Monster Hunter Stories 2 – Kể từ khi mới ra mắt, Monster Hunter đã có tố chất để trở thành huyền thoại.
Và thời gian lại càng chứng minh được lựa chọn đầu tư vào dòng game “bỏ đoạn giữa vào thẳng phòng boss” của Capcom là đúng khi Monster Hunter đã vượt ngưỡng 73 triệu bản đã được bán ra trên toàn thế giới.
Thế nhưng, tuy đạt được nhiều thành tựu đáng nể thì Monster Hunter vẫn bị người hâm mộ chê trách khi không có phiên bản nào có được một cốt truyện đàng hoàng.
Tuy đã cố gắng thêm rất nhiều các đoạn hội thoại, cắt cảnh và cả truyện tranh, phim điện ảnh.
Thế nhưng những cách thức “chữa cháy” vẫn chưa thỏa mãn được “cơn đói” của người chơi đang ngày càng say mê thế giới giả tưởng xuất sắc của Capcom.
Và thế là, Monster Hunter Stories ra đời như một phụ bản độc lập, có nhiệm vụ là “phổ cập cốt truyện” cho phần game chính.
Vậy, sau 5 năm kể từ phần đầu tiên ra mắt, liệu Monster Hunter Stories 2: Wings of Ruin có tiếp bước đàn anh trở thành kim chỉ nam mới cho người hâm mộ khám phá vùng đất của các thợ săn?
Chúng ta hãy cùng tìm hiểu qua bài viết sau.
BẠN SẼ THÍCH
TỰA GAME DÀNH CHO MỌI NHÀ
Tuy nổi tiếng nhưng Monster Hunter từ lâu lại chiễm chệ có một suất trong danh sách “các game không dành cho số đông” bởi độ khó đặc trưng và yêu cầu một mức kỹ năng nhất định, cho dù là chơi đơn hay chơi mạng.
Tuy nhiên, Monster Hunter Stories 2: Wings of Ruin lại là một tựa game “dễ thở” hơn nhiều khi không yêu cầu bạn phải làm được những pha Blade Dance hoàn hảo, đánh đu với thần chết với những bước nhảy của Lance hay những pha Power Coating vào thẳng điểm yếu của quái…
Không còn luôn những pha vừa “cắn” máu vừa chạy thục mạng, không còn phải nghe thằng bạn chửi rủa khi chết mạng thứ ba, với Monster Hunter Stories 2: Wings of Ruin bạn có thể bình bình mà “vừa chơi vừa ăn bánh uống trà” và thưởng thức một tựa game… chiến đấu theo lượt.
Không chỉ thay đổi lối chơi, đồ họa trong Monster Hunter Stories 2: Wings of Ruin cũng tươi sáng và dễ thương hơn rất nhiều so với bản gốc.
Kèm theo đó là phong cách cel-shading và yêu cầu cấu hình thấp cũng giúp các game thủ sở hữu những “cỗ máy khoai tây” cũng thoải mái chiến game mà vẫn giữ được phần hình ảnh “trên mức chấp nhận được”.
Và tuy không còn là một tựa game chiến đấu tiết tấu nhanh, thế nhưng Monster Hunter Stories 2: Wings of Ruin vẫn có đủ chiều sâu cần thiết trong lối chơi mới của mình.
Bỏ đi kha khá vũ khí trong phần game chính thì Monster Hunter Stories 2: Wings of Ruin lại có thêm một lô lốc kỹ năng chuyên biệt cho từng loại vũ khí, như các bùa lợi của Hunting Horn, các hiệu ứng khống chế của Bow, sức mạnh phá hủy của Hammer… đều được phân tách rõ ràng thành các nhánh kỹ năng và kỹ năng phụ.
Bạn cũng có thể thay đổi vũ khí hoặc quái vật của mình trong trận đánh để phù hợp với chiến thuật của bản thân.
Cách thức tấn công của game cũng đổi thành ba dạng chính là sức mạnh, tốc độ và kỹ thuật và chúng cũng khá tương đồng với trò “oẳn tù xì” của trẻ em khi sức mạnh sẽ chiến thắng kỹ thuật, kỹ thuật sẽ chiến thắng tốc độ và tốc độ sẽ chiến thắng sức mạnh.
