Skip to content

Github, Game Pass và ảnh hưởng đến Ngành game Việt Nam (Kỳ 2) – Chuyên đề game

Ngành game Việt Nam – Trong Kỳ 1 của loạt bài chuyên đề về những tác động của “cú hích” từ Microsoft đối với Ngành game Việt Nam trong tương lai gần, có thể thấy kể từ sau sự suy sụp của thị trường game trong nước giai đoạn 2010 – 2013, dần dần ngành công nghiệp còn non trẻ này đã tiến lên, với ba hướng phát triển chính.

Có thể kể đến các nguồn nhân lực tài năng tham gia vào những dự án nước ngoài với mức thu nhập cao, các studio độc lập cỡ vừa và nhỏ tập trung vào các dự án game mobile dễ thu hồi vốn và cuối cùng là những nhà phát hành game trong nước gia tăng cả về chất và lượng nhưng lại có khuynh hướng quan tâm đến các tựa game nước ngoài.

Mỗi hướng phát triển đều có những điểm mạnh, nhưng cũng để lại những hệ lụy nhất định tạo ra các khó khăn trong việc phát triển các tựa game chất lượng cao trong nước, cần đến những giải pháp kỹ thuật nhất định để tạo thành “cú hích” cho toàn ngành phát triển.

Tại sự kiện GameVerse 2023 vừa qua, Microsoft đã đưa ra cam kết hỗ trợ các nhà phát triển game tại Việt Nam với các dịch vụ và công cụ của riêng mình, và trong bài viết trước, người viết đã giới thiệu qua dịch vụ điện toán đám mây Azure và những tác động của nó tới tình trạng phân tán về nguồn nhân lực và nền tảng xây dựng game thiếu cơ sở vững chắc.

Trong bài viết Kỳ 2 này, người viết sẽ giới thiệu đến bạn đọc hai công cụ còn lại: GithubGame Pass và những tác động của nó đến các hạn chế còn lại của ngành công nghiệp game trong nước.

Những tác động này là gì? Hãy cùng Vietgame.asia tìm hiểu trong bài viết sau đây, các bạn nhé!

Github – Công cụ học tập phát triển toàn diện!

Github, Game Pass và ảnh hưởng đến Ngành game Việt Nam (Kỳ 2) - Chuyên đề game

Khi nhắc tới các tựa game thuộc loại “bom tấn” trên thị trường, người ta thường hay nghĩ ngay tới những studio cỡ lớn, thế nhưng trên thực tế, đã có rất nhiều tiến bộ công nghệ cho phép những studio nhỏ (hay còn gọi là studio indie) vẫn có thể tạo ra những tựa game “chuẩn bom tấn” cả về mặt đồ họa lẫn lối chơi, thậm chí một số nhà phát triển trẻ tuổi có thể tạo ra các tựa game lớn chỉ với một người duy nhất.

Github, Game Pass và ảnh hưởng đến Ngành game Việt Nam (Kỳ 2) - Chuyên đề game

Có thể kể đến những cái tên như Terraria, Minecraft hay Bright Memory đều là những tựa game được làm nên bởi những studio có nhân sự cực ít, đạt được nhiều thành công rực rỡ nhờ tận dụng được sự phát triển của cả công nghệ và các phương thức phát triển game tiên tiến.

Quay trở lại với ngành game Việt Nam, có thể thấy rất nhiều dự án game có khởi điểm từ những nhóm nhỏ các bạn lập trình viên và họa sĩ trẻ, nhưng hầu hết trong số chúng đều gặp phải hiện tượng “bế tắc phát triển” (Development Hell), khiến cho tiến độ phát triển bị chậm trễ, hoặc gặp phải các vấn đề khó khăn mà không giải quyết được, chẳng hạn như dự án game Việt Tai Ương” (The Scourge) đã im hơi lặng tiếng khá lâu kể từ sau trailer “nhá hàng” (teaser) thứ hai của mình.

Lưu ý: video clip có những hình ảnh kinh dị, cần cân nhắc trước khi xem

Duy nhất chỉ có Thần Trùng (The Death) có thể xem như một trong những ví dụ hiếm hoi trong làng game Việt Nam hoàn thành được toàn bộ dự án và cho ra mắt phiên bản thực tế, dù nhóm phát triển có nhân lực vô cùng ít ỏi.

