Skip to content

Runbow – Cuộc chiến sắc màu

runbow-cuoc-chien-sac-mau (2)

BÀI VIẾT SỬ DỤNG GAME ĐƯỢC 13AM GAMES HỖ TRỢGAME ĐƯỢC CHƠI TRÊN HỆ WII U[dropcap style=”style1″]D[/dropcap]ù tính theo tiêu chuẩn nào đi nữa, thì khó lòng phủ nhận việc một tựa game được đánh giá là “hay” kiểu gì cũng dính đến những “chuẩn mực” về đồ họa.Hiện tại đã là năm 2015, và những công nghệ khoa học kỹ thuật đã đạt được những tiến bộ mà con người trong quá khứ từng cho rằng chỉ “trong mơ” mới có. Vì vậy, đối với ngành công nghiệp game, thì chuyện đồ họa luôn là chuẩn mực hàng đầu để đánh giá một sản phẩm là hiển nhiên.

Không thể phủ nhận rằng, dù ở thời đại này vẫn có những hãng vẫn làm game với đồ họa dạng 8-bits cổ điển, và những sản phẩm này vẫn có sức hấp dẫn nhất định. Có thể kể ra ngay vài cái tên quen thuộc như Knights of Pen & Paper hoặc Crypt of the Necrodancer

  • Sản xuất: 13AM Games
  • Phát hành: 13AM Games
  • Thể loại: Phiêu lưuHành động
  • Ngày ra mắt: Q3 2015
  • Hệ máy: Wii U
  • Giá tham khảo: Chưa xác định
MUA GAME Ở ĐÂU?
  • Chưa có thông tin

Tuy vậy, song song đó cũng tồn tại một khuyết điểm không thể chối bỏ: đó là phần đông đối tượng game thủ ngày nay chú trọng mặt đồ họa đến nỗi trong đầu họ mặc nhiên hình thành một tư tưởng, rằng “game mà hình xấu thì chắc chắn là… dở”. Dĩ nhiên những game thủ “chân chính” chẳng đời nào có những nhận xét kiểu như thế, nhưng cũng khó mà thuyết phục người tiêu dùng chịu bỏ tiền ra mua một sản phẩm có bao bì… không đẹp.

8-bits đã vậy, thế nếu còn… xấu hơn nữa thì sao? Liệu có ai thèm ngó đến, chứ đừng nói là chơi? Câu trả lời nằm ở trong Runbow, một sản phẩm kỳ lạ sẽ ra mắt độc quyền trên hệ máy Wii U – một sản phẩm console thuộc thế hệ 8! Chỉ qua một phiên bản demo nho nhỏ, thật sự khó mà nói rằng Runbow có thể thay đổi cái định kiến “game xấu thì dở” được, nhưng Vietgame.asia cũng muốn chia sẻ với bạn đọc một vài ấn tượng thú vị về Runbow.

HÌNH ẢNH “XẤU LẠ”
runbow-cuoc-chien-sac-mau (6)Bản thân người viết vốn không phải là “tín đồ” của đồ họa hi-tech, nên cũng không kén chọn gì chuyện đồ họa đẹp xấu cho lắm – miễn game hay là được. Vậy mà lần đầu có dịp thử qua Runbow thật sự người viết xém giật cả mình, vì từ thuở cha sinh mẹ để tới nay mới thấy một game có đồ họa… xấu phi thường như vậy!

Các nhân vật toàn những hình thù “quằn quại” không tuân theo một quy tắc thiết kế hay tỉ lệ chuẩn mực nào cả – và cũng chẳng cách chi nhìn ra đó là ai, nam hay nữ, tay chân ở đâu. Quan trọng nhất là ấn tượng về sự tồn tại cũng hoàn toàn không có – ít ra thì Mario phiên bản NES cách đây 30 năm nhìn vẫn còn “bảnh trai” chán.

Cảnh nền thì ôi thôi, đơn giản một cách quá mức, chẳng hề có vẻ gì là trau chuốt hay đầu tư. Các vật thể trong màn chơi đều là những hình khối nguệch ngoạc với những màu đơn sắc “chói chang”, tưởng chừng như một em tiểu học cũng vẽ được.runbow-cuoc-chien-sac-mau (1)

Dường như bộ phối màu của game có một sức hút kỳ dị, tỏa ra một loại “ma lực” khiến người xem thích mắt, chẳng muốn rời đi
Ấy vậy mà khi kết hợp tất cả những điều “phi lý” và thấp kém nói trên lại, Runbow lại chẳng hề khiến người ta chán ghét – mà trái lại còn kích thích trí tò mò của người chơi hơn nữa. Dường như bộ phối màu của game có một sức hút kỳ dị, tỏa ra một loại “ma lực” khiến người xem thích mắt, chẳng muốn rời đi.

