Halo Infinite – Khi dự định ra mắt hệ máy chơi game của riêng mình vào đầu thế kỷ mới, Microsoft hoàn toàn hiểu rằng họ đã tụt lại sau lưng Sony với hệ máy PlayStation 2 khá nhiều, cả về thời gian lẫn sự ủng hộ của các studio làm game tên tuổi, thế nên họ đã tìm kiếm một tựa game giàu tiềm năng để đầu tư làm game độc quyền cho thế hệ máy chơi game mạnh mẽ và cũng đầy mới mẻ của mình.
Kết quả là sau rất nhiều sàng lọc, Microsoft đã “chìa bàn tay” với Bungie, một studio đang gặp khó khăn về tài chính cho một dự án game bắn súng góc nhìn thứ nhất nhiều tham vọng, để sau đó sản phẩm này được phát triển nên tựa game Halo Combat Evolved ra mắt cùng với XBOX vào cuối năm 2001, trở thành tựa game độc quyền đầu tiên cho hệ máy này và cũng là “kim chỉ nam thành công” cho các dòng máy XBOX ra mắt sau đó, khiến không ít người hâm mộ phải bỏ học, nghỉ làm, hay thậm chí cáo ốm để có thể… thức đêm xếp hàng chờ đợi khi dòng game này ra mắt!
Với tư cách là “gà nhà” của Microsoft trên nền console, dòng game Halo luôn được đầu tư đúng mực để có thể khai thác tối đa sức mạnh phần cứng từ những thế hệ console XBOX để có thể “đồng hành” cùng các thế hệ máy chơi game của Microsoft.
Thậm chí ngay cả khi mối quan hệ “cơm không lành, canh không ngọt” dẫn đến sự dứt áo ra đi của Bungie sau phiên bản Halo 3 đánh dấu sự thành công to lớn của hệ máy XBOX 360 thì Microsoft tiếp tục “chuyển giao” thương hiệu này cho 343 Industries để phát triển các phiên bản tiếp theo của dòng game. Mặc dù phần nào bị cộng đồng hâm mộ chê bai là “mất chất”, nhưng các phiên bản tiếp theo vẫn hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình.
Điển hình như Halo 5 có thể xem như tựa game độc quyền dạng “cây đa, cây đề” trên nền tảng hệ máy XBOX One, xô đổ hàng loạt kỷ lục phát hành và tạo thành cú hích mãnh liệt cho hệ máy này trong cuộc cạnh tranh có phần thua sút trước đối thủ PlayStation 4.
Cách đây hơn một năm, cũng theo những mô tuýp cũ khi dùng tựa game dòng Halo “trải đường” cho hệ máy chơi game đời mới của mình, Microsoft đã làm nức lòng người hâm mộ khi công bố tựa game Halo Infinite sẽ ra mắt cùng hệ máy chơi game XBOX Series X hoàn toàn mới, thế nhưng sau rất nhiều những khó khăn do tình hình đại dịch COVID-19 mà tựa game này trễ hẹn với cộng đồng game thủ.
Mãi đến đầu tháng 12 vừa qua, tựa game này mới chính thức “đổ bộ” thị trường thế giới với những lời khen ngợi nồng nhiệt từ các hãng truyền thông, trở thành “sự cứu rỗi tuyệt vời” cho thể loại game bắn súng góc nhìn thứ nhất trong năm nay sau những thất bại ê chề của hai tựa game “cứng” trong thể loại này là Call of Duty Vanguard và Battlefield 2042.
Vậy tựa game có thật sự “ngon lành” như những lời đánh giá “có cánh” của các hãng truyền thông?
Hãy cùng Vietgame.asia tìm hiểu các bạn nhé!
BẠN SẼ THÍCH
Sự hòa trộn tuyệt vời giữa cốt truyện và lối chơi!