Khi ra đòn thành công, bạn sẽ nhận được điểm để thi triển kỹ năng hoặc kết hợp tấn công cùng với quái vật của mình.
tuy không còn là một tựa game chiến đấu tiết tấu nhanh, thế nhưng Monster Hunter Stories 2: Wings of Ruin vẫn có đủ chiều sâu cần thiết trong lối chơi mới của mình
THƯ GIÃN VÀ THOẢI MÁI!
Khác với phần game chính, một thứ “đã quá phức tạp để có thể hướng dẫn chi tiết trong 1 giờ” thì Monster Hunter Stories 2: Wings of Ruin đã làm rất tốt công việc dìu dắt các game thủ mới tới bến bờ phiêu lưu.
Giao diện gọn gàng, hướng dẫn dễ hiểu, trọng tâm lại không bị “chỏi” với cốt truyện, có thể nói Monster Hunter Stories 2: Wings of Ruin đã tạo được hứng thú rất lớn cho người viết, một người hoàn toàn là tay mơ khi bước vào một thế giới đầy mới mẻ.
Việc bắt buộc hạ gục quái vật (nếu như không phải là nhiệm vụ cốt truyện) đã không còn cần thiết nữa. Bạn hoàn toàn tự do trong việc khám phá, chiến đấu và cả đi khai khoáng, hái lượm – những thứ mà bạn không thể cảm nhận một cách trọn vẹn khi đang vội vã tìm cách chặt đuôi con Rajang.
Và điểm nhấn trong trò “săn quái vật” là gì? Tất nhiên là nằm ở chữ “quái vật” rồi!
Nếu bọn thú viễn tưởng khổng lồ nằm bên phe địch thì thực đáng sợ, thế nhưng nếu nằm ở phe ta thì đó lại là một đồng minh đáng tin cậy biết bao.
Không chỉ là một trợ thủ đắc lực trong chiến đấu, các quái vật còn có các kỹ năng riêng như Velocridrome là nhảy xa, Zamtrios là bơi, Congalala là leo cây…
Bạn có thể sở hữu quái vật mới bằng cách… trộm trứng quái vật trong tổ của chúng, thường là tại các ngôi đền hoặc hầm ngục.
Sau khi trộm trứng thành công, bạn có thể ấp trứng nở. Các quái vật mới sinh sẽ có các kỹ năng khác nhau và bộ ADN khác nhau và có thể tùy biến được, từ đó để tạo nên quái vật cực mạnh hoặc những kiểu quái lai chả giống ai, tùy thuộc vào độ sáng tạo của bạn.
Tuy là phải cày cấp từ đầu với các quái vật mới, thế nhưng điều đó cũng không quá tốn thời gian của bạn đâu. Việc một sinh linh bé bỏng từ quả trứng nở ra vài giây trước thành “cơn ác mộng” cho kẻ thù chỉ vài phút sau là chuyện bình thường.
Và điểm nhấn trong trò “săn quái vật” là gì? Tất nhiên là nằm ở chữ “quái vật” rồi!
Sau khi đánh bại quái vật đối thủ (hơi buồn vì game đã cắt mất phần “xẻ thịt” đặc trưng, có lẽ là để phù hợp với đối tượng trẻ em) thì bạn sẽ nhận được các bộ phận của quái để tiến hành nâng cấp và chế tạo trang bị, vũ khí.
Việc bỏ luôn phần kết hợp các món đồ lẻ mà chỉ bán đồ theo bộ cũng giúp người chơi mới đỡ “hoa mắt chóng mặt” khi các tính năng của một bộ đồ nay đã được rút gọn tối đa các dòng trạng thái thành những câu dễ hiểu, chứ không phải là một đống bùi nhùi đủ các thể loại các hiệu ứng, bùa lợi, tăng giảm, phòng thủ, tấn công…
THU HÚT ÁNH NHÌN!
Nếu như bạn vẫn còn đang luyến tiếc việc cưỡi bọn quái vật đi hành tẩu giang hồ như Monster Hunter Rise thì với Monster Hunter Stories 2: Wings of Ruin, bạn có thể cưỡi lên những gã khổng lồ bất cứ khi nào bạn muốn, nhưng bởi vì sao?
Bởi vì từ giờ bạn đã không còn là “thợ săn” (hunter) nữa mà là một “thao thú sư” thuộc bộ lạc có truyền thống lâu đời… kết bạn với quái vật.
Với thân phận là một thao thú sư, việc giải quyết các vấn đề về quái vật giờ đây không chỉ đơn giản là chạy lạch bạch tới nhà và đập vào đầu chúng nữa mà phải làm mọi thứ một cách… ít cục súc hơn.
