ngầu nhất để thể hiện đẳng cấp hoặc cá tính, họ có thể chọn một bộ trang phục bình thường hơn để nhập vai.

Có thể thấy rằng yếu tố này được lấy cảm hứng từ Fortnite, nơi người chơi có thể sử dụng “skin” mình thích trước khi vào trận.

Free Guy

Còn về mặt giao dịch, sau khi nhặt được số tiền lớn đầu tiên, Guy đã tự mua cho bản thân đôi giày mà anh được lập trình để yêu thích. Khi trang bị đôi giày này, Guy đã đạt được một kỹ năng đặt biệt và đây cũng là một yếu tố khác thường thấy trong game.

Chẳng hạn như trong Fallout 76, mua những trang phục không chỉ có tính thẩm mỹ mà còn tăng chỉ số. Nói một cách tiêu tực thì đây chính là yếu tố “Pay to win” nổi tiếng.


3. Nỗi khổ của Developer

Nhân vật chính của bộ phim là Antwan, CEO của công ty phát hành tựa game Free City. Trong bộ phim, hắn muốn các nhà phát triển nhanh chóng xuất xưởng Free City 2 dù họ khẳng định rằng tựa game vẫn còn nhiều bug chưa được giải quyết.

Vụ việc này khiến cho chúng ta phải nhớ đến “thảm họa” Cyberpunk 2077 của năm ngoái hay Assassin’s Creed Unity của năm 2014.


4. Khi nhà phát hành “nói dối”

Tiếp tục luận điểm ở trên, Antwan đã nói dối với người hâm mộ của Free City rằng phần thứ hai sẽ có tương thích ngược, rằng người chơi có thể tiếp tục sử dụng tài khoản cho phần thứ hai.

Tuy nhiên, không lâu sau đó các nhân chính đã phát hiện ra rằng đây là một lời nói dối. Chi tiết này tuy nhỏ nhưng cũng thể hiện được “sự tham lam” của nhà phát hành.

Hãy tưởng tượng rằng sau khi bạn đầu tư một số tiền kha khá và tài khoản game online, nhà phát hành bỗng dưng quyết định tắt máy chủ (server) và bạn phải đầu tư từ đầu ở game mới, chắc hẳn cảm giác của bạn sẽ rất là “ức chế”!

Việc nhà phát hành nói dối với game thủ ngoài đời không là điều hiếm thấy, chẳng hạn như việc EA nói dối về vấn đề “microtransaction” (giao dịch) trong Star Wars Battlefront II, Ubisoft nói dối về đồ họa của nhiều tựa game khác nhau hay Sony với lượng nội dung có trong The Order 1886.

Những điều chưa thực tế

1. Các vật dụng “khổng lồ”!

Để tạo ra được sự khác biệt giữa thế giới bình thường mà các NPC thấy với thế giới mà các game thủ thấy một cách rõ ràng, các biểu tượng như hộp y tế, ngân hàng, shop vũ khí đều được phóng đại với nhiều màu sắc.

Trong khi đó các tựa game thế giới mở bối cảnh thành phố như GTA V, những địa điểm trên hòa quyện một cách tự nhiên vào thành phố.


2. HUD được phóng đại quá mức!

Trong bộ phim, sẽ có một vài phân cảnh diễn ra từ góc nhìn thứ nhất (bạn nhớ bộ phim DOOM ra mắt năm 2005 do nam tài tử The Rock thủ vai chứ?) và tất nhiên, khi ở góc nhìn này, chúng ta sẽ thấy HUD (Head-Up Display) của trò chơi.

Tuy nhiên, tương tự như yếu tố trên, để cho những người không chơi game hiểu rõ rằng đây là một trò chơi, các yếu tố của HUD như chỉ số sức khỏe, sức bền, vũ khí đều được phóng to và chiếm khoảng 30% màn hình.

Nếu HUD này tồn tại ngoài đời thì… nó sẽ khá là phiền toái cho game thủ!


3. Cơ chế “nhập vai” không rõ ràng

Xuyên suốt bộ phim, Free City được xây dựng là một trò chơi nơi người chơi có thể tự do bắn, giết, cướp, mà không cảm thấy tội lỗi. Song một trong những yếu tố cốt truyện của phim lại xoay quanh việc nhân vật chính làm anh hùng mà lại “lên cấp” (level up) nhanh hơn người khác.

Hành động tốt của anh đã khiến nhiều người cân nhắc việc trở thành người tốt trong game và còn bị nói là đang “phá hủy trò chơi”.

Tuy nhiên, nếu Free City là một trò chơi ủng hộ bắn phá làm kẻ xấu, vậy tại sao họ lại lập trình cơ chế thưởng cho việc làm người tốt?


LỜI KẾT

Suy cho cùng, Free Guy là một bộ phim và vì vậy, một số yếu tố của trò chơi điện tử ngoài đời phải bị thay đổi để đưa đến một bộ phim hay.

Chính đạo diễn Shawn Levy cũng đã chia sẻ rằng khó khăn nhất khi đưa game lên phim đó là tìm được điểm chính giữa hai yếu tố là thực tế và dễ hiểu với đại đa số khán giả.

Dù là vậy, theo quan điểm của người viết, Free Guy là một bộ phim miêu tả game tương đối chính xác, nhất là khi nó không dựa trên một trò chơi hay thương hiệu nhất định.

Tác giả

Mango

Chơi game từ khi còn nhỏ trên chiếc máy SNES, Mango sở hữu một gu trò chơi tương đối đa dạng. Tuy nhiên, vì có sở thích võ thuật nói chung và thể thao đối kháng nói riêng, Mango ưa chuộng nhất là những trò chơi đánh đấm, cụ thể hơn là dòng game Yakuza.

Thảo luận