Skip to content

Journey To The Savage Planet – Đánh Giá Game

Journey To The Savage Planet

Journey To The Savage Planet – Lần đầu hé lộ tại The Game Awards 2018Journey To The Savage Planet dễ dàng tạo được sự chú ý của người chơi quá lối đồ họa đơn giản, tông màu sặc sỡ, nhưng hơn hết là cách tiếp cận dí dỏm, hài hước, với những đoạn phim quảng cáo lối chơi hành động (góc nhìn thứ nhất).

Chờ đã, tông màu sặc sỡ, các sinh vật kỳ quái, hành tinh hung hiểm, v.v. chẳng phải chúng ta đang nhìn thấy… No Man’s Sky năm nào hay sao?!

Còn sự dí dỏm, hài hước có “mùi” quen quen của loạt game Borderlands trứ danh đây sao?

Vậy cuối cùng thì Journey To The Savage Planet mang tới cho người chơi những gì?

Nào, đừng nôn nóng, chúng ta hãy nhau làm sáng tỏ những khúc mắc trên qua bài đánh giá sau từ Vietgame.asia.

BẠN SẼ THÍCH

KHÁM PHÁ – VUI NHỘN!

Ngay những phút đầu tiên của cuộc hành trình, Journey To The Savage Planet đón chào người chơi bằng một bầu không khí “vui nhộn”: từ phần chọn nhân vật không giống ai cho đến những đoạn phim ngắn “bô lô ba la” về tầm quan trọng của cuộc hành trình khai phá vùng đất mới của người chơi!

Thế là người chơi “khăn gói” tham gia vào chuyến phiêu lưu bất đắc dĩ, thiếu thốn nguyên vật liệu và chả biết gì về nơi đến!

Nhìn chung, Journey To The Savage sở hữu lối chơi có thể được miêu tả: “Metroidvaina” phiên bản ba chiều.

Khác biệt với những tựa game cũng có chất “Metrovania” nhưng khó nhằn như Ori and the Will of the Wisps, Star Wars Jedi: Fallen Order,… Journey To The Savage Planet sở hữu lối tiếp cận “ôn hòa” với các màn vượt địa hình nhẹ nhàng, không quá đánh đố người chơi, rải rác xung quanh là những sinh vật thân thiện, ít khi tấn công “bừa”.

Kết hợp với tông màu bắt mắt, game đã thành công trong việc xây dựng nên một môi trường thân thiện, lạ mắt nhằm khơi gợi tính tò mò, khám phá của người chơi.

Đồng thời, những khu vực yêu cầu bạn chiến đấu cũng được trang bị rất chỉn chu bằng hàng loạt vật ném, những cây giúp nhân vật hồi máu được trải đều xung quanh.

Hơn nữa, điểm sáng giá của lối chơi này được thể hiện tốt nhất qua các màn đấu trùm, với cây súng vô hạn đạn trong tay, việc duy nhất của bạn là “bào mòn” thanh máu của địch bằng cách bắn vào những quả bóng nước màu vàng trên người chúng, và tin tốt là: hầu như mọi tên trùm đều có đặc điểm này!

Các đòn đánh của những tên trùm thường tấn công theo một mô-típ nhất định, nhưng cũng không dễ hay hiểm hóc đến mức gây khó chịu cho người chơi.

Với một chiếc máy quét được trang bị từ đầu game, bạn có thể sử dụng thiết bị này để tìm thông tin về cây cối, sinh vật hay cả những khu tàn tích tại đây.

Tuy không quá chi tiết, các thông tin được tiết lộ đôi lúc cũng hé lộ nội dung vô cùng hữu ích như điểm yếu của sinh vật, tác dụng của vật phẩm nào đó. Đặc biệt hơn, mọi thứ đều được hé lộ dưới dạng… một câu đùa!

Song hành với người chơi còn có tay “trợ lý ảo” E.K.O, cứ cách vài giây lại tung ra một câu đùa nhạt nào đó (y như tay Claptrap “nhiều chuyện” của loạt game Borderlands), thậm chí còn trêu đùa sau những pha xử lý không mấy “trí tuệ” của bạn cũng lại bằng… một câu đùa.

Nhìn chung, những pha gây cười kể trên được nhà phát triển lồng ghép xuyên suốt quá trình chơi khiến game trông chẳng khác gì một bộ sitcom ngắn tập, góp phần xây dựng nên sự vui nhộn trong cuộc hành trình của bạn.

Nhưng nếu nhiêu đó “giải trí” vẫn là chưa đủ, Journey To The Savage cũng sở hữu chế độ tổ đội (Co-op) cho phép thêm một nhân vật vào “quậy phá” cùng bạn.

Các đòn đánh của những tên trùm thường tấn công theo một mô-típ nhất định, nhưng cũng không dễ hay hiểm hóc đến mức gây khó chịu cho người chơi

BẠN SẼ GHÉT

Journey To The Savage Planet

RẬP KHUÔN “TUYẾN TÍNH”

Nhìn chung, Journey To The Savage mang trong mình một thế giới mở đủ rộng để cho người chơi thỏa sức khám phá, nhưng với thiết kế nhạt nhòa đi kèm chuỗi nhiệm vụ “thẳng băng” thì game lại khó thể nào níu kéo người chơi “khai phá” tiếp những điều còn dang dở…

Trước hết, khác với màu sắc sặc sỡ mà game đem đến, mỗi khu vực sau chỉ thay đổi một vài loại cây cỏ, hay cũng là con chim với hình dáng “cu-te” đó nhưng được đổi màu và tên gọi cho mỗi vùng khác nhau, đôi lúc chúng cũng trở nên giận dữ và tấn công bạn ở một số màn khác.

