Skip to content

Massive Chalice – Đánh Giá Game

Massive Chalice - Đánh Giá Game

Massive Chalice – Khi nhắc đến thể loại game chiến thuật theo lượt – một thể loại mà nhiều người “dè bỉu” rằng khá chậm chạp và ít thân thiện với đại đa số công chúng – thì có một cái tên đã mang đến “làn gió mới”, khi sở hữu lối chơi có phần tối giản, thân thiện hơn và dĩ nhiên là khoác trên mình một vẻ ngoài khá “lộng lẫy”, đó chính là XCOM Enemy Unknown.

Massive Chalice, dự án tiếp theo của Double Fine Productions, nếu xét theo một cung cách nào đó thì có thể coi là một “XCOM phiên bản cổ trang”, cộng với chút hơi hướm của Game of Thrones.

Nhưng dĩ nhiên, việc thay đổi UFO bằng Cadence không phải là điều duy nhất khiến Massive Chalice nổi bật…

Vì sao ư?

Bởi vì không bao giờ có một tựa game nào của Double Fine Productions được dán mác “nghiêm túc” cả, và Massive Chalice cũng không phải là ngoại lệ.

BẠN SẼ THÍCH

Thời gian – Đồng minh và kẻ thù

Trong Massive Chalice, người chơi sẽ vào vai người trị vì tối cao của một vương quốc giả tưởng, nối dõi dòng máu hoàng gia, đánh bại cuộc xâm lăng của thế lực hắc ám Cadence đeo bám dai dẳng trong suốt 300 năm. Tuy nhiên, người chơi sẽ không hề đơn độc trên công cuộc trị vì, bởi bên cạnh bạn là “tổ tư vấn” được khắc họa bằng hai nhân cách dưới hình hài của một chiếc… cốc ngoại cỡ (cũng là lý do vì sao trò chơi được đặt tên là “Massive Chalice“).

Điều đầu tiên mà Massive Chalice thật sự “ghi điểm” trong lối chơi nằm ở cơ chế dòng dõi – Bloodline. Tại vương quốc được chia thành nhiều khu vực nhỏ, người chơi có thể chỉ định một hoặc nhiều dòng dõi khác nhau cai trị từng khu vực và tiếp tục “bảo tồn nòi giống”. Mặc dù tại vương quốc không hề thiếu những con người gan dạ luôn sẵn sàng xả thân ngoài chiến trường, nhưng câu trả lời thỏa đáng nhất về bài toán con người trong Massive Chalice chính là… sinh đẻ.

Mặc dù Massive Chalice bắt buộc phải chỉ định một dòng họ duy nhất tại mỗi khu vực, nhưng khi nhắc đến vấn đề hôn nhân và sinh con đẻ cái, thì người chơi không hề vướng phải bất kỳ giới hạn nào cả.

Điều đó đồng nghĩa với “kịch bản” sau hoàn toàn khả thi: hôn nhân giữa những người cùng huyết thống (dành cho những “con chiên ngoan đạo” của nhà Lannister), hôn nhân đồng giới (rất bắt kịp “thời sự”) hay thậm chí là hôn nhân không phân biệt tuổi tác.

Nghe qua thì có vẻ hơi “í ẹ”, thế nhưng tất cả những sự “kết hợp” này có thể sẽ mang đến kết quả khả quan hơn nhiều so với mong đợi của người chơi. Trong phần chơi của người viết, năm thứ 87 của khu vực ngoài rìa vương quốc được cai trị bởi hai thành viên cùng họ Epelbaum, quốc vương 78 tuổi và hoàng hậu… 21 tuổi. Giai đoạn này kéo dài đến tận 11 năm và hai người có đến… 9 người con.

