Skip to content

Giải mã 15 địa danh Stranger of Paradise: Final Fantasy Origin – Chuyên Đề Game

Địa danh Stranger of Paradise

Địa danh Stranger of Paradise – Không chỉ là một phiên bản “làm lại” của Final Fantasy 1, Stranger of Paradise: FFO còn là một bản ngoại truyện thử nghiệm việc kết hợp dòng Final Fantasy nặng RPG với lối chơi Souls-like.

Stranger of Paradise: FFO còn là một “bức thư tình” với người hâm mộ Final Fantasy, khi tựa game này đầy ắp những cảm hứng, những “easter egg” (Trứng Phục Sinh) về tất cả các phiên bản Final Fantasy.

Điều dễ thấy mà cũng khó thấy, đó là những địa danh trong nhiệm vụ của Stranger of Paradise: FFO, mặc dù vẫn có tên như Final Fantasy I, lại đều được lấy cảm hứng từ một Final Fantasy nào đó.

Người viết, với kinh nghiệm nhiều năm chơi tất cả các bản Final Fantasy, sẽ cố gắng giúp các bạn “giải mã” nguồn gốc những địa danh xuất hiện trong Stranger of Paradise: FFO nhé.

1. FINAL FANTASY I

  • Địa danh trong Final Fantasy I: Cornelia, Chaos Shrine
  • Địa danh trong Stranger of Paradise: FFO: Cornelia, Chaos Shrine

Hai địa danh này của Final Fantasy I được giữ nguyên từ bản chính, có chăng là được “làm lại” với một nền đồ hoạ 3D tân tiến.

Người hâm mộ phiên bản đầu tiên sẽ được trải nghiệm hầm ngục Chaos Shrine, nơi bắt đầu và cũng là kết thúc của tất cả, đi dạo trên đường phố của Cornelia (kèm với đánh nhau) và hồi tưởng lại những cảm xúc của 35 năm về trước.

2. FINAL FANTASY II

  • Địa danh trong Final Fantasy II: Lâu đài Palamecia
  • Địa danh trong Stranger of Paradise: FFO: Western Keep

Thoạt đầu, khá khó để nhận biết Western Keep là địa danh nào nào của Final Fantasy nào, do trên thực tế những Final Fantasy đời đầu thường không đi sâu vào chi tiết lắm, và thường sử dụng những hình ảnh lâu đài khá chung chung để mô tả những địa danh trong game.

Đi sâu vào trong Western Keep một chút thì người chơi mới nhận ra màu tím khá đặc trưng của lâu đài Palamecia, kèm với nền gạch màu cát khi người chơi ra khu vực mà họ bị bắn phá bởi một chiếc máy bắn tên cực lớn. (Trong bản gốc thì lâu đài Palamecia nằm giữa núi, gần một sa mạc).

Tất nhiên, bằng chứng rõ ràng nhất là trùm cuối của Western Keep, Black Knight.

Ở đầu Final Fantasy II, người chơi sẽ gặp bốn tên này trong một trận chiến không thể chiến thắng, và mãi phải tới Stranger of Paradise: FFO thì người chơi mới có thể hưởng cảm giác trả thù những tên kị sĩ hắc ám này.

3. FINAL FANTASY III

  • Địa danh trong Final Fantasy III: Crystal Tower
  • Địa danh trong Stranger of Paradise: FFO: Crystal Mirage

Đây là một trong số các địa danh khá dễ nhận biết: một toà tháp cao nhiều tầng, đầy ắp màu xanh của Crystal, và một cái tên không thể lộ liễu hơn.

Crystal Tower đóng vai trò làm hầm ngục cuối của Final Fantasy III, trước khi người chơi tới chiến đấu với trùm cuối Cloud of Darkness.

Người viết đã từng trải qua Crystal Tower 2 lần, và xém chút nữa đã bị “sang chấn tâm lý” khi gặp lại Crystal Tower trong Stranger of Paradise: FFO, vì trong bản gốc lâu đài này vừa khó, vừa dài (3 tới 4 giờ khám phá là bình thường), lại… không có một điểm lưu game nào, và rủi thay người chơi nào bất cẩn sẽ phải… đi lại từ đầu, và mất hết toàn bộ quá trình.

