Skip to content

“Monster Hunter” định nghĩa một con đường

"Monster Hunter" định nghĩa một con đường
[dropcap style=”style1″]B[/dropcap]àn về game nhập vai, hẳn nảy ra trong đầu bất kỳ ai cũng sẽ liên quan đến việc tạo một nhân vật yêu thích, chọn một chức nghiệp, cày cấp như điên – để sau cùng sở hữu một con “quái vật” với chỉ số khủng, trang bị khủng. Logic này có vẻ như áp dụng đúng với hầu hết game nhập vaihành động đã từng góp mặt vào làng game.

“Hầu như”, bởi vì vẫn có những tựa game đi theo những lối riêng – chẳng hạn như Monster Hunter. Đến từ hãng Capcom, lần đầu tiên Monster Hunter đến tay người chơi là vào năm 2004 trên hệ máy PlayStation 2, và nhanh chóng gặt hái được khá nhiều thành công từ đó.

"Monster Hunter" định nghĩa một con đường

Trải qua thời gian 10 năm dài đằng đẵng với hơn 10 phiên bản khác nhau lần lượt “chào sân” đủ các hệ máy, cho đến phiên bản gần đây nhất là Monster Hunter 4 tại Nhật Bản cho hệ Nintendo 3DS – dòng game nhập vai săn quái vật đặc thù này đã trải qua khá nhiều những thăng trầm.

Hãy cùng Vietgame.asia tìm hiểu thêm về dòng game hấp dẫn này nhé!

Monster Hunter – Một vài phác họa
Là một dòng game thể loại nhập vai, nhưng khác với những người anh em của mình, Monster Hunter lại có một hướng phát triển khá độc đáo.

Thay vì học tập theo Diablo hoặc Titan Quest, những tên tuổi “cây đa cây đề” của làng game nhập vai, Monster Hunter lại chọn cho mình những đặc tính khác hẳn các bậc “đàn anh”.

Lẽ ra nên xây dựng một pho sử thi hoành tráng với chủ đề “fantasy” rất được ưa chuộng, ném người chơi vào một thế giới ma thuật đầy rẫy quái vật cùng những hướng “build nhân vật” phức tạp và hàng ngàn món trang bị để đi săn… thì Monster Hunter lại chú trọng rất mạnh vào việc “gợi ý” cho người chơi phát triển kỹ năng chơi game thực thụ, chứ không chỉ đơn thuần là “nhấn chuột như điên” nữa.

Nhân vật trong Monster Hunter chẳng hề có chức nghiệp gì để lựa chọn, hay những chỉ số phức tạp với những thuật toán cao siêu gì cả.

Các chỉ số công – thủ của trang bị sẽ chẳng có nghĩa lý gì nếu người chơi không sở hữu một trình độ điều khiển điêu luyện, cùng kiến thức sâu dày về những đối thủ của mình trong game.

Đối mặt với những con quái thú khổng lồ trong game, vung vẩy loạn xạ thanh kiếm trên tay đúng kiểu “chém nhầu” sẽ luôn có một kết cục bi thảm là GAME OVER

"Monster Hunter" định nghĩa một con đường

"Monster Hunter" định nghĩa một con đường

Thật vậy, dù anh có là một bậc thầy gạo cội trong việc cày cuốc game nhập vai đúng chất “trâu vàng”, hoặc là một chuyên gia… phá hoại bàn phím với những game hành động tốc độ cao như Devil May Cry hay Ninja Gaiden – thì cũng chẳng ích gì.

Bởi, khi đối mặt với những con quái thú khổng lồ trong game, vung vẩy loạn xạ thanh kiếm trên tay đúng kiểu “chém nhầu” sẽ luôn có một kết cục bi thảm là “GAME OVER” cho những tay chơi game quá ngạo mạn tự cho mình giỏi.

Monster Hunter – Không dành cho “gà”

"Monster Hunter" định nghĩa một con đường

Người chơi sẽ phải nhanh chóng nhận ra rằng dù trong thế giới game, mình vẫn chỉ là một tên phàm nhân đáng thương mà thôi
Game cung cấp cho người chơi một lượng lớn các loại vũ khí (hiện tại là 14 loại) với hình thù, chức năng và phong cách đánh hoàn toàn khác nhau.

Nếu đa số các game hành động “chặt chém” cũng có tùy chọn đa dạng vũ khí, thì phần lớn chúng đều chỉ khác biệt về tầm đánh, ngoại hình, sát thương và chút ít về lối đánh mà thôi.