Sự thành công của dòng game Halo đến từ nhiều yếu tố khác nhau, thế nhưng đã 20 năm trôi qua kể từ ngày phiên bản đầu tiên của dòng game được ra mắt, có rất nhiều tiến bộ về mặt công nghệ cũng như thị hiếu của game thủ đã có nhiều thay đổi khiến cho “công thức nguyên bản” về một anh hùng cứu thế và một hành trình càn quét, “bem” hết mọi kẻ thù trên đường chưa chắc đã thu hút sự quan tâm của game thủ như thuở ban đầu.
Thế nên kể từ khi về tay của 343 Industries, dòng game Halo đã nhận được rất nhiều thử nghiệm thay đổi về mặt lối chơi lẫn kịch bản so với ba phiên bản do Bungie đảm nhiệm.
Thế nhưng những thay đổi đó, dù đủ mạnh dạn với nhiều những vòng xoắn kịch bản (plot twist) đầy bất ngờ, thậm chí là … phá nát cả tuyến cốt truyện chính do Bungie đưa ra, nhưng tựu chung lại, chúng vẫn bám sát theo những khuôn mẫu truyền thống của dòng game, theo kiểu thêm thắt những “món ăn lạ miệng” dùng kèm với “cơm”, nhưng về bản chất, đó vẫn chỉ là “cơm” chứ không thể nào thành “phở”.
Mãi cho đến tận phiên bản Halo Infinite lần này, cả XBOX Game Studio và 343 Industries đã phải ngồi lại với nhau để có thể cách tân dòng game theo một hướng đi hoàn toàn mới, thổi hồn vào cho thế giới của Halo khi bước chân vào thời đại mới.
Cũng chính nhờ sự hợp tác sâu sắc này mà đội ngũ phát triển game nhận được sự giúp đỡ, tư vấn từ một trong những “cây đa cây đề” của dòng game là Joseph Staten, người góp phần rất lớn vào quá trình biên soạn kịch bản nhiệm vụ và biên tập các đoạn cắt cảnh trong ba phiên bản đầu tiên, để có thể định hình và hoà nhập kịch bản của tựa game vào một lối chơi “không đụng hàng” với các phiên bản trước đó.
Tỉnh dậy trên một chiếc phi thuyền cứu nạn sau 6 tháng trôi dạt ngoài không gian, Master Chief, anh hùng và cũng là nhân vật chính của loạt game, nhận ra rằng liên minh Banished và Covernant đã đánh bại lực lượng Bộ Chỉ huy Liên hiệp Quốc gia Không gian UNSC (United Nations Space Command) của loài người trên tàu UNSC Infinity và chiếm lĩnh các khu vực trên thế giới Zeta Halo (Installation 7).
Từ đó, cuộc “kháng chiến” đem lại hy vọng cho nhân loại chính thức bắt đầu chỉ với hai người sống sót duy nhất: anh lính đào ngũ Echo-216 và người hùng Master Chief quá quen thuộc của chúng ta. Một mô tuýp “anh hùng cứu thế giới” chẳng thể nào quen thuộc hơn với hàng tá tựa game nhan nhản ngoài thị trường từ trước đến nay.
Nghe thì có phần dễ gây thất vọng, thế nhưng đội ngũ phát triển của Halo Infinite đã có sự phát triển về mạch game hoà trộn tuyệt vời với lối chơi, đem đến những trải nghiệm mới mẻ khác hoàn toàn so với các phiên bản trước đó, thổi một luồng gió mới vào dòng game kỳ cựu đã 20 năm tuổi theo một cách dễ dàng thỏa mãn người chơi cũ lẫn thu hút người chơi mới của dòng game.
Khoảng 20% thời lượng đầu game, bạn sẽ được “làm nóng người” với lối chơi cổ điển khi Master Chief tìm cách đánh phá một tàu Dreadnought của phe Banished khi chiếc tàu này bắt giữ tàu cứu hộ của chúng ta.