Câu trả lời thỏa đáng nhất về bài toán con người trong Massive Chalice chính là… sinh đẻ

Cũng bởi vì cuộc chiến kéo dài đến tận 300 năm, người chơi sẽ có nhiều thời gian để xây dựng đường lối phát triển của vương quốc đúng theo ý định của mình, cũng như… nhăn trán bởi vì thời gian cướp đi thứ quý giá nhất mà mình sở hữu: Con người.

massive-chalice-danh-gia-game-01.jpg

Vận dụng cơ chế ‘permadeath’ (chết là… hết), Massive Chalice không ngần ngại “xóa bỏ” bất kỳ nhân vật nào đang sinh sống dưới triều đại do người chơi cai trị. Họ có thể chết do tuổi già, chết trẻ không rõ lý do, chết trên chiến trường, chết vì các nhân tố ngẫu nhiên, trẻ chết non, người lớn chết do nhiễm bệnh, chiến binh chết sau khi đi tìm người thân, hoàng hậu hấp hối khi mang thai và cả hai mẹ con… đột tử khi người chơi ném vào “dòng nước” của chiếc cốc… Cái chết ở khắp mọi nơi, ai cũng phải chết (‘All men must die’), và người chơi chẳng thể làm gì để ngăn chặn được nó.

Đó là nhân tố bất ngờ không thể thiếu của Massive Chalice. Người chơi sẽ không thể “nuôi quân” bằng cách ưu ái từng chiến binh trong suốt 300 năm trị vì, cũng không thể mong đợi rằng một vương quốc có thể phát triển phồn thịnh trong toàn bộ thời gian đó. Người chơi buộc phải thích nghi với dòng chảy thời gian, thứ “nghiền nát” nhân tố con người như một chiếc máy ủi, nhưng cũng là thứ mà vạn vật dựa vào và “thả người” đưa theo dòng chảy của nó.

Đến đây, Massive Chalice giới thiệu một cơ chế mới, mà bất kỳ yếu tố nào trong trò chơi cũng đều xoay quanh hoặc bị tác động bởi nó: Thời gian – vừa là một nguồn tài nguyên quý giá, vừa là kẻ thù lớn nhất của người trị vì tối cao.

Mọi hoạt động của vương quốc, từ việc xây dựng các công trình (lâu đài – Keep, đền thần Sagewright…), tìm kiếm nhân tài, nhận con nuôi, nâng cấp vũ khí, giáp trụ, dụng cụ hỗ trợ… đều tiêu tốn một khoảng thời gian nhất định, ngắn thì 3 đến 5 năm, dài thì 10 năm hoặc hơn. Những đứa trẻ cũng cần thời gian để lớn lên trước khi gia nhập đội quân Vanguard chống lại Cadence.

Không có vàng bạc, châu báu nào mà người chơi phải “cày cuốc” rồi dùng để trao đổi, mà chỉ có nguồn tài nguyên thời gian “vô giá” chi phối mọi hoạt động của người chơi.


Những sự đa dạng “kỳ quái”

Có một điều mà người chơi có thể dễ dàng bỏ qua trong Massive Chalice, đó là “những” sự đa dạng ẩn khuất khá sâu bên trong cơ chế xây dựng nhân vật.

Khởi đầu game, người chơi sẽ có ba lớp nhân vật cơ bản: Caberjack – những gã “tanker” trâu bò, Hunter – cung thủ và Alchemist – có khả năng ném những bình (flask) thuốc nổ gây sát thương diện rộng. Tuy vậy, nhờ vào cơ chế kết hôn mà người chơi có thể tạo ra những lớp nhân vật “đa năng” khác.

Ví dụ như: Shadowjack sở hữu bản lĩnh “trâu bò” của Caberjack với khả năng ẩn nấp lén lút của Hunter, Boomstriker tấn công diện rộng ở tầm xa…

Đến đây, Massive Chalice thể hiện sự cân bằng ở lối xây dựng nhân vật thông qua… cơ chế hôn nhân.

Bởi vì không có lớp nhân vật nào hoàn toàn vô dụng (nhưng có một vài lớp nhân vật khác hơi… mạnh quá đáng), thế nên việc duy trì nòi giống không chỉ đơn thuần là lấy thêm nhiều “con tốt” hơn, mà còn tạo nên ảnh hưởng lớn trong phong cách chiến đấu của “tòng quân” nữa.

Massive Chalice cũng mang đến số lượng kẻ thù tuy không nhiều, nhưng lại… sáng tạo đến mức ngạc nhiên, đủ để làm khó người chơi trong giai đoạn nửa sau của trò chơi.