Tưởng tượng một cơ chế “ác” như vậy trong một trò chơi hardcore như Stranger of Paradise: FFO, thì chắc kha khá người chơi nghỉ game sớm.

Đáng chú ý, trong Final Fantasy I, thì không có địa danh nào tên là Crystal Mirage (chỉ có Mirage Tower, và địa danh này thì không có tí sắc “xanh” nào).

Một thông tin thú vị mà người viết để ý là phần mở đầu của Mirage Tower lại có bố trí rất giống với phần “raid” Crystal Tower của… Final Fantasy XIV, một raid 24 người dựa trên Crystal Tower của Final Fantasy III, nhưng đóng vai trò rất quan trọng trong cốt truyện.

4. FINAL FANTASY IV

  • Địa danh trong Final Fantasy IV: Tower of Babil
  • Địa danh trong Stranger of Paradise: FFO: Flying Fortress

Ngẫm lại, dòng game Final Fantasy có vẻ rất ưa thích mô-típ một toà tháp với công nghệ cực kỳ tân tiến, vượt xa giới hạn của thế giới thời Trung Cổ mọc lên giữa nơi đồng không mông quạnh. Tower of Babil là một ví dụ như vậy.

Trong Final Fantasy IV, Tower of Babil là một toà tháp tối tân mọc nối liền Underworld tới Overworld của thế giới Final Fantasy IV, và là nơi Rubicante trú ngụ.

Khá kỳ lạ khi Flying Fortress (nghĩa là Pháo đài Bay) thì lại… không phải là một toà tháp, càng không nối Underworld tới Overworld, và trong Final Fantasy I gốc thì thậm chí còn không kín bưng mà lộ thiên, nhưng những đặc điểm khá đặc trưng của Tower of Babil vẫn đầy ắp khu vực này.

Một điểm thú vị là bạn có thể thấy Trái đất ở bên ngoài Flying Fortress, lấy cảm hứng từ việc bạn có thể du hành lên mặt trăng trong Final Fantasy IV.

5. FINAL FANTASY V

  • Địa danh trong Final Fantasy V: Ronka Ruins
  • Địa danh trong Stranger of Paradise: FFO: Ruins of Machina

Thêm một địa điểm nữa thuộc mô-típ “tàn tích của một nền văn minh tân tiến”, Ronka Ruins là tàn tích của một nền văn minh đã bị sụp đổ 1000 năm trước khi những sự kiện trong Final Fantasy V bắt đầu.

Kỳ lạ thay, người viết cảm thấy Ronka Ruins hợp để làm Flying Fortress hơn, do tàn tích này trong Final Fantasy V có thể thực sự biến thành một “pháo đài bay” bay lượn trên bầu trời.

Tuy nhiên những nhà phát triển đã quyết định lựa chọn Ronka Ruins làm hình mẫu cho Ruins of Machina, và quả thực nơi này đầy ắp những cảm hứng từ khu vực Ronka: một tàn tích công nghệ cao nhưng phủ rêu xanh tang thương, hay khẩu Soul Cannon bắn liên tục vào người chơi, hay trùm cuối Cray Claw, tất cả đều được làm cực kỳ bám sát nguyên tác.

6. FINAL FANTASY VI

  • Địa danh trong Final Fantasy VI: Floating Continent
  • Địa danh trong Stranger of Paradise: FFO: Terra Tortura

Một vùng nham thạch lởm chởm gai góc, bay lơ lửng trên bầu trời, gợi lên cảm giác tận cùng của thế giới, khó có thể là địa danh nào khác ngoài Lục địa Trôi nổi – Floating Continent, tới từ Final Fantasy VI.

Floating Continent vốn là lục địa phía đông của Thế giới Cân bằng (World of Balance), trước khi Kefka làm “trò con bò” và sử dụng sức mạnh của Warring Triad nhấc bổng cả lục địa này lên không trung.

Xuyên suốt nhiệm vụ ở Terra Tortura, người hâm mộ Final Fantasy VI có thể thấy nhiều sự liên kết với nguyên tác, khi họ phải đi phá huỷ 3 bức tượng Warring Triad, sau đó dần dần những vùng đất của Terra Tortura bị sụp đổ.

