Skip to content

Ngành game Việt Nam và “cú hích” từ Microsoft! (Kỳ 1) – Chuyên Đề Game

Ngành game Việt Nam

Ngành game Việt Nam – Trong rất nhiều năm qua, phải nói rằng thị trường game Việt Nam đã có những bước phát triển vô cùng mạnh mẽ, nhất là sau khi mạng băng thông rộng bắt đầu được phổ cập vào đời sống hàng ngày cách đây hơn 20 năm, đặc biệt là trong phương diện phát hành và phát triển các tựa game.

Đã có những nhà phát triển tiên phong nỗ lực làm ra những tựa game, cả “game online” (cách gọi dân dã của thể loại game MMORPG – Massive Multiplayer Online Role Playing Game), đến cả các tựa “game offline” (chơi đơn) hành động hoành tráng trong suốt một thập niên đầu của thế kỷ XXI với những thất bại lớn về mặt doanh thu dẫn đến thời kỳ chùng xuống của toàn ngành.

Cùng với đó là những biện pháp quản lý được ban hành trong những năm 2010 đến 2013 khiến cho cả ngành phát triển game chùng xuống, buộc các tác nhân trong ngành phải có những thay đổi cho phù hợp với xu hướng phát triển.

Kết quả là trong suốt một thời gian dài sau đó, mặc dù tên tuổi các studio Việt Nam trên các tựa game tầm cỡ quốc tế như Glass Egg với các siêu phẩm Need for Speed Heat, Jurassic World EvolutionCall of Duty: Modern Warfare, hay Saigon Dragon Studio trong They Are Billions hoặc SparX cũng từng góp mặt trong Titanfall 2 và hàng loạt những bộ phim bom tấn khác… thế nhưng giấc mơ game “của người Việt” vẫn còn là vấn đề còn bỏ ngỏ.

Dĩ nhiên là trong đó tồn tại rất nhiều nguyên do, thế nhưng không thể phủ nhận là thị trường game Việt Nam vẫn thiếu một “cú hích” nhất định sau sự suy sụp những năm đầu thập niên thứ hai của thế kỷ XXI, để tạo thành động lực cho các nhà phát triển game tâm huyết.

Cú hích đáng mong đợi cuối cùng cũng đến! Trong sự kiện Vietnam GameVerse 2023 vừa qua, đại diện Microsoft tại Việt Nam đã có bài phỏng vấn, trong đó đề cập đến những yếu tố mà gã khổng lồ công nghệ có thể hỗ trợ được các nhà phát triển game trong nước, từ đó sẽ tháo gỡ được dần các nút thắt đang bó buộc ngành game Việt Nam hiện nay.

Sự hỗ trợ này là gì? Và chúng có thể giúp đỡ các nhà phát triển Việt vượt qua các thách thức hiện nay thế nào? Hãy cùng Vietgame.asia tìm hiểu trong loạt bài viết này các bạn nhé!

Ngành game Việt Nam – Các vấn đề tồn tại

Ngành game Việt Nam có tận dụng được cú hích từ Microsoft? (Kỳ 1) - Chuyên đề game

Phải nói rằng ngành game Việt Nam bắt đầu gặp trắc trở từ khoảng những năm 2010 đến 2013, khi các tựa game online đình đám thời bấy giờ bộc lộ quá nhiều vấn đề bất cập đối với người dùng trẻ tuổi, khiến cho các tiếng nói lên án từ xã hội trở nên mạnh mẽ, thậm chí còn dẫn đến những biện pháp kiểm soát gắt gao hơn từ phía các nhà quản lý.

Đó là chưa kể đến một vài dự án đình đám trong giai đoạn này như tựa game online Thuận Thiên Kiếm của Vinagame (sau này là VNG – NV) hay 7554 của Hikergame (tiền thân là Emobi Games – NV) đều gặp thất bại do một số vấn đề nội tại (doanh thu, cấu trúc game, v.v), dù các tựa game này nhận được sự ủng hộ tích cực từ phía game thủ, điều này cũng cho thấy thị trường vẫn chưa đạt được “độ chín” nhất định, đủ để “nuôi dưỡng” các nhà phát triển game trong nước.