Monster Hunter thì không như thế – mỗi thứ vũ khí trong game đại diện cho một lối tư duy riêng, một tinh thần riêng, và không hề dễ để thuần thục nếu không bỏ ra kha khá thời gian chuyên tâm tập luyện.Trước tiên phải dành vài dòng để định nghĩa về “gà”, và phân biệt rõ ràng 2 khái niệm “newbie” và “noob”. “Newbie” là những người mới chập chững làm quen với game, vì vậy chuyện họ chơi dở là lẽ đương nhiên.

Vấn đề là, “newbie” hoàn toàn có thể tích lũy kinh nghiệm từ những thất bại, để rồi nâng cao trình độ dần lên đến khi thành “pro” – trong khi các “noob” lại thích ảo tưởng sức mạnh và rất giỏi đổ thừa 1001 lý do “tại bị thì là mà do bởi nên” về cái sự chơi game… dở ẹc của mình và mãi dậm chân tại chỗ.

Trở lại với Monster Hunter, thì dù là “newbie” hay “noob” đều phải chững lại một thời gian trước khung cửa hẹp của game. Một phần lớn lý do chính là vì cơ chế điều khiển của Monster Hunter khá là… khó chịu, đặc biệt với những “anh tài” đã quen cái lối bay nhảy bật tường như không có trọng lực của Devil May Cry.

Cơ chế vật lý của game được mô phỏng quá thật, đến nỗi người chơi sẽ phải nhanh chóng nhận ra rằng dù trong thế giới game, mình vẫn chỉ là một tên “phàm nhân” đáng thương mà thôi.

"Monster Hunter" định nghĩa một con đường

"Monster Hunter" định nghĩa một con đường

Nếu một thanh đại đao (Greatsword) trầm trọng sẽ khiến người chơi đi “rề rề” hoặc “quơ quào” một cách khó nhọc mỗi khi “combo”, thì sức mạnh của nó lại đến từ những cú “gồng” năng lượng chuẩn xác, gây sát thương kinh hoàng với chỉ một phát đánh đúng chỗ.

Những ai đam mê game hành động thuần túy có lẽ sẽ dễ tiếp cận với 2 loại vũ khí là song kiếm (Dual Blades) hoặc trường kiếm (Longsword) hơn, vì lối đánh tốc độ cao và khả năng combo “lạng lách” liên hoàn của chúng.Nhưng khi quyết định chọn con đường xạ thủ, thì dù là dùng cung (Bow) hay súng (Bowgun), người chơi đều phải tập luyện khả năng nhắm bắn và di chuyển, bởi giáp xạ thủ chỉ bằng một nửa so với kiếm thủ – và ở cấp độ cao nhất: G-Rank, thì việc trúng đòn của một con quái đang phát điên gần như đồng nghĩa với “nhất kích tất sát”.Những cơ chế khác của game cũng không hề khiến “tân thủ” cảm thấy dễ chịu hơn chút nào, ví dụ như thanh thể lực sẽ cạn dần mỗi khi chạy nhanh và né tránh, hoặc độ bền của vũ khí sẽ bị mài mòn làm giảm sát thương và độ bén, hoặc những động tác mài dao, uống máu, rút vũ khí chậm rề rề…

Như vậy, thử hỏi làm sao mà giới game thủ “casual”, vốn quen chơi game nhẹ nhàng giải trí có thể chịu nổi “nhiệt” của cái thứ game quá “hardcore” như vậy?

Monster Hunter – Một “kẻ gây nghiện” khó ưa
Thế nhưng, một khi những tay game thủ “gan lỳ” gom hết can đảm để vượt qua được những trở ngại khó khăn ấy, thì thế giới huyền bí của Monster Hunter không ngại gì mà mở rộng vòng tay đón chào những “thợ săn” thiện chiến vào thế giới của game.

Ai có thể quên được cảm giác vừa run sợ vừa hưng phấn khi lần đầu giáp mặt với những con quái thú đồ sộ, hung tợn như Lagiacrus, Rathian, hoặc Plesioth?

Cảm giác hả hê sau khi hạ gục một con Great Jaggi nhãi nhép, để rồi chợt lạnh sống lưng khi “hung thần mặt thẹo” Deviljho bỗng đâu xuất hiện bất thần, đủ để khiến bất kỳ game thủ nào cũng phải ấn tượng cả đời.