Ở phần chơi này, mọi thứ diễn ra hệt như một tựa game bắn súng hành động truyền thống. Người chơi chỉ việc đi từ A đến B, “dọn sạch” những đối thủ trong màn chơi, đấu tay đôi với những con trùm nhỏ (mini-boss) mạnh mẽ tiến tới phá huỷ toàn bộ con tàu.
Gần như phần chơi này giúp đỡ người chơi, cả mới và cũ, làm quen với các đối thủ, các loại vũ khí và giao diện điều khiển, thậm chí là tiết tấu chiến đấu của tựa game trước khi “ném” bạn vào thế giới mở (dạng sandbox) của Zeta Halo cho hành trình kháng chiến của mình với một lối chơi và bầu không khí hoàn toàn mới lạ.
Phải nói rằng từ sau sự thành công rực rỡ của Grand Theft Auto V vào năm 2013, tiếp sau đó là The Witcher 3: Wild Hunt vào năm 2015 đã biến “thế giới mở” trở thành một yếu tố “thời thượng” trong các tựa game hiện đại, thế nhưng không phải tựa game nào cũng ứng dụng thành công lối chơi này.
Thế nên ngay từ đầu, khi 343 Industries “úp mở” về một lối chơi thế giới mở hoàn toàn khác biệt so với các phiên bản trước, người viết đã cảm thấy vô cùng quan ngại vì nhiều lý do.
Một phần là vì chính bản thân nhà phát triển game này chưa từng có tiền lệ cho ra mắt bất kỳ sản phẩm nào thành công sử dụng cơ chế này, một phần khác là bối cảnh thế giới trong Halo khá đơn điệu, không có các chủng tộc trung gian, không có các khu định cư hòa bình để người chơi có thể giao tiếp và mở khóa hệ thống nhiệm vụ như với dòng game Mass Effect huyền thoại.
Gần như tất cả các phần game Halo từ trước đến nay đều là những cuộc chiến bất tận của những anh chàng “cơ bắp” tay to hơn não, rất khó để tạo nên một “thế giới mở” đúng nghĩa đủ sức cuốn hút người chơi đi loanh quanh khám phá những điều thú vị.
Trên thực tế, với những trải nghiệm trong suốt một thời gian dài của người viết, Halo Infinite đã thành công… một nửa với cơ chế “Sandbox” đầy mới mẻ này.
Sở dĩ chỉ nói thành công này đạt được một nửa, lý do chính nằm ở chỗ nó phụ thuộc rất sâu sắc vào độ khó mà người chơi trải nghiệm.
Ở chế độ dễ dàng, phù hợp với việc trải nghiệm nội dung cốt truyện chính của phần game, những nhiệm vụ thế giới mở trở thành những miếng… “gân gà” đúng nghĩa.
Chúng là tập hợp lặp đi, lặp lại đầy buồn tẻ của một quá trình đánh chiếm Căn cứ Tiền tiêu (FOB – Foward Operating Base), cứu giúp những toán quân bị vây khốn, “thanh toán” một vài tên trùm phụ bị truy nã để kiếm tiền nâng cấp vũ khí và tuyển lính, đi tìm các lõi nâng cấp tính năng cho bộ giáp (Upgrade Core) được… đánh dấu sẵn trên bản đồ.
Tất cả những yếu tố này đều khá nhàm chán ở các mức độ dễ và trung bình, chẳng khác nào bạn đang chơi Just Case 4, một tựa game thế giới mở có chất lượng thuộc loại tầm thường, ở góc nhìn người thứ nhất.
Thế nhưng nếu bạn là một “fan cứng” của dòng game này và muốn thử sức ở chế độ khó nhất “Legendary”, câu chuyện sẽ hoàn toàn khác biệt.
Trên thực tế, với những trải nghiệm trong suốt một thời gian dài của người viết, Halo Infinite đã thành công… một nửa với cơ chế “Sandbox” đầy mới mẻ
Lúc này, bạn sẽ nhận ra rằng siêu anh hùng Master Chief sẽ sở hữu mức máu và giáp tương đương một… tờ giấy. Thậm chí chỉ vài phát đạn của một hai con quái nhép cũng đủ ép bạn phải tải lại màn chơi, thì lúc này, các nhiệm vụ phụ trên bản đồ trở nên vô cùng có ý nghĩa.
