Skip to content

Gigabyte GTX 1650 Super WindForce OC 4G – Đánh Giá Gaming Gear

Gigabyte GTX 1650 Super WindForce OC 4G – Ra mắt từ khá sớm, thế nhưng phiên bản GTX 1650 của NVIDIA trên thực tế khó lòng thỏa mãn các game thủ tầm trung khi sở hữu sức mạnh chênh lệch không lớn với các phiên bản tầm trung thế hệ trước.

Thế nên khi gặp phải “mối đe dọa mới” từ phiên bản RX 5500 đến từ “đội đỏ” AMD ra mắt ngày 12/12 vừa qua, NVIDIA đã phải “vội vàng” nâng cấp sản phẩm của mình lên phiên bản GTX 1650 Super với một sức mạnh thậm chí có thể “giẫm chân” lên “đàn anh” GTX 1660 trước đây với mức giá “mềm” hơn rất nhiều.

Đây là một bước nâng cấp dài nhằm “đón đầu” đối thủ mạnh mẽ của mình, thế nhưng phản ứng của các hãng lại không được “nồng nhiệt” như NVIDIA mong đợi, ngoại trừ MSI tung ra phiên bản MSI GTX 1650 Super Gaming XVietgame.asia đã từng giới thiệu đến bạn đọc sở hữu thiết kế cao cấp thì các hãng khác chỉ đưa… đội hình hạng hai đến tham gia “náo nhiệt”

Thậm chí với một hãng sản xuất khá “mạnh tay” như Gigabyte cũng chỉ cho ra mắt phiên bản thông thường Gigabyte GTX 1650 Super WindForce OC 4G thay vì phiên bản Gaming OC làm “chủ lực” ở phân khúc tầm trung như mọi khi.

Liệu phiên bản này có đủ “sáng giá” để đại diện cho Gigabyte trong phân khúc?

Hãy cùng Vietgame.asia tìm hiểu các bạn nhé!


BẠN SẼ THÍCH

Gigabyte GTX 1650 Super WindForce OC 4G

Gigabyte GTX 1650 Super WindForce OC 4G – Sức mạnh đáng ghi nhận

Trong cách mà Gigabyte định vị sản phẩm của mình trên thị trường card đồ họa hiện nay, các phiên bản có tên WindForce OC thường được dùng cho phiên bản phổ thông nhất, xếp sau cả dòng card “đại biểu” Gaming OC nên về cơ bản, mọi yếu tố trên dòng card này chỉ dừng lại ở mức cơ bản.

Ngay từ thiết kế vỏ hộp, có thể dễ dàng thấy được Gigabyte GTX 1650 Super WindForce OC 4G sở hữu một thiết kế vô cùng tối thiểu chỉ với logo mắt đại bàng thường thấy của hãng và vỏ hộp màu xanh tiêu chuẩn của các sản phẩm “đội xanh”, trong khi đó mặt sau chỉ có vài miêu tả đơn giản về phiên bản quạt tản nhiệt WindForce được trang bị trên sản phẩm.

Gigabyte GTX 1650 Super WindForce OC 4G

Thoạt nhìn thì phiên bản WindForce OC 4G này khá giống với phiên bản Gaming OC thường thấy, thế nhưng đi sâu vào chi tiết thì vẫn có thể thấy hệ thống tản nhiệt sở hữu chỉ duy nhất một ống dẫn nhiệt, các lá thép cũng được làm thưa thớt hơn.

Điểm sáng nhỏ duy nhất của Gigabyte GTX 1650 Super WindForce OC 4G trong thiết kế là sản phẩm được trang bị tấm “giáp lưng” để … trang trí với một thiết kế vô cùng đơn giản, tuy không có tác dụng thực tế nhưng cũng làm tăng ấn tượng về độ “cứng cáp” của sản phẩm.

Gigabyte GTX 1650 Super WindForce OC 4G

Về mặt sức mạnh, sản phẩm được Gigabyte ép nhẹ xung gốc (base clock) lên mức 1755MHz so với mức 1725MHz của phiên bản tham chiếu, chính vì vậy mà điểm số đạt được cũng không có bước tiến quá mạnh mẽ, chỉ đạt 11,061 điểm trong phép thử 3DMark FireStrike và 4,925 điểm cho phép thử DirectX12 là 3DMark TimeSpy.

Mức điểm này cũng chỉ chênh lệch đôi chút so với mức lần lượt 11,178 điểm và 5,015 trên phiên bản được đánh giá “trên cơ” hơn là MSI GTX 1650 Super Gaming X do cả hai đều sở hữu xung nhịp gốc là 1755MHz

Khi bước vào thử nghiệm game trên thực tế, Gigabyte GTX 1650 Super WindForce OC 4G tỏ ra thua sút đôi chút không đáng kể, nhưng nhìn chung là vẫn bên tám lạng, người nửa cân

Chủ yếu là do mức xung tăng cường (boost clock) của phiên bản đến từ MSI được giữ ổn định hơn phiên bản đến từ Gigabyte nhờ vào hệ thống tản nhiệt Gaming X đủ sức mạnh kìm giữ nhiệt độ của card đồ họa ở mức rất thấp, chỉ ở mức 64 độ khi đã stress test cùng chương trình FurMark.

