Skip to content

“Monster Hunter 4 Ultimate” – chọn vũ khí nào? (Kỳ 1)

[dropcap style=”style1″]Đ[/dropcap]ã hiểu được sơ qua lối chơi của Monster Hunter 4 Ultimate thông qua bài viết “Cẩm nang tân thủ”. Nhưng sao game vẫn… khó “quá xá”?

Nhân vật di chuyển chậm rì, lúc cần đánh không đánh, lúc cần tránh đòn tránh không được, sao điều khiển khó vậy, làm sao để phòng thủ đây?… Là những câu hỏi mà người mới thường hay mắc phải.

Sở dĩ có những câu hỏi này tồn tại, là vì hầu hết những người lần đầu tiếp xúc với Monster Hunter nói chung đều không biết được một khác biệt của trò chơi so với những game hành động khác.

Monster Hunter không phải là dòng game mà bạn có thể chỉ cần đơn giản chọn ra món vũ khí mà mình thấy “ngầu” nhất rồi mang vào sử dụng.Mỗi một loại vũ khí lại chứa đựng một trường phái chiến đấu và chiến thuật khác nhau, mà có sử dụng được thuần thục những thứ vũ khí đó hay không, hoàn toàn là dựa vào phong cách chơi game của bạn.

Ví dụ như nếu là một người thích xông pha vào “xẻ thịt” con quái với những chiêu thức tàn bạo hoa mĩ, hãy chọn Dual Blade (song đao), Long Sword (trường kiếm… Nếu thích xạ chiến, xạ tiễn và các loại Bowgun (xạ khẩu) là lựa chọn hoàn mỹ.

Đây sẽ là bài viết tổng hợp lại công dụng chính và đặc điểm chi tiết của từng loại vũ khí trong Monster Hunter 4 Ultimate dành cho những thợ săn chưa biết được mình thích hợp sử dụng loại nào nhất.

CÁC HỆ VŨ KHÍ CHỦ ĐẠO
14 loại vũ khí trong Monster Hunter 4 Ultimate được chia ra làm nhiều hệ vũ khí chính, với một vài lối đánh chủ đạo, cụ thể như sau:

  • Hệ cận chiến loạn động: Hệ này gồm các loại vũ khí như Dual Blades (song đao), Long Sword (trường kiếm), Insect Glaive (trượng sâu bọ), Sword and Shield (kiếm và khiên), Charge Blades (tụ đao), Switch Axe (rìu kiếm). Đặc điểm chung là có tốc độ tấn công nhanh, cũng như có cách sử dụng khá “thân thiện”.
  • Hệ phòng thủ: Sở dĩ gọi là hệ phòng thủ là vì những vũ khí gồm Lance (thương), Gunlance (hỏa thương), Charge Blade, Sword And Shield và Great Sword (trường kiếm) đều sở hữu cho mình những phương thức phòng thủ mà các hệ khác không hề có.
  • Hệ viễn chiến: Là các vũ khí bắn xa như Bow (cung tên), Light Bowgun (súng hạng nhẹ) và Heavy Bowgun (súng hạng nặng).
  • Hệ phụ trợ: Thợ săn thuộc hệ phụ trợ sẽ luôn là những tinh anh mà bất cứ tổ đội nào cũng muốn có! Những vũ khí như Light Bowgun, Heavy Bowgun, Hunting Horn (kèn chiến), Sword and Shield đều có những chức năng riêng giúp gây trạng thái cho quái vật, tạo hiệu ứng tích cực cho đồng đội, sử dụng vật phẩm hồi máu hay các cạm bẫy nhanh…. Hệ này luôn luôn được mời chào vào các cuộc săn quan trọng hoặc cam go.
  • Hệ cận chiến cực trọng: Cũng được sinh ra để đánh cận chiến, nhưng Great Sword, Hammer (búa), Charge Blade, Switch Axe, Hunting Horn đều có được lượng sát thương vật lý cao đến “bá đạo”, tốc độ đánh tuy chậm nhưng chỉ một đòn đánh trúng cũng đã đủ khiến con quái “liểng xiểng”!
  • Hệ áp đặt trạng thái: Như tên gọi, đây là hệ gồm các vũ khí có tốc độ đánh từ nhanh tới rất nhanh, thích hợp cho việc gây trạng thái dính độc, tê liệt… lên quái vật như Dual Sword, Sword and Sheld, Insect Glaive.
  • Hệ gây đơ (stun): Gồm nhiều vũ khí hạng nặng như Hammer, Hunting Horn, Charge Blade và một ngoại lệ là Sword and Shield. Hệ gây đơ sở hữu một khả năng độc quyền có thể làm cho con quái bị choáng khi bị dính đòn vào đầu quá nhiều.