Lại còn cảm giác vinh quang tự hào khi lần đầu tiên dùng cây búa (Hammer) nặng chình chịch đánh “Knock Out” được một con Brachydios, khiến bạn bè xung quanh phải ồ lên khen ngợi nữa!

Ai có thể quên được cảm giác vừa run sợ vừa hưng phấn khi lần đầu giáp mặt với những con quái thú đồ sộ?

"Monster Hunter" định nghĩa một con đường

Monster Hunter cũng thỏa mãn cái thú vui “cày đồ” của dân ghiền game nhập vai, nhưng những gì nó mang lại còn hơn thế nữa – khi các món đồ trong game không phải cứ cày nhiều là rớt theo thuật toán tỉ lệ đâu!

Bất kỳ một món vũ khí hay giáp trụ trong game, đều được chế tạo từ những nguyên liệu lấy từ những con quái vật săn được.

"Monster Hunter" định nghĩa một con đường

Một phần không nhỏ trong đó là các loại nguyên liệu đặc thù, phải có điều kiện khó khăn mới “vào tay”, thí dụ như phải cắt đuôi quái mới có “Tail”, phải đập vỡ sừng mới có “Horn”,… chẳng hạn. Một số món cực hiếm như “Gem”, “Mantle”, “Pallium” chỉ vẻn vẹn xuất hiện với tỉ lệ 1 – 2% cho một nhiệm vụ khó “trời ơi” kéo dài hơn 20 phút, đã vậy lại còn bị cơ chế “Desire Sensor” của game làm khó nữa chứ.

(Monster Hunter có cơ chế chạy ngầm là game tự giảm tỉ lệ xuất hiện của các nguyên liệu hiếm mà người chơi còn thiếu khi cần làm đồ – hay ít ra là cách mà người chơi tự an ủi nhau mỗi khi ức chế).Thế nhưng những khó khăn nhọc nhằn của những trận khổ chiến đầy mồ hôi (tay) và nước mắt (vì mừng) của các thợ săn sẽ được “đền bù” xứng đáng, khi từ những món nguyên liệu hiếm phải lấy “mạng” đổi về, các thợ săn sẽ có thể diện trên tay những bộ đồ được thiết kế tuyệt đẹp và những món vũ khí thoạt nhìn đã thấy “bá đạo” rồi.

Phải nói là Capcom rất ưu ái cho phần thiết kế phục trang và vũ khí cho game, vì những hình tượng này mô phỏng y chang từ chính những con quái đã “góp công” làm nên những vật phẩm này, và được thiết kế rất có phong cách.

"Monster Hunter" định nghĩa một con đường

Một khi người chơi đã đủ thuần thục với game, luôn luôn còn những bất ngờ phía trước để chờ các thợ săn khám phá. Chẳng hạn như một nhiệm vụ “tử đấu” với 2 con quái thú cùng 1 lúc trong đấu trường chật hẹp không chỗ trốn, hoặc ngỡ ngàng nhận ra kỷ lục 12 phút của mình lại có thể bị phá vỡ dễ dàng bởi một thứ vũ khí khác.

Chính những điều kỳ thú nho nhỏ này sẽ khiến những thợ săn đam mê thử thách gắn bó với mỗi phiên bản Monster Hunter đến hàng ngàn giờ chơi, điều mà khó có game nào khác làm được!

Monster Hunter – Nơi tình bằng hữu thăng hoa

"Monster Hunter" định nghĩa một con đường

Trừ những thợ săn “tự kỷ” thích “tự sướng” một mình bên chiếc máy, có lẽ ai chơi Monster Hunter cũng đều yêu thích mảng chơi mạng của game vì nhiều lý do.

Có lẽ để giới hạn độ cân bằng của game, Capcom chỉ cho phép tối đa 4 thợ săn cùng hợp tác chung một nhiệm vụ.

Và tuy là lấy số đông “đàn áp”, nhưng không phải lúc nào các nhiệm vụ cũng kết thúc vinh quang, do lắm lúc các thợ săn “dễ mến” này vì nhiều nguyên nhân mà “bóp” lẫn nhau, dẫn đến nhiệm vụ thất bại.

Bàn về chuyện “bóp” bồ trong Monster Hunter, thì có kể đến sáng mai cũng chưa hết.Tình thân được gắn kết bởi game là vậy đó, những người toàn gọi nhau bằng “nickname” trong game, chẳng biết gì đến thân thế gia cảnh của nhau, mà vẫn có thể gặp nhau cười đùa, xưng “huynh” gọi “đệ” một cách thoải mái.Không ít lần người chơi đang nhiệt tình “múa tít” cặp song kiếm vô cùng tuyệt chiêu, thì bỗng được đi máy bay miễn phí do một anh bạn tốt tính vừa hất cây búa “có duyên” của mình “lộn địa chỉ”.