Gigabyte GTX 1650 Super WindForce OC 4G

Cũng tương tự như phiên bản của MSI, phiên bản của Gigabyte có ưu thế hơn so với sản phẩm Sapphire Pulse RX 5500 XT 4G của “đội đỏ” ở các phép thử Battlefield V và Shadow of The Tomb Raider, trong khi đó ở các phép thử được tối ưu cho AMD như Far Cry 5 hay Borderlands 3 thì sản phẩm đến từ đội đỏ vẫn có ưu thế hơn.

Về mặt sức mạnh, điểm yếu của Gigabyte GTX 1650 Super WindForce OC 4G vẫn là vấn đề chung của dòng card GTX 1650 Super khi chỉ được trang bị 4GB GDDR6, tạm ổn với các game thể thao điện tử, các game hành động không có quá nhiều không gian “mở”,

Bên cạnh đó, quạt tản nhiệt cũng hoạt động khá ổn định giúp giữ nhiệt độ cho chip xử lý ở mức 71 độ, không phải thuộc loại “mát mẻ” như trên sản phẩm của MSI, thế nhưng cũng tạm ổn cho nhu cầu chơi game và làm việc nặng hàng ngày mà không gặp phải vấn đề quá nhiệt.

Gigabyte GTX 1650 Super WindForce OC 4G

Nhìn chung, Gigabyte GTX 1650 Super WindForce OC 4G đem đến một card đồ họa chỉ ở mức cơ bản, gần như chênh lệch không nhiều so với các phiên bản tham chiếu, gần như chỉ thỏa mãn nhu cầu tối thiểu của người dùng với các game nặng hiện nay, như vậy cũng là tạm ổn với người dùng có túi tiền eo hẹp.


BẠN SẼ GHÉT

Gigabyte GTX 1650 Super WindForce OC 4G – Khó cạnh tranh với đối thủ trong phân khúc

Gigabyte GTX 1650 Super WindForce OC 4G

Là một sản phẩm được thiết kế với phương châm “tối giản” và những tính năng cơ bản, Gigabyte GTX 1650 Super WindForce OC 4G thật sự rất khó để có thể cạnh tranh mạnh mẽ với các sản phẩm khác trong phân khúc card đồ họa tầm trung.

Thiết kế của sản phẩm khá “tầm thường”, và gần như không có điểm nhấn đáng kể, cũng không sở hữu cả đèn LED RGB theo trào lưu, cũng không sở hữu bất kỳ yếu tố bắt mắt nào để người dùng có thể lựa chọn sản phẩm ngay từ cái nhìn đầu tiên.

Vấn đề thứ hai nằm giá bán của sản phẩm cũng có phần “lơ lửng”, xấp xỉ 5.4 triệu đồng, cao hơn đôi chút so với phiên bản “đại diện” đến từ “đội đỏ” Sapphire Pulse RX 5500 XT 4G, trong khi đó lại rẻ hơn rất ít khi so với phiên bản Gaming X đến từ MSI, thậm chí trong một vài trường hợp khuyến mãi từ “team rồng” thì cả hai sản phẩm này có mức giá… bằng nhau.

Chính vì vậy mà người dùng có khuynh hướng lựa chọn phiên bản Gaming X từ “team rồng” với nhiều ưu điểm nổi trội hơn cả về thiết kế, khả năng tản nhiệt, lẫn khả năng ép xung chạy lâu dài.

Một vấn đề nhỏ khác mà người dùng Gigabyte GTX 1650 Super WindForce OC 4G phải đối mặt đó chính là việc sản phẩm sở hữu quá ít các cổng kết nối, không đủ “thoải mái” cho người dùng khi mà giá màn hình đang ngày trở nên rẻ hơn và người dùng có nhu cầu làm việc đa nhiệm trên nhiều màn hình ngay cả với các bộ máy tầm trung như hiện nay.


GIÁ THAM KHẢO

5,390,000đ


HỖ TRỢ

Gigabyte

THAM KHẢO

THÔNG TIN

  • Tên sản phẩm: Gigabyte GTX 1650 Super WindForce OC 4G
  • Nhà sản xuất: Gigabyte
  • Xuất xứ: Đài Loan

BÀI MỚI NHẤT

7.0

Gigabyte GTX 1650 Super WindForce OC 4G là một trong hai đại diện ít ỏi của Gigabyte, sử dụng chip xử lý đồ họa GTX 1650 Super hiện nay. Đây là sản phẩm với mọi yếu tố từ thiết kế, tản nhiệt, đến số lượng cổng kết nối đều ở mức cơ bản, trong khi mức giá cao, khó cạnh tranh với các đối thủ cao cấp hơn trong cùng phân khúc.