Nhìn vào sự phân bố kể trên, thì hẳn các bạn cũng đã hiểu rằng một loại vũ khí không chỉ tuyệt đối thuộc về một hệ, mà lối chơi của nó có thể bị lai tạp bởi nhiều hệ khác nhau.

Chi tiết về chúng sẽ được liệt kê sau đây (phần trăm càng cao thì phong cách đánh của món vũ khí sẽ càng bị ảnh hưởng bởi hệ tương ứng).

14 loại vũ khí trong Monster Hunter 4 Ultimate được chia ra làm nhiều hệ vũ khí chính, với một vài lối đánh chủ đạo
DUAL BLADE (SONG ĐAO)
Đặc điểm tổng quan
  • Độ khó sử dụng: Rất khó
  • Tốc độ bị mòn: Rất nhanh
  • Sát thương vật lý: Rất cao
  • Phương thức di chuyển: Rất nhanh
  • Tầm đánh: Rất ngắn
  • Thu/xuất vũ khí: Rất nhanh
  • Sát thương thuộc tính: Rất cao
  • Tốc độ gây ra trạng thái: Rất nhanh

Phân bố hệ:
80% hệ cận chiến loạn động – 20% hệ áp đặt trạng tháiChỉ nhìn sơ qua vào bảng thông tin của Dual Blade, đã đủ cho thấy rằng đây là một vũ khí thuần công hoàn toàn, với tốc độ đánh và tốc độ di chuyển rất nhanh, sát thương cực cao… gần như mọi khía cạnh đều toàn diện.

Thêm nữa, Dual Blade còn có một chức năng độc quyền gọi là Demon Mode (chế độ ác quỷ) mà trong trạng thái này, thanh thể lực sẽ tiêu hao dần dần để đổi lại là khả năng kháng gió, cùng sức tấn công tăng mạnh mẽ và việc lộn người (roll) tránh đòn sẽ được thay đổi bằng một cú lướt người (dash) xảo diệu, giúp thợ săn tiếp cận và “làm thịt” con quái cực nhanh và “sạch sẽ”.

Vậy nhưng bù lại, đây là thứ vũ khí cực kỳ khó sử dụng, không chỉ vì chiều sâu và số lượng về đòn đánh của nó, mà người chơi còn phải biết cách để quản lý lượng thể lực còn lại sau khi Demon Mode được kích hoạt.

Thêm nữa, với tầm đánh cực hẹp và ngắn, Dual Blades không phải là một món đồ chơi thuận tiện cho việc cắt đuôi quái (cũng là một trong những cách thông dụng nhất để kiếm nguyên liệu quý hiếm).

Nhìn chung, đây không phải là một sự lựa chọn đúng đắn cho lắm nếu như bạn vừa mới chập chững bước những bước đầu vào thế giới của Monster Hunter.

Mặc dù, vẻ ngoài của những cặp song đao thường rất hào nhoáng và đẹp đẽ, nhìn cái là muốn “pick” (lựa) ngay, nhưng chỉ một lát sau là người chơi sẽ phải… lè lưỡi mà chọn một món vũ khí khác dễ dùng hơn.