Đặc biệt, trùm cuối, Ultima Weapon Origin, gần như là một bản sao 3D sống động của Ultima Weapon, từ bề ngoài tới những kỹ năng của chúng. Chắc chắn người hâm mộ Final Fantasy VI sẽ cảm thấy vô cùng thích thú với nhiệm vụ này.

7. FINAL FANTASY VII

  • Địa danh trong Final Fantasy VII: Lò phản ứng Mako Ngầm Junon
  • Địa danh trong Stranger of Paradise: FFO: Sunken Shrine

Đây là một địa danh được giới thiệu rất sớm trong chiến dịch quảng bá Stranger of Paradise: FFO của Square Enix, và ai cũng hiểu đây là một trong các lò phản ứng Mako, tuy nhiên người ta chỉ nghĩ đó là lò phản ứng số 1 hoặc số 5 mà thôi.

Thực tế, với vị trí nằm dưới biển, và với cấu trúc như vậy, thì đây là lò phản ứng Mako ngầm ở Junon (bản Remake chưa tới địa danh này).

Về độ chi tiết, có lẽ Sunken Shrine hoàn toàn có thể sánh ngang với Final Fantasy VII Remake, với từng cánh cửa, từng bộ phận của lò phản ứng được dựng lên rất chi tiết và sống động, kèm với bản nhạc lấy cảm hứng từ bản nhạc nền trong các lò phản ứng Mako, khiến người chơi thực sự cảm thấy như họ được chơi một bản Final Fantasy VII Remake khác vậy.

8. FINAL FANTASY VIII

  • Địa danh trong Final Fantasy VIII: Fire Cavern
  • Địa danh trong Stranger of Paradise: FFO: Núi Gulg

Còn gì hợp hơn khi lấy một ngọn núi lửa đầy dung nham và quái vật để mô tả một ngọn núi lửa đầy dung nham và quái vật?

Fire Cavern là hầm ngục đầu tiên người chơi trải qua trong Final Fantasy VIII, khi anh chàng Squall, cùng với cô giáo xinh đẹp Quistis để lấy được bằng tốt nghiệp lực lượng SeeD.

Những địa điểm trong Núi Gulg cũng được đặt tên theo Final Fantasy VIII: “Chamber of the Lonely Lion (Căn phòng của Sư tử Cô độc)” – được đặt theo chính Squall, khi biểu tượng của anh chàng này là sư tử, và anh chàng luôn tự nhận mình là một kẻ cô độc, hay “Path of Trials (Con đường Thử thách)” được đặt tên theo mục đích của Fire Cavern, nơi thử thách các học viên Balamb Garden trước khi họ trở thành SeeD.

Và cuối cùng, bản nhạc Find Your Way đã “đóng hòm” mối liên kết không thể phủ nhận giữa Núi Gulg và Fire Cavern.

9. FINAL FANTASY IX

  • Địa danh trong Final Fantasy IX: Evil Forest
  • Địa danh trong Stranger of Paradise: FFO: Wicked Arbor

Wicked Arbor thực tế là một kiểu chơi chữ vô cùng thông minh, đồng nghĩa với Evil Forest (Khu rừng Quỷ dữ), và tất nhiên, qua đó thể hiện nơi đây đóng vai trò làm “đại diện” của Final Fantasy IX.

Thực tế, khi ban đầu tới đây người viết tới đây, người viết đã tưởng nhầm đây là rừng Macalania tới từ Final Fantasy X, nhờ sự thơ mộng của khu rừng, nhưng khi bản nhạc nền tới đoạn của Evil Forest, và người viết bước qua giếng nước hồi máu, cùng với một lớp miasma dần dần buông toả khắp khu rừng, thì người viết mới nhận ra đây là Evil Forest.

Khu rừng này trong Final Fantasy IX chỉ được vào đúng một lần khi mở đầu game, trước khi Plant Brain bị đánh bại và hoá đá cả khu rừng, hoá đá luôn anh chàng Blank tội nghiệp.

Rất may, không có Plant Brain nào trong Stranger of Paradise: FFO, tránh cho người chơi một kiếp phải chạy thục mạng tránh bị hoá đá.