Đây là dự án khá đặc biệt nếu xem xét trên phương diện phát triển game hiện nay bởi “chủ lực” của nó, DUT Studio, là ba bạn trẻ thuộc loại “tay ngang”, tiến hành làm game thuần túy chỉ vì… đam mê với phương thức chủ yếu là vừa tự học vừa thực hành ngay tại chỗ vào trong tựa game của mình.

Github, Game Pass và ảnh hưởng đến Ngành game Việt Nam (Kỳ 2) - Chuyên đề game
Các thành viên DUT Studio làm game vì… đam mê

Để có thể hỗ trợ cho cộng đồng phát triển game trẻ như các thành viên trong DUT Studio, Microsoft đã giới thiệu đến ngành game Việt Nam dịch vụ kho mã nguồn mở GitHub và chương trình Independent Developers @ Xbox để các nhà phát triển game trẻ có một công cụ mạnh mẽ hơn trong quá trình học tập, tìm kiếm tư liệu, để đơn giản hóa quá trình phát triển game cũng như tìm kiếm sự giúp đỡ (có tính phí) từ những người dùng chuyên nghiệp trên toàn thế giới.

GitHub là kho lưu trữ với rất nhiều dự án mã nguồn mở khác nhau mà các nhà phát triển game không chuyên có thể tìm kiếm, tra cứu các phương pháp/câu lệnh để giải quyết vấn đề. Và nếu giỏi tìm kiếm, người dùng còn có thể sử dụng được các tài nguyên sẵn có trên “kho” để giảm bớt khối lượng công việc cho bản thân.

Thậm chí là, nếu như gặp phải một vấn đề nào đó quá khó giải quyết trong quá trình phát triển game, nhà phát triển cũng có thể “treo thưởng” cho những lập trình viên đầy kinh nghiệm trên thế giới giải quyết với một mức phí nhất định!

Đây cũng là “kinh nghiệm xương máu” của những nhóm phát triển game ít người, chẳng hạn như với tựa game Bright Memory, để “lách qua” những yếu tố có thể làm nghẽn mạch phát triển cho tựa game và giảm tải cho nhóm phát triển.

GitHub là kho lưu trữ với rất nhiều dự án mã nguồn mở khác nhau mà các nhà phát triển game không chuyên có thể tìm kiếm, tra cứu các phương pháp/câu lệnh để giải quyết vấn đề

Đồ họa “khủng” của tựa game một-người-làm: Bright Memory

Đó là chưa kể đến các nhà phát triển game trẻ tuổi có thể tìm thêm một số công việc nhỏ trên nền tảng này để có thêm thu nhập, nuôi dưỡng đam mê làm game và mài dũa tay nghề của mình.

Về tổng thể, GitHub là một nền tảng hỗ trợ tuyệt vời cho ngành game Việt Nam trong bối cảnh các studio game nhỏ với các nhà phát triển trẻ tuổi, thậm chí là có phần “non” kinh nghiệm tạo nên “động lực” chính cho các tựa game “made in Vietnam” ra mắt thị trường.

Game Pass – Lối ra của Ngành game Việt Nam

Từ các ví dụ thành công của các studio nhỏ với nhóm các nhà phát triển trẻ tuổi, không thể nói là các studio lớn dày dạn kinh nghiệm không mặn mà với việc sản xuất các tựa game độc lập, lý do chính là các studio này vẫn gặp phải một vài khó khăn cố hữu.

Có thể xem dự án 300475 là một ví dụ điển hình cho vấn đề này khi quá trình gọi vốn cộng đồng của Hiker Games (tiền thân là Emobi Games) hoàn toàn thất bại, “dập tắt” mong mỏi làm game lấy đề tài “sử Việt” dù đây là một studio cỡ lớn, dồi dào kinh nghiệm, đã từng cho ra mắt tựa game 7554 đánh dấu “cột mốc vàng son” của ngành game Việt Nam hồi thập niên đầu thế kỷ XXI.

Thế nhưng quá trình này lại thất bại và chỉ hoàn thành một phần rất nhỏ mục tiêu đề ra.

Điều này cũng gióng lên hồi chuông cảnh báo cho phương thức tư duy “làm game lớn” theo kiểu truyền thống từ trước đến nay, nhất là khi các studio phải “ôm đồm” quá nhiều tác vụ.