Chỉ nhìn sơ qua vào bảng thông tin của Dual Blade, đã đủ cho thấy rằng đây là một vũ khí thuần công hoàn toàn
SWITCH AXE (RÌU HOÁN ĐỔI)
Switch Axe đã từng là món đồ chơi được ưa thích nhất trong những phiên bản Monster Hunter cũ, nhờ việc sở hữu vẻ ngoài cực ngầu có thể chuyển đổi được giữa hai dạng vũ khí kiếm và rìu.

Switch Axe còn là vũ khí cực kỳ thích hợp cho việc cắt đuôi quái, vì “thể kiếm” của nó có tốc độ ra đòn khá, tầm đánh rộng và cao, cũng như khả năng phá giáp (vũ khí sẽ không bị bật ra khi đánh vào những bộ phận cứng trên mình con quái) mà tất cả các loại vũ khí còn lại đều “thèm muốn”.

Ở những tiếng đầu tiên khi mới tập dùng Switch Axe, người chơi nên chú tâm vào sử dụng “thể kiếm” của nó, vì đây là thể rất dễ điều khiển, với tổng cộng chỉ có vài đòn thức đơn giản như chém lên, chém xuống và chém ngang.

Chỉ đến khi đã quá quen với “thể kiếm”, thợ săn mới nên bắt tay vào học tập sử dụng các chiêu thức của “thể rìu”.

Lúc này, Switch Axe lại nghiễm nhiên trở thành một trong những vũ khí khó điều khiển nhất của cả game, không phải người nào cũng có đầy đủ tư duy chiến thuật để hiểu hết được sự luân chuyển giữa hai dạng kiếm và rìu – mà vốn là sự kết hợp của vô vàn các chiêu thức khác nhau.

Nhưng về tổng quan mà nói, Switch Axe vẫn là một sự lựa chọn đúng đắn cho những người mới, nếu họ sử dụng nó như là một “thanh kiếm”!

về tổng quan mà nói, Switch Axe vẫn là một sự lựa chọn đúng đắn cho những người mới, nếu họ sử dụng nó như là một “thanh kiếm”!
Đặc điểm tổng quan
  • Độ khó sử dụng: Khó
  • Tốc độ bị mòn: Chậm đến trung bình
  • Sát thương vật lý: Rất cao
  • Phương thức di chuyển: Chậm đến trung bình
  • Tầm đánh: Dài
  • Thu/xuất vũ khí: Chậm
  • Sát thương thuộc tính: Cao
  • Tốc độ gây ra trạng thái: Nhanh

Phân bố hệ:
60% hệ cận chiến loạn động – 40% hệ cận chiến cực trọng

HAMMER (BÚA CHIẾN)
Với hình dáng khá “cù lần” là một cây búa, Hammer từ trước tới nay được rất ít người chọn làm “đồ nghề” khởi đầu game.

Mặc dù, đây chính là thứ vũ khí thích hợp nhất với những người mới!

Không chỉ có lượng sát thương vật lý bá đạo đủ để người chơi có thể “mặc xác” luôn các yếu tố khác như điểm nguyên tố, điểm trạng thái, Hammer còn có cách điều khiển vô cùng đơn giản vừa có thể đánh liên hoàn (combo) lại vừa sở hữu những cú gồng (charge) đầy sức mạnh.

So với thứ vũ khí biểu trưng cho hệ cực trọng là Great Sword, Hammer thậm chí còn có đôi phần “lợi hại” hơn, như việc thợ săn có thể di chuyển trong lúc charge rồi canh me để đánh vào những bộ phận yếu hại trên người con quái.

Chỉ sau Charge Blade, Hammer có khả năng làm quái “stun” mạnh thứ nhì game, nên những người sử dụng búa nên chú tâm tới việc đánh vào đầu để con quái ngã ra.

Tuy nhiên, bù lại cho những lợi thế bên trên, thì Hammer lại hoàn toàn không có khả năng cắt đuôi quái. Nên nếu muốn có nguyên liệu nào đó từ đuôi, người chơi sẽ phải nhờ tới sự trợ giúp của đồng đội.