Bạn cần đến những đơn vị lính Marine hỗ trợ “chia sẻ hoả lực”, cần thêm tiền bạc và khí tài để có thể “đè bẹp” những đối thủ đông đúc ở khắp mọi nơi, để chiếm được những bộ phận nâng cấp quý giá, hay phụ giúp bạn xông tới những khu vực nhiệm vụ chính chứa đựng đàn đàn lũ lũ đối thủ máy chiến đấu theo kiểu “lấy thịt đè người”, và trên hết là giúp bạn có đủ máu để chống lại những con trùm thuộc loại đánh mãi chẳng vơi giọt máu nào (sẽ đề cập thêm ở phần “đấu trùm”).
Về mặt này, Halo Infinite ở chế độ Legendary lại có phần khá giống với tựa game sandbox đình đám Horizon Zero Dawn đến từ nhà PlayStation, đòi hỏi rất nhiều ở kỹ năng của người chơi trong những trận chiến đấu nảy lửa.
Bạn sẽ phải nhìn ra điểm yếu của các đối thủ, sử dụng những loại vũ khí và chiến thuật phù hợp, tác xạ chuẩn xác với khả năng dự đoán căn chỉnh đường rơi của viên đạn để có thể nhanh chóng hạ gục đối phương trong khi phải không ngừng di chuyển, né tránh làn đạn dày đặc của đủ các loại vũ khí muôn hình vạn trạng từ phía kẻ thù.
Cũng nhờ đó mà mỗi trận chiến, dù là nhiệm vụ phụ, vẫn luôn là những thử thách thật sự khả năng của game thủ, đem đến sự phấn khích nhất định trong suốt thời lượng game.
Những nhiệm vụ chính đều được bố trí trong những khu vực riêng biệt được xây dựng vô cùng công phu, cả về cốt truyện lẫn cơ chế đồ họa, với số lượng kẻ thù đông đảo và những con trùm hung hãn luôn tìm mọi cách cản bước người chơi.
Qua mỗi nhiệm vụ với những đoạn phim cắt cảnh vô cùng tỉ mỉ với nhạc nền đủ sức nâng tầm cảm xúc của người chơi, cốt truyện chính của Halo Infinite dần được phơi bày theo một cách thức tự nhiên với những yếu tố kịch tính nhất định, hé lộ nhiều những bí ẩn trong sự phản bội của cô nàng Cortana và sự thất bại của UNSC trước lũ Banished xâm lược, cũng như mục đích của chúng khi đánh chiếm Zeta Halo.
Cách dẫn dắt cốt truyện đầy tự nhiên và khéo léo này đủ cuốn hút để lôi kéo người chơi trải qua những trận chiến gian khổ bằng nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau, để tìm đến lời giải đáp cho những bí ẩn đang được che giấu, cũng như kết thúc thực sự của trò chơi vốn chỉ dành riêng cho những game thủ đủ sức trải qua tựa game ở độ khó “Legendary” mà thôi.
Cuối cùng, với sự giúp đỡ kỹ thuật từ phía AMD để đảm bảo tựa game có thể hoạt động ổn định trên các hệ máy console XBOX Series X, thế nên tựa game có thể hoạt động vô cùng mượt mà trên các card đồ họa đến từ “đội đỏ” dù người viết chỉ sử dụng một mẫu card đồ họa đã lỗi thời ở mức thiết lập tầm trung, đem đến trải nghiệm vô cùng trơn tru cho người chơi cả trong những pha hành động nhanh đòi hỏi tất cả phải được hiển thị nhanh chóng và chính xác.
Các màn đấu trùm dã man!
Bên cạnh sự kết hợp đầy chặt chẽ và khéo léo giữa cốt truyện và lối chơi, Halo Infinite còn hấp dẫn game thủ, đặc biệt là các fan gạo cội của dòng game với những con trùm “khó nhai”.