Nhìn chung, mỗi vùng đất về sau đều có những đặc điểm tựa như các khu vực trước, khi đã dần trở nên quen thuộc, người viết chẳng còn thấy “mặn mà” với cuộc hành trình hay cảnh vật trước mắt.

Nhiệm vụ trong game được thiết kế theo hướng khá “tuyến tính”, mọi hoạt động được giao cho người chơi đều được chỉ dẫn một cách rất tận tình thông qua một mũi tên trên bản đồ, có thể ví nôm na như “một tên lạc đường suốt ngày chạy theo Google Map”, thế là bạn chỉ cần cắm đầu đi theo đó là xong!

Các nhiệm vụ được đề cập đây chỉ đơn giản là yêu cầu người chơi tiến vào một khu vực hay tương tác với một vật thể nào đó, nối liền sau là một đoạn cắt cảnh nhỏ và… kết thúc nhiệm vụ.

Cứ thế, một yêu cầu mới lại hiện lên và tiếp tục yêu cầu bạn di chuyển dần đến các khu vực chưa khám phá và lặp lại các hoạt động.

Mạch nhiệm vụ của Journey To The Savage cứ vậy mà dẫn bạn qua từ khu vực này đến một địa điểm “lạ hoắc”, khiến cuộc phiêu lưu ngày một trở nên rối mắt mà lại chẳng thú vị tí nào!

Nhiệm vụ trong game được thiết kế theo hướng khá “tuyến tính”, mọi hoạt động được giao cho người chơi đều được chỉ dẫn một cách rất tận tình thông qua một mũi tên trên bản đồ


Journey To The Savage Planet

ĐA DẠNG NHƯNG KÉM SẮC!

Journey To The Savage Planet là sự tổ hợp của hàng đống yếu tố cần có trong một tựa game dạng hành động pha nhập vai, ví dụ như chế tạo trang bị, thế giới mở hay cả “cày đồ” để nâng cấp trang bị.

Tuy vậy, các đặc điểm trên lại được xây dựng khá hời hợt, thiếu chiều sâu, thậm chí có phần làm game trở nên “dễ quá mức” cần thiết, khiến bạn dần chán nản về sau…

Người chơi sẽ có một số nâng cấp cơ bản cho súng như tăng đạn, tốc độ nạp hay sát thương, nâng chiêu nhảy hai bước thành ba bước hay tăng lượng vật ném bạn có thể giữ, thực tế thì các bổ sung kể trên chỉ là các cải tiến nhỏ và không đem lại quá nhiều lợi ích cho nhân vật.

Hệ thống nâng cấp có khá ít lựa chọn nổi bật, nhưng số lượng nguyên liệu cần dùng thì lại trở nên khá “đắt đỏ” về sau.

Song, việc “cày” nguyên liệu trong Journey To The Savage Planet cũng chẳng mấy hấp dẫn khi chỉ xoay quanh việc chạy đi mò khoáng sản, tiêu diệt quái hoặc “vỗ béo” chúng!

Những màn vượt địa hình (Platforming) cũng không quá đặc sắc, chỉ đơn thuần yêu cầu bạn nhảy từ điểm này đến điểm khác, nếu lỡ không may trượt chân xuống vực sâu thì game sẽ luôn tự đưa nhân vật trở về điểm trước đó.

Ngoài ra, một cơ chế khá hay – đu dây, cũng đưa đến trải nghiệm không thể “sầu đời” hơn, khi việc duy nhất của bạn là nhấn đúng phím F để bám vào mặt phẳng, sau đó trò chơi sẽ tự định hướng đi cho nhân vật mà chẳng cần tốn tí “não” để suy nghĩ!

Những màn vượt địa hình (Platforming) cũng không quá đặc sắc, chỉ đơn thuần yêu cầu bạn nhảy từ điểm này đến điểm khác


THÔNG TIN

  • Sản xuất: 505 Games
  • Phát hành: Typhoon Studios
  • Thể loại: Hành động, nhập vai
  • Ngày ra mắt: 30/10/2020
  • Hệ máy: PC, PlayStation 4, Xbox One, Stadia, Switch

CẤU HÌNH TỐI THIỂU

  • OS: Windows 7, 8, 10
  • CPU:  Intel Core i5-750 2.67 GHz
  • RAM: 4 GB
  • VGA: NVIDIA GeForce GTX 660 hoặc AMD Radeon HD 7950
  • HDD: 6 GB

CẤU HÌNH THỬ NGHIỆM

  • OS: Windows 10 Home 64-bit
  • CPU: Intel Core i5-9300h 2.4GHz
  • RAM: 16 GB
  • VGA: Nvidia Geforce GTX 1660ti 6 GB 
  • SSD: 512 GB SSD NVMe M.2 PCle Gen 3×2

GAME ĐƯỢC HỖ TRỢ BỞI 505 GAMESCHƠI TRÊN HỆ PC

6.5

Journey To The Savage Planet đủ sức làm hài lòng người chơi qua một cuộc hành trình ngắn ngủi bao quanh là một bầu không khí vui vẻ, đầy màu sắc. Nhưng dường như việc trò chơi "kiểm soát" quá gắt gao cuộc hành trình của người chơi qua chuỗi nhiệm vụ, đi kèm các cơ chế được tối giản quá mức cần thiết đã khiến game mờ nhạt, kém hấp dẫn về sau.

Tác giả

Mr.VanBa

wheeeeeeeeee

Thảo luận