Ngành game Việt Nam có tận dụng được cú hích từ Microsoft? (Kỳ 1) - Chuyên đề game

Hệ quả là trong suốt hơn một thập niên sau đó, ngành công nghiệp còn non trẻ này chứng kiến sự chuyển dịch trọng tâm cơ bản sang ba phương hướng khác nhau và đạt được nhiều thành tựu đáng kể, nhưng cũng chính sự phát triển này dẫn tới nhiều hệ lụy kềm hãm sự phát triển các tựa game “made in Vietnam” nói chung.

Đầu tiên, các nhà phát triển game, các kỹ sư phần mềm và các họa sĩ hàng đầu trong nước tham gia vào chuỗi gia công các tựa game “bom tấn” trên thế giới, với đủ các công đoạn với độ chuyên môn hóa cao.

Như đã đề cập ở phần mở đầu, rất nhiều tựa game đình đám trên thế giới đều có dấu ấn của các kỹ sư, họa sĩ đến từ Việt Nam, từ đó đem đến không chỉ mức thu nhập “khá khẩm” hơn so với các công ty phần mềm trong nước, mà còn là kỹ năng và kinh nghiệm tham gia vào các dự án game thế giới.

Điều này dẫn tới một hệ lụy là các tài năng trong lĩnh vực phát triển game phân tán và rời rạc, thường là đóng vai trò chủ chốt trong các nhóm phát triển hơn là “xông pha” với các dự án game “tự trồng”, với mức thu nhập thấp lại rủi ro cao, còn tâm huyết với các dự án game lại đa phần là những người trẻ có công việc toàn thời gian ổn định, xem việc phát triển game là một sở thích nghiệp dư khi rảnh rỗi.

Do đó, nguồn nhân lực để phát triển các tựa game thường phân tán ở nhiều nơi, thậm chí là nhiều quốc gia, gây khó khăn cho quá trình phát triển các tựa game theo cách truyền thống.

Một khuynh hướng thứ hai đến từ các studio game có năng lực phát triển tổng hợp thường có khuynh hướng thực hiện các dự án nhỏ, kinh phí đầu tư không quá cao cho các nền tảng di động, dễ dàng phát hành trên các cửa hàng trực tuyến Google CH Play hay Apple App Store.

Với các tựa game nhỏ, thời gian phát triển ngắn và nhanh thu hồi vốn, ngành game Việt Nam cũng đánh dấu trên thị trường game quốc tế với một số tên tuổi như dòng game ứng dụng công nghệ blockchain Axie Infinity của Sky Mavis, hay tựa game thể thao điện tử Free Fire: Battle Royale do 111dots Studio phát triển (dù bị tố cáo sao chép ý tưởng từ tựa game PUBG đình đám một thời), nhưng vẫn sở hữu một số hệ thống giải đấu cấp khu vực cho riêng mình.

Team Sky Marvis

Tất nhiên là cũng có những ví dụ thành công cho các dự án “game offline” tương đối chỉn chu, thế nhưng, những cá biệt này không thể phủ nhận rằng các studio game độc lập thường thiếu vốn, thiếu cả nhân lực chất lượng cao khi hầu hết các thành viên studio đều là những người trẻ, sẵn sàng làm việc vì đam mê và dần nuôi dưỡng giấc mơ “làm game” cho riêng mình.

Bên cạnh đó, vấn đề nền tảng phát triển game cũng là một vấn đề lớn khi các studio trong nước hiện nay đều khá khép kín với những nền tảng nhỏ hay tự phát triển, ít có các sự tương tác với các tác nhân bên ngoài tham dự ngay cả khi đã đạt được những thành công nhất định, còn nếu có, thì thường diễn ra sau khi đã “sang tay” dự án. Nguyên nhân chính cũng là vì các bộ công cụ phát triển game hàng đầu như Unreal Engine 5 có mức phí thương mại khá đắt đỏ, không phù hợp với các dự án có quy mô vừa và nhỏ.