Ở chế độ “Legendary”, mỗi con trùm đều là những thử thách thật sự về nhiều mặt của người chơi với sức mạnh đủ sức đưa Master Chief “về làng dưỡng sức” chỉ với một đòn tuyệt chiêu, trong khi sở hữu lượng máu và giáp năng lượng “ngồn ngộn”, đẩy không khí chiến đấu lên cao trào.
Để đánh bại những con trùm này, người chơi phải thể hiện ở mức cao độ khả năng quan sát môi trường và khả năng điều khiển chính xác từng động tác với thời gian chớp nhoáng, khiến cho cả những game thủ gạo cội của dòng game luôn cảm thấy căng thẳng trong suốt quá trình chiến đấu.
Mỗi con trùm được thiết kế với ngoại hình, kỹ năng khác biệt không hề lặp lại, đủ sức “hành” người chơi ra bã, chẳng hạn như con trùm đầu tiên, Tremonius, có khả năng bay và “dội đạn” lên đầu bạn, hay con trùm màn thứ hai – Chak ‘Lok, sở hữu khả năng tàng hình tập kích người chơi từ mọi góc độ bằng một nhát đâm dùng kiếm năng lượng (Energy Sword) gây sát thương chí tử.
Ở chế độ “Legendary”, mỗi con trùm đều là những thử thách thật sự về nhiều mặt của người chơi
Tất cả các con trùm đều được bố trí trong những khu vực riêng biệt theo kiểu đấu trường Arena với những đặc tính khác nhau, có lợi cho chúng, thế nhưng nhà phát triển cũng luôn bố trí nhiều yếu tố mà người chơi có thể tận dụng để hỗ trợ cho quá trình “đấu trùm” đầy gian khổ của mình.
Gần như mỗi cuộc đấu trùm là một trận “ăn hành ngập mồm” ngay từ lần tiếp xúc đầu tiên, qua đó, game thủ dần dần tìm hiểu được các lợi thế môi trường, những điểm yếu chiến lược của những con trùm, để từ đó khai thác thành những “kịch bản đấu trùm” riêng biệt, nhưng cũng vô cùng ngặt nghèo để có thể chiến thắng đối thủ của mình theo kiểu những tựa game Dark Soul.
Kể từ đó, không khí của những trận đấu trùm này luôn được đẩy lên cao trào với những pha yếu máu của con trùm, buộc chúng phải “xuất tuyệt chiêu” nhiều hơn, khiến bạn dễ chết hơn hẳn khi thành công đã gần trong gang tấc, để rồi khi hạ được mục tiêu, mọi cảm xúc đều “vỡ oà”, đem đến sự hứng khởi và vui sướng cho game thủ khi vượt qua được thử thách.
Về tổng thể, việc đưa nhân vật vào trong các màn đấu trùm với môi trường khép kín thuộc về trường phái thiết kế game cổ điển, thường chỉ bắt gặp trên những tựa game hành động dạng “đi cảnh” truyền thống như God of War hay Bloodborne, hơn là nằm trong một tựa game thế giới mở với không gian chiến đấu tự do theo phong cách Sandbox.
Thế nhưng Halo Infinite lại cho thấy sự kết hợp nhuần nhuyễn những yếu tố cổ điển vào trong một cơ chế game hiện đại, đem đến những trường đoạn cao trào cả trong mạch truyện lẫn trong cảm xúc của người chơi.
Chế độ chơi mạng “cổ điển”
Cũng chạy theo trào lưu của Call of Duty: Modern Warfare, Halo Infinite miễn phí chế độ chơi mạng cho game thủ với một phong cách chiến đấu hiện đại mà cổ điển, thích hợp cho những trận thi đấu thể thao điện tử eSports.