Trên thực tế, sự phát triển của ngành game thế giới đã chứng kiến rất nhiều biện pháp “gây quỹ” cho các dự án phát triển game từ những studio nhỏ, chủ yếu

Điều khó khăn của các biện pháp này chủ yếu nằm ở việc các nhà phát hành game theo lối truyền thống rất khó chấp nhận việc bán ra những sản phẩm game chưa hoàn thiện. Tuy nhiên, với hệ thống Game Pass, điều này có thể được giải quyết khá dễ dàng.

Game Pass giúp phát hành các tựa game của studio trong nước không chỉ tiếp cận cộng đồng game thủ trong nước, mà còn cả cộng đồng quốc tế, để tăng thêm “nguồn thu” cho dự án.

Không chỉ có thế, nền tảng Game Pass cũng có thể hỗ trợ các nhà phát triển game tìm kiếm những nguồn lực “chống lưng” thông qua cơ chế thử nghiệm (Prototypes) nếu như các bạn game chơi thử tỏ ra đủ thú vị và có tiềm năng.

Qua đó, những studio như Hiker Games hoàn toàn có thể xây dựng một màn chơi thử quy mô nhỏ, với không gian hạn chế về một trận chiến bộ binh nhất định, để có thể làm mẫu kêu gọi đầu tư không chỉ trong nước, mà còn trên cả cộng đồng quốc tế chứ không cần phải triển khai quá nhiều những yếu tố như chiến đấu tăng thiết giáp và lái máy bay khi nguồn lực chưa thật sự sẵn sàng.

Game Pass giúp phát hành các tựa game của studio trong nước không chỉ tiếp cận cộng đồng game thủ trong nước, mà còn cả cộng đồng quốc tế, để tăng thêm “nguồn thu” cho dự án

Nói cho cùng, ngành game Việt Nam vẫn chưa thật sự hồi phục với đầy đủ sự tin cậy cho các dự án lớn như trước đây, từ đó, việc tìm kiếm, tiếp cận các nhà đầu tư nước ngoài với từng bước phát triển được lên kế hoạch kỹ lưỡng là một điều vô cùng cần thiết trong bối cảnh hiện nay.

Cuối cùng, việc đưa các tựa game lên nền tảng Game Pass của Microsoft cũng có thể giúp game thủ Việt Nam tiếp cận game dễ dàng hơn nhờ mức phí hàng tháng vô cùng hợp lý, nhờ đó mà game thủ trong nước không còn phải quá đắn đo chuyện mua đĩa game dù mức giá mà Hiker Games đưa ra đã vô cùng ưu đãi khi so sánh với các tựa game “bom tấn” khác trên thị trường.

Lời kết

Phải nói là sau sự suy sụp giai đoạn 2010 – 2013, ngành game Việt Nam phải đối mặt với nhiều khó khăn, mà trong đó, các studio nhỏ với các nhà phát triển trẻ tuổi đang đóng một vai trò quan trọng trong các tựa game thành công ra mắt gần đây.

Sự hỗ trợ với mục tiêu hoàn toàn rõ ràng của Microsoft với những công cụ mạnh mẽ cả về cơ sở hạ tầng lẫn các cơ hội học tập, phát triển, phát hành game và tìm kiếm nguồn vốn là một “cú hích” vô cùng to lớn và rất cần thiết đối với nhóm đối tượng này.

“Microsoft đã có hơn 40 năm kinh nghiệm đi đầu trong lĩnh vực game, thúc đẩy sự phát triển bằng công nghệ và sản xuất các tựa game có sức ảnh hưởng nhất mọi thời đại. Sứ mệnh của chúng tôi là mang lại niềm vui và đưa game đến với tất cả mọi người trên thế giới. Do đó, đến với Ngày hội Game Việt 2023, chúng tôi cam kết trao quyền cho các nhà sáng tạo và phát triển game tại Việt Nam để họ có thể tạo ra nhiều tựa game hơn và tiếp cận được nhiều người chơi trên thế giới hơn thông qua các nền tảng và công cụ Xbox, Azure và GitHub,” bà Nguyễn Quỳnh Trâm, Tổng Giám đốc Microsoft Việt Nam, cho biết.

Hy vọng rằng trong tương lai gần, chúng ta có thể đón chào những tựa game mới đầy ấn tượng, “ra lò” từ tay của các studio trong nước, lấy đề tài quen thuộc với các game thủ Việt Nam.