Khuynh hướng cuối cùng đến từ sự bùng nổ của các nhà phát hành game ở thị trường trong nước. Báo cáo từ Cục Phát thanh, truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ TT&TT) cho biết, tính đến hết tháng 11 năm 2022, có 248 doanh nghiệp đã được cấp giấy phép cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử G1 trên mạng (trong đó có 54 doanh nghiệp dừng hoạt động hoặc bị thu hồi giấy phép). Số lượng trò chơi điện tử được cấp quyết định phê duyệt nội dung, kịch bản là 1.327 (856 trò chơi đang phát hành, 471 trò chơi đã thông báo dừng phát hành).

Nếu so sánh với thập kỷ đầu tiên thế kỷ XXI thì số lượng các nhà phát hành game đã tăng đáng kể về số lượng lẫn chất lượng, thế nhưng phần lớn trong số các nhà phát hành này tìm kiếm các tựa game hợp “khẩu vị” của game thủ trong nước với các tựa game đến từ bên ngoài đã được kiểm chứng, thay vì chịu rủi ro ưu ái cho các tựa game phát triển trong nước.

Đây là một nghịch lý đáng quan tâm khi các nhà phát triển game phải tìm đến các nhà phát hành nước ngoài để “đem chuông đi đánh xứ người”, trong khi các nhà phát hành game trong nước chỉ tập trung vào thị trường nội địa, chia nhau “miếng bánh” đang khá vụn mà không đủ sức tiến quân quá xa ra các thị trường nước ngoài.

Do đó, các nhà phát triển game trong nước cũng phần nào gặp khó khăn khi phải tìm đến con đường phát hành từ các công ty nước ngoài.

Có thể nói, các vấn đề xuất phát từ những khuynh hướng phát triển chính của ngành game Việt Nam trong suốt hơn một thập kỷ vừa qua cũng tạo nên những thách thức nhất định. Do đó, vai trò hỗ trợ của Microsoft, ít nhất, cũng phải hướng tới giải quyết những nút thắt này để có thể tạo ra cú hích nhất định thúc đẩy ngành công nghiệp số đầy non trẻ trong nước tiến lên một tầm cao mới.

Azure và một nền tảng phát triển game “trên mây”

Ngành game Việt Nam có tận dụng được cú hích từ Microsoft? (Kỳ 1) - Chuyên đề game

Nếu có một ví dụ thành công đáng chú ý có thể đem ra phân tích làm bài học kinh nghiệm của ngành game Việt Nam trong thời gian qua, có thể kể đến tựa game Hoa the game (hay thường gọi tắt là Hoa) với quá trình đi từ một đồ án nhỏ của sinh viên, trở thành một tựa game độc lập được phát hành trên nhiều hệ máy từ các máy console, Nintendo Switch, cho đến nền tảng Steam, nhận được sự đánh giá cao từ phía các nhà phê bình và cộng đồng game thủ.

Lấy ý tưởng từ những tựa game cuộn ngang màn hình theo kiểu cổ điển như Trine hay Rayman, tác giả Cao Tùng Sơn đã tụ tập quanh mình một nhóm các bạn trẻ sinh viên khác trong trường Đại học Nam Dương, trực thuộc ĐHQG Singapore, cùng phát triển như là một dự án trong thời gian rảnh rỗi.

Tất nhiên là, trong phạm trù của một nhóm các phát triển game trẻ tuổi, thì Skrollcat Studio cũng sở hữu một đội ngũ nhân viên phân tán rộng khắp, khi hầu hết các nhân sự đều có công việc làm chính thức ở cả Singapore và Việt Nam.

Đó là chưa kể đến việc khi không thể tự hoàn thành hết mọi công đoạn, tựa game cũng cần đến sự hợp tác từ các đơn vị khác, trong đó có Kyx Studio hỗ trợ nhóm về mặt kỹ thuật hay những cá nhân khác như nhạc sĩ Laurie Koivisto và Johannes Johansson với dàn nhạc giao hưởng đến từ Phần Lan “thổi hồn” vào thế giới game.

Sự trải rộng của nhân lực cũng tạo nên những thách thức lớn cho quá trình phát triển tựa game, chẳng hạn như quá trình sáng tác nhạc nền phải cần “đợi” những phần game được hoàn thành, với nhịp truyện ở mức hoàn thiện được “chơi thử” và thu hình rồi gửi sang Phần Lan cho các nhạc sĩ và dàn nhạc “bắt nhịp”.