Phải biết rằng Halo Combat Elvolved đã từng khởi đầu cho một phong trào thể thao điện tử mới vào thời điểm mà tựa game này ra mắt hồi năm 2001, với hàng loạt các giải đấu chuyên nghiệp thu hút nhiều game thủ hàng đầu của hệ máy console tham gia.
Đã từng có thời tựa game bắn súng trên nền console này cạnh tranh “sát sườn” với huyền thoại Counter-Strike ở khu vực Bắc Mỹ với lượng người xem đông đảo, thậm chí một vài giải đấu chuyên nghiệp tựa game này vẫn tồn tại tới tận thời gian gần đây khi phiên bản Anniversary được ra mắt.
Thừa hưởng một “gia tài eSports” đồ sộ như thế, nên phần chơi mạng của tựa game đủ sức thu hút các game thủ yêu thích dòng game bắn súng đối kháng với nhiều chế độ chơi khác nhau, với các màn chơi được thiết kế cẩn thận, tỉ mỉ cùng các loại vũ khí được thiết lập với mức cân bằng cao.
Khác với những tựa game chiến tranh hiện đại cố gắng nhồi nhét số lượng người chơi ngay càng nhiều với đủ loại khí tài quân sự công nghệ hạng nặng, phần chơi mạng của Halo Infinite lại mang phong cách “cổ điển” hơn nhiều.
Đó là cuộc chiến của những nhóm nhỏ với các thành viên phối hợp chặt chẽ với nhau bằng vũ khí cá nhân để giành chiến thắng thông qua đạt được mục tiêu của màn chơi.
phần chơi mạng của Halo Infinite lại mang phong cách “cổ điển” hơn nhiều
Với lượng “giáp trâu”, súng đạn “cùi bắp”, thường thì các cuộc đấu tay đôi là những trận quần đảo không ngừng giữa hai đấu thủ theo phong cách rất dễ bắt gặp trên những tựa game eSports truyền thống, thế nên việc phối hợp với đồng đội để có thể hạ gục nhanh chóng đối thủ trở nên cần thiết hơn bao giờ hết, đem lại ưu thế cho cả nhóm để có thể hướng đến mục tiêu thắng lợi cuối cùng.
Sẽ chẳng bao giờ có chuyện một game thủ mạnh mẽ có thể “gánh team” bằng những vũ khí siêu hạng, hay những kỹ năng thần thánh cách đánh tan cả nhóm đối thủ như với nhiều tựa game chiến tranh hiện đại ngày nay, kể cả khi đó là những tuyển thủ thi đấu chuyên nghiệp, trừ khi bạn chiến đấu với một nhóm các đối thủ “gà mờ” mạnh ai nấy đánh mà thôi.
Nhờ đó mà mỗi màn chơi mạng giữa các đội nhóm đều vô cùng căng thẳng và hấp dẫn, mang đậm chất thể thao điện tử hơn là phục vụ cho mục đích giải trí đơn thuần.
Hiện Microsoft cũng đã có kế hoạch tổ chức giải thi đấu thể thao điện tử với tựa game Halo Infinite, thế nhưng chính bản thân Microsoft cũng đang phải vật lộn trước tình hình thiếu máy XBOX Series X để tổ chức giải thi đấu này.
BẠN SẼ GHÉT
Những “hạt sạn” không hề nhỏ!
Là một tựa game được phát triển để làm “cọc tiêu” cho thế hệ console XBOX Series X đời mới với sự lôi cuốn mạnh mẽ dành cho game thủ từ đầu đến cuối, thế nhưng Halo Infinite vẫn tồn tại rất nhiều vấn đề “không hề nhỏ” để có thể trở thành một tượng đài như các phiên bản trước đó.
Đầu tiên, có thể kể đến chất lượng đồ họa của phần game này chưa tương xứng với sức mạnh xử lý ấn tượng của thế hệ console chơi game đời mới.