Từ những loại địch thủ cơ bản như Seed “chôm chỉa” ít lượng máu của chiến binh sau khi tấn công, Lapse “ăn bớt” điểm kinh nghiệm (và có thể làm tụt cấp độ), cho đến những loại địch thủ “kỳ quặc” như Wrinkler làm cho chiến binh… già đi 5 tuổi sau mỗi đợt tấn công, hay Twitcher có khả năng đổi vị trí với chiến binh cùng với những cú “dộng” gầm trời… Chúng mang đến những cuộc chiến khá thú vị và cũng không kém phần thử thách.

Có một điều mà người chơi có thể dễ dàng bỏ qua trong Massive Chalice, đó là “những” sự đa dạng ẩn khuất khá sâu bên trong cơ chế xây dựng nhân vật

BẠN SẼ GHÉT

Cái chết ư? Ai quan tâm cơ chứ!

Có lẽ bạn đang tự hỏi cái câu nói “dớ dẩn” trên có ý nghĩa gì đúng không? Bởi vì thật sự, người viết cũng không rõ phải tóm tắt cái sự “khô khan” của Massive Chalice trong một câu từ như thế nào. Hay là gọi nó bằng cụm từ “xa lánh” cũng được.

Như đã nói ở phần đầu, Massive Chalice đưa người chơi vào vai người trị vì và dẫn dắt vương quốc trong cuộc chiến kéo dài suốt 300 năm. Tuy nhiên, cái lỗi của Massive Chalice nằm ở việc người chơi đúng là một nhà trị vì thật sự, bởi vì ngoài hai nhân cách của… chiếc cốc ra, người chơi sẽ không hề có thêm mối tương giao nào với bất kỳ nhân vật nào khác trong game.

Những nhà vua, hoàng hậu, những chiến binh, những đứa trẻ… Họ hợp lại và tạo nên một vương quốc phồn thịnh, thế nhưng bạn sẽ không bao giờ có cơ hội để tạo dựng cho mình những mối quan hệ mới.

Họ là những con bài trên chiến trường, những bù nhìn tại vương quốc, những chiếc “máy đẻ” với nhiệm vụ tạo thêm những con bài và bù nhìn mới. Họ có thể có tính cách của riêng mình, nhưng họ không bao giờ thể hiện ra điều đó.

Cái lỗi của Massive Chalice nằm ở việc người chơi đúng là một nhà trị vì thật sự, bởi vì ngoài hai nhân cách của… chiếc cốc ra, người chơi sẽ không hề có thêm mối tương giao nào với bất kỳ nhân vật nào khác trong game

Bạn muốn giữ cho mình những người bạn trung thành được sủng ái? Bạn muốn tạo nên những câu chuyện bi kịch giữa những dòng tộc? Bạn muốn sáng tác nên sử thi Game of Thrones của riêng mình, tạo nên những đại gia đình với từng mối xung đột khác nhau trong khi phải đối mặt với kẻ thù chung? Thật đáng tiếc, Massive Chalice không cho phép bạn làm điều đó.

Ai cũng phải chết trong Massive Chalice, thế nhưng bạn sẽ chẳng hề mảy may quan tâm đến điều đó. Họ chết rồi chỉ có một dòng thông báo cùng với một đoạn nhạc buồn trong 3 giây phát lên. Họ chết rồi người chơi lại đi tìm những quốc vương mới, hoàng hậu mới, chiến binh mới mà không mảy may quan tâm rằng họ đã đóng góp bao nhiêu cho công cuộc trị vì.

Bởi vì… ai thèm quan tâm đến họ chứ? Mất một Hunter thì thay thế bằng một Hunter khác, mất một lão làng Alchemist cấp độ 6 thì rèn luyện một Alchemist lại mấy hồi?

Và cứ thế, sinh mạng đến và đi trong Massive Chalice. Thời gian trôi đi quá nhanh, người viết không hề mảy may xúc động vì ai đó đã chết, đơn giản là vì họ không có sự gắn kết nào về mặt tình cảm đối với mình cả.

Nếu như bạn “muốn” cảm thấy buồn bã giống như những lần chứng kiến Mordin Solus hy sinh thân mình trong Mass Effect 3, hay Eddard Stark trong Game of Thrones, thì đừng mong đợi bất kỳ điều gì trong Massive Chalice.