Để biết thêm chi tiết công việc thì bạn phải tốn 50-60 giờ chơi với những người bạn đồng hành “quái đản” như chú Pelyne (Palico) biết nói, cô bé Wyverian kỳ lạ, người hướng dẫn rider nóng nảy…
Nếu bạn đã chán cảnh một tên ất ơ nào đấy từ trên trời rơi xuống và tự dưng xông vào việc nhà người ta thì với thân phận là một thao thú sư thực tập, người chơi tiếp nhận cốt truyện trong Monster Hunter Stories 2: Wings of Ruin một cách hợp lý và an toàn hơn nhiều.
Câu chuyện diễn ra rất nhiều năm sau phần game đầu tiên, các bá vương bầu trời – Rathalos bỗng chốc trở nên điên loạn và nhấn chìm tất cả trong ngọn lửa cuồng nộ. Thế nhưng, khi mà loài người đã bắt đầu cho cuộc chiến tổng lực thì những con rồng lửa lại biến mất… như một trò đùa!
Tình hình trở nên nguy cấp, kể cả các rider tập sự (trong đó có bạn) cũng được trưng dụng trong cuộc tìm kiếm dấu vết mà các Rathalos để lại.
với thân phận là một thao thú sư thực tập, người chơi tiếp nhận cốt truyện trong Monster Hunter Stories 2: Wings of Ruin một cách hợp lý và an toàn hơn nhiều.
Trên con đường đi tìm các Rathalos là đi qua những vùng đất đầy rẫy quái vật (hay còn gọi thân thương hơn là “bãi săn”) nhưng lại đẹp tới nao người.
Những đồng cỏ ngút ngàn, những rặng núi kỳ vĩ, bóng mặt trời đỏ hoe dần biến mất sau đường chân trời, những con quái vật khổng lồ và đời sống thiên nhiên của chúng, nếu đổi Monster Hunter Stories 2: Wings of Ruin thành một game giả lập chụp ảnh thì bạn sẽ hết bộ nhớ của mình lúc nào không hay đấy!
BẠN SẼ GHÉT
THIẾU THỬ THÁCH
Dù sở hữu một lối chơi có chiều sâu, quyến rũ và có cả phần chơi mạng để so kè với bạn bè thì Monster Hunter Stories 2: Wings of Ruin vẫn không đủ sức cuốn người viết đi tới tận cùng.
Đơn giản là vì độ khó của game khá là thấp, những trận đấu đầu tiên có thể vẫn còn hấp dẫn thế nhưng càng về sau thì việc “cày cuốc” càng trở nên vô nghĩa khi người chơi đã trở nên quá mạnh.
Hệ thống khắc chế “kéo búa bao” cũng dần mất đi tác dụng khi người chơi “bắt bài” được cách tấn công của quái vật đối phương và tất nhiên, chiến thắng cũng trở nên dễ dàng như chẻ tre!
Game cũng có ý khi bỏ phần hồi phục sau trận đánh để người chơi phải cân bằng việc phiêu lưu và trở về trại báo cáo kết quả như một chuyến thám hiểm thực thụ, thế nhưng hầu như việc ấy chỉ là “lý thuyết trên giấy” khi mà chỉ cần chạy hai vòng là người chơi đã hái đủ thảo dược (herb) và chế đủ thể loại bình hồi máu.
Các câu đố trong game có cũng như không, mê cung thì cũng đã được “chỉ tận nơi mời bạn xơi”, tiền thì quá dư dả mà nếu có thiếu thì chỉ cần cày một chút trong phần nhiệm vụ đặc biệt (chính là chế độ Arena trá hình) là bạn lại thành phú ông/phú bà!
Nhìn chung ngoại trừ việc ghép ADN vì đam mê và tò mò với cốt truyện thì từ những giai đoạn cuối của game, việc đi ra ngoài làng là một cực hình của việc chán nản chứ không phải niềm vui thám hiểm nữa.
Game cũng có một vài chỗ giật giật hoặc tụt khung hình (fps) khi xài hiệu ứng quá đà, nhưng nếu bạn là một người dễ dãi thì cũng không có vấn đề gì lắm.
độ khó của game khá là thấp, những trận đấu đầu tiên có thể vẫn còn hấp dẫn thế nhưng càng về sau thì việc cày cuốc càng trở nên vô nghĩa khi người chơi đã trở nên quá mạnh.