Với lượng nhân sự dàn mỏng ra trên phạm vi thế giới, câu chuyện phát triển “lệch pha” với “thời gian chết” tồn tại rất rõ nét, đó là chưa kể đến việc hầu hết các thành viên đều phải tự trang bị “đồ nghề” cho riêng mình để tham gia vào quá trình phát triển, cũng đem lại một số hạn chế kỹ thuật nhất định.

Để giải quyết tình hình nhân sự phân tán, đặc biệt là thời kỳ sau đại dịch khiến cho nhiều người muốn dành thời gian làm việc ở nhà hơn, Microsoft đã cho ra mắt bộ công cụ Azure Game Dev VM cung cấp dịch vụ máy ảo (Virtual Machine) đến cho các nhà phát triển game, hy vọng sẽ đem đến cú hích mạnh mẽ cho ngành game Việt Nam trong bối cảnh nhân lực phân tán rộng khắp như hiện nay.

Đây là một bộ công cụ làm việc “trên mây” vô cùng mạnh mẽ dành cho các nhà phát triển game với hệ thống máy ảo có sức mạnh ấn tượng, được trang bị đầy đủ các công cụ phát triển game hàng đầu, đặc biệt là khả năng tối ưu hoạt động với Unreal Engine 5 nhờ sự hợp tác chặt chẽ giữa Microsoft và Epic Games.

Các nhà phát triển game có thể sử dụng gần như mọi loại thiết bị để kết nối với dịch vụ máy ảo này để tiến hành công việc của mình, miễn là bạn sở hữu một đường truyền ổn định.

Thậm chí ngay cả khi bạn phát triển các tựa game “hạng nặng” bằng các công cụ phát triển game chuyên nghiệp, bạn cũng không cần phải lo lắng trang bị cho mình những laptop “khủng long” với mức giá đắt đỏ để phục vụ công việc. Cấu hình máy ảo của bộ công cụ Azure Game Dev VM đủ mạnh để có thể “gánh” cả những dự án cần đến sức mạnh xử lý và đồ họa cao nhất.

Đó là chưa kể đến dịch vụ lưu trữ trên mây của Azure cũng cho phép các nhóm phát triển game đến từ mọi nơi trên thế giới có thể chia sẻ chung một “nguồn” dữ liệu, với khả năng theo dõi tiến triển hoạt động theo thời gian thực, rút ngắn các khoảng “thời gian chết” cho các nhà phát triển.

Có thể nói đây là yếu tố vô cùng quan trọng khi hầu hết các kỹ sư công nghệ tham gia vào dự án game đều có một công việc chính chiếm dụng gần hết thời gian, chỉ có thể làm việc trong những khoảng thời gian rảnh rỗi mà thôi.

Cuối cùng, không chỉ có tác động đến các dự án “game offline”, các dịch vụ đám mây của Azure còn có thể đóng vai trò máy chủ cho các dự án game trực tuyến (MMO) hay phần chơi mạng (multiplayer) của các tựa game thông thường, mà không cần đến mức đầu tư lớn cho hệ thống máy chủ riêng biệt.

Mặt khác, các máy chủ ảo đến từ dịch vụ đám mây Azure cũng được trang bị một số hệ thống an ninh mạng hàng đầu và các dịch vụ bảo vệ chống gian lận cho các tựa game trực tuyến, giúp các nhà phát triển game có thể an tâm vận hành tựa game của mình từ các phiên bản chạy thử, các phiên bản beta hay thậm chí khi các phiên bản chính thức được phát hành.

Tạm kết

Vietgame.asia xin tạm kết kỳ một cho loạt bài về ngành game Việt Nam tại đây bởi lẽ nội dung bài viết đã khá dài.

Trong phần thứ hai của loạt bài, Vietgame.asia sẽ tiếp tục giới thiệu những công cụ của Microsoft và các bài học kinh nghiệm khác để bạn đọc có thể hiểu rõ hơn về ngành công nghiệp game trong nước, với những tương quan xu hướng phát triển game thế giới, trong đó bao gồm các dịch vụ như GitHubPC/XBOX Game Pass và các ảnh hưởng của chúng trong lĩnh vực phát triển và phát hành game.

Các bạn hãy cùng đón xem!