10. FINAL FANTASY X

  • Địa danh trong Final Fantasy X: Núi Gagazet
  • Địa danh trong Stranger of Paradise: FFO: Hallowed Massif

Núi tuyết trong Final Fantasy thì không thiếu, nhưng có lẽ núi Gagazet là ngọn núi nổi tiếng nhất, quan trọng nhất trong mạch truyện của một tựa game Final Fantasy.

Núi Gagazet, nhà của tộc Ronso, đóng vai trò làm cửa ngõ tới Tàn tích Zanarkand, là một bài thử thách đối với các Summoner của Spira trong chuyến hành hương tới Zanarkand, thử thách lòng quyết tâm, thử thách ý chí sắt đá của họ.

Stranger of Paradise: FFO đã làm vô cùng tốt việc mô phỏng lại núi Gagazet dưới nền đồ hoạ ấn tượng, với những trụ đá sừng sững, thậm chí những vách hang động còn có những “fayth” – y như Final Fantasy X.

Trùm cuối của Hallowed Massif – Dragon Zombie – tất nhiên là lấy tên từ Final Fantasy I, tuy nhiên mô hình của con quái này cũng dường như được lấy ý tưởng từ Sanctuary Keeper – trùm cuối của núi Gagazet, ngay trước khi người chơi tới Zanarkand.

11. FINAL FANTASY XI

Địa danh Stranger of Paradise
  • Địa danh trong Final Fantasy XI: Delkfutt’s Tower
  • Địa danh trong Stranger of Paradise: FFO: Ancients’ Tower

Địa danh này có lẽ là khó tìm ra nguồn gốc nhất, cũng một phần do người viết không nắm rõ hết những địa danh của Final Fantasy XI như các Final Fantasy khác.

Sau khi nghiên cứu một lúc cấu trúc của Ancients’ Tower, thì Delkfutt’s Tower có lẽ là địa điểm thích hợp, với mối liên kết giữa việc nó là toà tháp của “cổ tộc” – Delkfutt’s Tower là toà tháp của một nền văn minh hàng thế kỷ trước (có vẻ như nền văn minh hiện đại nào cũng thích dựng tháp rồi biến mất thì phải).

Trong Final Fantasy XI, người chơi sẽ phải chiến đấu với lượng lớn xương khô và Giga – và điều này được phản ánh kỹ càng trong Stranger of Paradise: FFO, người chơi cũng phải chiến đấu với rất nhiều xương khô và Giga.

12. FINAL FANTASY XII

Địa danh Stranger of Paradise
  • Địa danh trong Final Fantasy XII: Lăng mộ Raithwall
  • Địa danh trong Stranger of Paradise: FFO: Cavern of Earth

Cavern of Earth là một trong những các địa danh dễ nhận biết nguồn gốc nhất của Stranger of Paradise: FFO, và cũng là một trong những địa danh gần như “sao y bản chính” – người chơi thậm chí có thể nhầm mình đang chơi Final Fantasy XII Remake khi bước đi trong lăng mộ này.

Tất cả mọi thứ đều được sao chép cực kỳ cẩn thận – những bộ xương khô, đám dơi nhũng nhiễu, đồ hoạ, thậm chí là cả Demon Wall – quái vật trên tường nổi tiếng của Final Fantasy cũng được mô tả lại một cách khéo léo bằng một cơ chế chơi đầy thông minh.

Địa danh Stranger of Paradise

Trong Final Fantasy XII, lăng mộ Raithwall là nơi yên nghỉ của Dynast King Raithwall, một vị vua anh hùng của vùng đất Ivalice, nơi Vaan và đồng bọn phải tới tìm kiếm Dawn Stone.

Có lẽ, chẳng có nơi nào thích hợp hơn lăng mộ này để đại diện cho hang động nơi người chơi phải chiến đấu với Lich, một trong bốn Elemental Fiend, vừa là thây ma vừa nắm giữ nguyên tố Đất.

13. FINAL FANTASY XIII

Địa danh Stranger of Paradise
  • Địa danh trong Final Fantasy XIII: Sunleth Waterscape
  • Địa danh trong Stranger of Paradise: FFO: Refrin Wetlands

Mặc dù Final Fantasy XIII lấy bối cảnh một siêu đô thị cực kỳ hiện đại, nhưng Stranger of Paradise: FFO lại sử dụng Sunleth Waterscape, một vùng đất xanh tươi thơ mộng, và còn sử dụng một phần của bản nhạc nền độc đáo của vùng đất này làm nhạc nền cho Refrin Wetlands.