Bạn sẽ chỉ buồn vì cái “khoảng cách” quá đáng được đặt ra giữa vai trò trị vì của mình và những người dưới trướng đã biến mình thành một kẻ “vô cảm” mà thôi.


Massive Chalice

Những chiến thuật lạc lối

Lối chơi chiến thuật của Massive Chalice cũng thiếu gắn kết giống như những mối quan hệ trong game vậy. Những màn chơi trong game khá rộng lớn, và kết quả là người chơi sẽ thỉnh thoảng tốn rất nhiều thời gian vô ích chỉ để mở rộng tầm nhìn và tìm kiếm địch thủ, bởi quái vật trong game chỉ tấn công người chơi nếu chúng bị phát hiện.

Điều đó sẽ chẳng quá đáng lắm, nếu như lối chơi của Massive Chalice thật sự hấp dẫn. Mặc dù cảm giác chiến đấu khá “đã tay” cũng như những tình huống bất ngờ có thể xảy ra trên chiến trường, nhưng lối chiến đấu của Massive Chalice lại chưa đủ chiều sâu cần thiết, dễ gây nhàm chán bởi lối chơi lặp lại rất nhiều về sau.

Massive Chalice

Người chơi sẽ lại mù quáng lao vào những pha tấn công với mục tiêu tiêu diệt hết kẻ thù, lặp đi lặp lại trong mọi trận chiến. Không có các chức năng như Overwatch (cung thủ canh sẵn từng góc), nấp sau vật chắn, “buff” đồng đội hoặc “debuff” địch thủ, vận dụng môi trường hay các yếu tố ngũ hành…

Lối chiến đấu trong Massive Chalice chỉ bao gồm tìm địch thủ, lựa vị trí rồi tấn công, hết. Cực kỳ đơn giản, không cầu kỳ, và cũng sẽ khiến người chơi “ngáp ngắn ngáp dài” bởi cái sự tối giản quá thể của nó.

Lối chiến đấu của Massive Chalice chưa đủ chiều sâu cần thiết, dễ gây nhàm chán bởi lối chơi lặp lại rất nhiều về sau

7.0

Không thể phủ nhận rằng Massive Chalice là một tựa game đầy tham vọng. Cơ chế dòng dõi cùng với sự ảnh hưởng của yếu tố thời gian là điểm sáng không thể bàn cãi, thế nhưng trò chơi lại trữ sẵn "gáo nước lạnh" nằm ở cơ chế chiến đấu theo lượt tối giản và thiếu vắng tác động về mặt tâm lý cá nhân.



Massive Chalice không thật sự là một cái tên sáng giá từ Double Fine Productions, nhưng nếu như đây là khởi đầu của một "dòng dõi hoàng gia" mới, thì chắc hẳn chúng ta đều có thể hy vọng một vương triều phồn vinh hơn "nổi dậy" trong tương lai.

Thông tin

  • Massive Chalice 
  • Nhà phát triển
    Double Fine Productions
  • Nhà phát hành
    Double Fine Productions
  • Thể loại
    Chiến thuật
  • Ngày ra mắt
    01/06/2015
  • Nền tảng
    Windows, Xbox One

Cấu hình tối thiểu

  • Hệ điều hành
    Windows 7
  • CPU
    N/A
  • RAM
    4GB
  • GPU
    Intel Core 2 Duo 2.2 GHz / AMD Athlon 64 2.2 GHz
  • Lưu trữ
    2GB
  • Thiết bị
    N/A

Cấu hình thử nghiệm

  • Hệ điều hành
    N/A
  • CPU
    N/A
  • RAM
    N/A
  • GPU
    N/A
  • Lưu trữ
    N/A
  • Thiết bị
    N/A
Game được hỗ trợ bởi DOUBLE FINE PRODUCTIONS. Chơi trên PC.

Tác giả

Abydon Belegarssøn

“Happiness can be found even in the darkest of times, if one only remembers to turn on the light.” - Albus Percival Wulfric Brian Dumbledore. ᚠᚢᚦᚨᚱᚲᚷᚹᚺᚾᛁᛃᛇᛈᛉᛊᛏᛒᛖᛗᛚᛜᛞᛟ

Thảo luận