Hoặc, khi cả nhóm đang bu vào đặt bom để kết liễu một con quái, chưa kịp chạy ra bom đã nổ tan xác cả bọn chỉ vì một cô nàng xạ thủ “em lỡ tay” bắn nhầm vào bom. Thậm chí, những màn ném bom mù (Flash Bomb) “trật chìa” khiến đồng đội lóa mắt còn con quái cần ném thì vẫn “vô tư” làm thịt cả bọn, kiểu gì mà không “hội đồng” con “gà” phá thối kia?

Không phải lúc nào các nhiệm vụ cũng kết thúc vinh quang

"Monster Hunter" định nghĩa một con đường

Vui nhất là những khi hoàn thành nhiệm vụ, kiểu gì cũng có người chơi cằn nhằn cử nhử rằng tại sao công mình đóng góp trong màn là cao nhất mà phần thưởng “bèo” thế, trong khi tên “gà mờ” toàn “nhặt lá đá ống bơ” lại được cho nào Gem nào Mantle. Ôi dào, “game nó vậy”, hoặc ác miệng hơn, “do ăn ở đó mà”.

Bản thân người viết từng một thời “ghét cay ghét đắng” khi chơi game qua mạng cùng người chơi khác, mà chỉ muốn yên tĩnh thưởng thức game một mình. Tiếc thay quan niệm đó đã bị đảo lộn hoàn toàn khi “trót dại” dính vào Monster Hunter, để rồi gần như tuần nào cũng phải… 2,3 bận đi “offline” cùng các chiến hữu.

Monster Hunter – Một tượng đài bất diệt
Tự mình đi một con đường riêng, và gặt hái vô số thành công đến nỗi tự thân Monster Hunter có thể định nghĩa cho cả một thể loại game mới: game “săn quái vật”.

Thật vậy, vì chơi Monster Hunter ta phải trở thành một “thợ săn” đúng nghĩa, biết tận dụng mọi thứ mà game cung cấp như các loại bom, cạm bẫy, lá thuốc… và pho kinh nghiệm học tập về tập tính và đòn thế của bọn quái vật – chứ không phải đơn thuần là mặc bộ giáp “khủng”, cầm thanh kiếm “VIP”, rồi nhảy vào sấn sổ chém loạn như bao game khác.Mỗi một con quái thú trong game, đều là kết tinh về tài hoa và trí tuệ của các chuyên viên thiết kế, vì không chỉ đơn thuần là những mô hình vô tri vô giác, mà bản thân game đã thổi hồn vào chúng, khiến mỗi một vị “linh thần” hung tợn này đều sở hữu một tính cách riêng, một cái “tôi” riêng.

Dù qua bao phiên bản, khi tái ngộ những người bạn cũ như sói điện Zinogre hay ác quỷ sa mạc Diablos, thì người chơi vẫn có cảm giác thân thuộc như bạn cố tri đã quen từ lâu lắm vậy.

"Monster Hunter" định nghĩa một con đường

Học tập Monster Hunter, không ít game cũng chọn con đường này, nhưng đáng tiếc vẫn chưa có ai xứng tầm làm “người thừa kế” cả.

Những cái tên như God Eaters, Toukiden, Freedom Wars… khi được xướng lên đã từng khiến biết bao người chơi kỳ vọng – để rồi… thất vọng khi tất cả chỉ là cái bóng mờ nhạt của Monster Hunter, hoặc thậm chí chỉ muốn “vay mượn” của Monster Hunter những ý tưởng để phát triển thành một thể loại game “nửa nạc nửa mỡ”.

Không ít game cũng chọn con đường này, nhưng đáng tiếc vẫn chưa có ai xứng tầm làm “người thừa kế” cả

"Monster Hunter" định nghĩa một con đường

Trong tương lai liệu Monster Hunter có gì đổi thay, hoặc giả có một game nào đó có thể kế thừa những tinh hoa và tinh thần mà game truyền lại, thì vẫn còn là chuyện… chưa biết.

Thế nhưng những thợ săn yêu Monster Hunter có ngại gì mà không nuôi nấng một hy vọng cho ngày trở về?

Tác giả

Thảo luận