Không chỉ có nhạc nền, mà Stranger of Paradise: FFO còn đưa vào cơ chế sử dụng những quả cầu thay đổi thời tiết để thay đổi đường đi, buộc người chơi phải giải đố một chút mới có thể tiếp tục hành trình, một cơ chế được “bốc” trực tiếp từ Sunleth Waterscape ra.

Cuối cùng, trùm cuối của khu vực này là một cặp đôi “Elemental Core” – lửa/nước, có thể lấy cảm hứng từ cặp quái Enki và Enlil của Sunleth Waterscape, chỉ khác nguyên tố: Enki và Enlil là nước/điện.

14. FINAL FANTASY XIV

Địa danh Stranger of Paradise
  • Địa danh trong Final Fantasy XIV: Sastasha
  • Địa danh trong Stranger of Paradise: FFO: Pravoka Seagrot

Sastasha là hầm ngục đầu tiên mà người chơi có thể lập tổ đội để chiến đấu trong Final Fantasy XIV, và không ngạc nhiên khi Stranger of Paradise: FFO sử dụng Sastasha để đại diện cho một nơi lúc nhúc đầy cướp biển.

Khi vào Pravoka Seagrot, người chơi sẽ được trải nghiệm một khung cảnh hết sức thơ mộng, với những rặng san hô sáng lấp lánh nên thơ. Dần dần, những rặng san hô sẽ được thay thế bởi những hang ổ cướp biển – y hệt như Sastasha, và thậm chí người chơi còn phải chiến đấu với đám sahagin khó chịu.

Địa danh Stranger of Paradise

Cuối cùng, người chơi tới bến phà Pravoka, và đánh nhau với rất nhiều cướp biển, sahagin và trùm cuối ở đó – người viết cảm tưởng như một lần nữa trải nghiệm Final Fantasy XIV nhưng với đồ hoạ cao cấp hơn vậy.

15. FINAL FANTASY XV

Địa danh Stranger of Paradise
  • Địa danh trong Final Fantasy XV: Thành Insomnia
  • Địa danh trong Stranger of Paradise: FFO: Vigilia Court

Theo ý kiến cá nhân của người viết, Vigilia Court là địa điểm mà Stranger of Paradise: FFO thậm chí còn làm tốt hơn cả phiên bản gốc, rộng hơn, chi tiết hơn và với nhiều địa điểm để khám phá hơn.

Vừa bước chân vào Vigilia Court, người chơi sẽ không thể nào nhầm lẫn nơi này với bất kỳ nơi nào khác nhờ lối cấu trúc đặc biệt của bên trong toà tháp đôi của thành Insomnia, nơi đặt ngai vương của vương quốc Lucis.

Địa danh Stranger of Paradise

Khi bước đi trên Vigilia Court, bản nhạc Somnus nhẹ nhàng vang lên, cảm tưởng như đang sống lại những khoảnh khắc cuối cùng của Final Fantasy XV, khi Noctis và đồng bọn chuẩn bị chiến đấu với trùm cuối – ở đây là một con Behemoth giống hệt như trong Final Fantasy XV.


Liệu những danh sách của người viết có chính xác? Các bạn có ý tưởng khác về nguồn gốc những nhiệm vụ trong Stranger of Paradise: FFO?

Vậy, đừng quên để lại góp ý thông qua bình luận bên dưới nhé!

Tác giả

Piketr Cechillas

Piketr đã chơi JRPG từ hồi còn nhỏ, bắt đầu bằng Final Fantasy VI, và đã đem lòng yêu phong cách nghệ thuật, những câu chuyện hào hùng và những bài ca bất hủ của JRPG suốt bấy nhiêu năm qua. Là một fan JRPG chính hiệu, Piketr sẽ lo liệu tất cả những ấn phẩm từ Nhật (hoặc liên quan tới Nhật), tuy nhiên đôi khi đổi gió một chút cũng vui.

Thảo luận