đây chính là thứ vũ khí thích hợp nhất với những người mới!
Đặc điểm tổng quan
  • Độ khó sử dụng: Rất dễ
  • Tốc độ bị mòn: Rất chậm đến trung bình
  • Sát thương vật lý: Rất cao
  • Phương thức di chuyển: Chậm
  • Tầm đánh: Ngắn
  • Thu/xuất vũ khí: Chậm
  • Sát thương thuộc tính: Cao
  • Tốc độ gây ra trạng thái: Chậm đến rất chậm

Phân bố hệ:
50% hệ cận chiến cực trọng – 50% hệ gây đơ

SWORD AND SHIELD
Sword and Shield là một trong những thứ vũ khí “nguyên thủy” nhất của cả dòng game
Đặc điểm tổng quan
  • Độ khó sử dụng: Dễ
  • Tốc độ bị mài mòn: Nhanh
  • Sát thương vật lý: Rất thấp
  • Phương thức di chuyển: Nhanh
  • Tầm đánh: Rất ngắn
  • Thu/xuất vũ khí: Rất nhanh
  • Sát thương thuộc tính: Rất cao
  • Tốc độ gây ra trạng thái: Rất nhanh

Phân bố hệ:
30% hệ cận chiến loạn động – 30% hệ phụ trợ  – 25% hệ áp đặt trạng thái – 10% hệ phòng thủ – 5% hệ gây đơSword and Shield là một trong những thứ vũ khí “nguyên thủy” nhất của cả dòng game.

Xuất hiện kể từ phiên bản Monster Hunter đầu tiên cho tới nay, Sword and Shield chưa bao giờ là một thứ vũ khí thiên về lực công kích, hầu hết mọi chỉ số của nó đều ở mức trung bình, thậm chí là rất thấp khi đem so với các vũ khí khác.

Thế nhưng, người ta vẫn sẽ chọn Sword and Shield vì vô vàn tiện ích mà nó đem lại bù trừ cho những điểm yếu về sức mạnh.

Như việc Sword and Shield được lai tạp bởi rất nhiều hệ nên chúng có thể đảm nhiệm được nhiều vị trí chiến đấu khác nhau từ gây trạng thái, gây stun, hỗ trợ đặt bẫy, dùng thuốc chữa thương và tung hỏa mù cho tới chuyển lên đánh chính… Sword and Shield đều có thể làm được, và làm tốt gần bằng những vũ khí chuyên chế khác.

Tuy nhiên cũng vì bản thân nó có quá nhiều công dụng, nên để sử dụng được thuần thục Sword and Shield, người chơi sẽ phải tiếp nhận một khối kiến thức khá lớn, mà hầu hết trong số chúng đều không có tính thực dụng và không thể sử dụng được khi bạn chuyển sang dùng một loại vũ khí khác.

Vậy nên, Sword and Shield chỉ nên là một món đồ chơi phụ mà bạn thỉnh thoảng sử dụng để “đổi gió” lúc tham gia chơi mạng để hỗ trợ bạn bè, khi mà trình độ sử dụng những loại vũ khí khác đã ở mức tương đối!

LỜI KẾT
Đọc đến đây, các bạn đã chọn được cho mình món vũ khí vừa ý chưa? Dũng mãnh bá đạo như Dual Blade, đa năng toàn diện như Sword and Shield, thập phần biến hóa như Switch Axe hay đơn giản mà hùng hậu như Hammer?

Nếu như bạn đã “kết” một món vũ khí trong số chúng rồi, nhưng vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong việc sử dụng, hãy để lại những ý kiến, câu hỏi của mình ở khung bình luận bên dưới, những thợ săn kỳ cựu của Vietgame.asia sẽ hồi đáp ngay lập tức!

Còn nếu như cả 4 anh tài này vẫn chưa “thỏa mãn” được bạn, thì hãy trông chờ vào phần sau của loạt bài với 10 ứng cử viên sáng giá còn lại bạn nhé!

Tác giả

Thảo luận