Mặc dù được giới thiệu chủ yếu dành cho thế hệ console mới ra mắt, thế nhưng tựa game này vẫn chỉ được xây dựng trên nền tảng đồ hoạ của thế hệ máy chơi game trước đây nhằm phục vụ cho nhóm đông các game thủ vẫn còn đang sử dụng XBOX One, thiếu vắng đi những hiệu ứng thời thượng như hiệu ứng dò tia Ray Tracing, các hiệu ứng giảm tải cho card đồ họa như DLSS hay AMD FidelityFX Super Resolution.
Chất lượng mô hình và vân bề mặt cũng không thật sự xuất sắc, đem lại cảm giác choáng ngợp cho game thủ như cách mà phiên bản Halo Combat Evolved làm được trên nền hệ máy XBOX, phiên bản Halo 3 trên hệ máy XBOX 360 hay Halo 5 với hệ máy XBOX One trước đây.
Bên cạnh đó, nếu như với Far Cry 6, sự thể hiện “đần độn” của đối thủ máy đến từ sự quá phức tạp trong việc lập ra các kịch bản ứng xử thì với Halo Infinite, sự “đần độn” của A.I lại đến từ các kịch bản được lập ra theo một cách vô cùng “nguyên thủy”, gần như chẳng khác biệt là bao so với những đối thủ máy ra mắt trong phiên bản đầu tiên cách đây 20 năm.
Chúng chỉ di chuyển theo những lộ tuyến sắp đặt sẵn, chạy lăng xăng và bắn đì đùng về phía người chơi bằng tất cả những hoả lực mình đang có mà không cần biết đến núp sau các chướng ngại vật hay tỏ ra nghi ngờ khi phát hiện ra xác đồng đội nếu người chơi theo kiểu lén lút.
Thậm chí cả những “con trùm” cũng chỉ hành động theo một kịch bản cố định với những bước di chuyển theo lộ tuyến nhất định xoay quanh người chơi, hay một vài đòn combo ra đòn bất biến vào khoảng không theo cách mà bạn có thể dễ dàng “bắt bài” sau một vài lần thử nghiệm mà thường thấy trên những tựa game hành động kinh điển như Mega Man hay Contra, hơn là những ứng xử mang đậm tính “tình thế” và đầy tinh tế như những con trùm trong các tựa game như Ghost of Tsushima hay Star Wars Jedi: Fallen Order.
Điều đó khiến cho những trận đấu trùm trở nên khó khăn, cơ bản là do lượng sát thương quá khổng lồ từ chúng gây ra cho mỗi đòn đánh nhiều hơn là cách chúng chiến đấu với bạn.
Bên cạnh đó, Halo Infinite cũng sở hữu cơ chế tự lưu game (auto save) quá tùy hứng mà không cho phép người dùng tự lưu game thủ công.
Thậm chí là trong trải nghiệm thực tế của người viết, có lần tựa game sao lưu ngay cả trong quá trình đấu trùm khi có sự thay đổi về chỉ số nâng cấp, ngay trước một đòn đánh sát thủ của con trùm, khiến người chơi chỉ còn cách… khởi động lại màn chơi từ đầu, rất mất thời gian và gây ức chế cực độ cho người chơi.
Halo Infinite cũng sở hữu cơ chế tự lưu game (auto save) quá tùy hứng mà không cho phép người dùng tự lưu game thủ công
Cuối cùng, game cũng sở hữu một vài vấn đề kỹ thuật nhỏ có thể sửa chữa qua một vài bản cập nhật.
Chẳng hạn như trong suốt thời lượng game, người chơi rất dễ bắt gặp hiện tượng mất vân bề mặt với các vật hay các đối thủ ở xa, nhất là khi bạn nhìn qua kính ngắm của các khẩu súng bắn tỉa.
Hay các đối thủ máy thỉnh thoảng có thể bị “kẹt đường” khi di chuyển qua những địa hình phức tạp và vẫn đứng y nguyên, dù cho người chơi có chạy đến sát bên cạnh.
Mặc dù vậy, những yếu tố kỹ thuật này khá nhỏ, có rất ít tác động đến trải nghiệm của người chơi.