Và vì màu sắc đóng góp một phần lớn quan trọng trong lối chơi của Runbow, cho nên người viết trộm nghĩ nếu thể hiện game theo lối hình ảnh phức tạp, trau chuốt, 2.5 – 3D thì có khi lại phá hỏng cả ý đồ của nhà thiết kế. Còn tại sao như vậy, mời bạn đọc tìm hiểu ở phần đề cập về lối chơi bên dưới đây.

KHI SẮC MÀU LÀM CHỦ ĐẠO
Về cơ bản, có thể xem Runbow như một tựa game platformer (leo trèo, nhảy nhót) có pha trộn chút đỉnh yếu tố hành động – khi nhân vật có thể tấn công và thi triển một vài đòn thế đặc biệt.

Tuy nhiên, phần lớn các lệnh, kể cả tấn công, đều hỗ trợ cho mục đích nhảy cao và di chuyển – do đó Runbow có phần thiên về mảng platformer hơn.

Điểm đặc sắc của Runbow đó là game được chi phối bởi yếu tố màu sắc. Cụ thể là cách một khoảng thời gian nhất định, hoặc ở những vị trí đặc thù, sẽ có một đợt sóng màu “quét” qua màn hình, thay đổi màu sắc của cảnh nền.

Và vì những thành phần cấu tạo màn chơi như bậc thềm, đệm nhảy, chướng ngại vật… đều có màu trùng với một trong các đợt “quét” này – do đó điều thú vị bất ngờ sẽ luôn xảy ra trong Runbow.

Cứ mỗi khi một đợt sóng màu nào quét qua màn chơi, những vật thể cùng màu đó sẽ biến mất (hay có thể hiểu là bị sóng màu phủ trùng lên) – khiến người chơi phải nhanh tay nhanh mắt điều khiển nhân vật nhảy lên, hoặc di chuyển sang một chỗ đứng khác.

Ban đầu, những đợt sóng này còn tuần hoàn xoay vòng theo một quy luật cụ thể, nhưng càng về sau, sự xuất hiện của chúng bắt đầu chẳng hề có một trật tự nào, cũng như thời gian “dãn cách” giữa các lần quét cũng thay đổi liên tục.

Vì vậy, người chơi buộc phải ghi nhớ thật nhanh và chính xác các vị trí có thể đứng được, để kịp thời di chuyển mỗi khi sóng màu “quét” qua, kẻo nhân vật sẽ rơi xuống khoảng không bên dưới và dĩ nhiên, kết quả sẽ là GAMEOVER.runbow-cuoc-chien-sac-mau (4)

Người chơi buộc phải ghi nhớ thật nhanh và chính xác các vị trí có thể đứng được để kịp thời di chuyển mỗi khi sóng màu “quét” qua
runbow-cuoc-chien-sac-mau (5)
ĐA DẠNG CHẾ ĐỘ CHƠI
runbow-cuoc-chien-sac-mau (3)Tuy có lối chơi khá thú vị và hấp dẫn, nhưng khuyết điểm về đồ họa của Runbow vẫn là một chủ đề “chí mạng”, nếu những game thủ khó tính thích phê bình “xoáy vào”. Vì thế, Runbow sẽ cần phải có thêm một chút gì đó đặc sắc hơn để khiến mình trở nên “đáng chơi”.

Để giải quyết vấn đề này, Runbow đã tỏ ra khá khôn ngoan khi đưa vào game khá nhiều chế độ chơi khác nhau để người chơi thay đổi khẩu vị. Ở phiên bản demo ngắn ngủi này, người viết chỉ có dịp trải nghiệm qua hai chế độ chơi chính trong số 7 chế độ chơi của Runbow.

Với ‘Adventure Mode’, người chơi có nhiệm vụ đưa chàng nhân vật vượt qua các chướng ngại vật để đi đến đích và đoạt lấy chiếc cúp. Dĩ nhiên thời gian hoàn thành màn chơi càng sớm càng tốt, và số “mạng” đã mất cũng được tính vào để xét điểm thành tựu.

Hạn chế về diện tích màn chơi cộng với yếu tố màu sắc thay đổi quả thật là một thử thách to tát
Chế độ ‘Arena Mode’ sẽ đưa người chơi vào một màn khép kín với tối đa 8 đấu thủ khác, và tất cả sẽ so tài xem ai là người đánh gục nhiều kẻ địch nhất và “sống dai” nhất. Hạn chế về diện tích màn chơi cộng với yếu tố màu sắc thay đổi quả thật là một thử thách to tát.

Một vài chế độ khác tuy vẫn còn “khóa” nhưng vẫn có thể mường tượng ra như: chế độ chơi chạy đua xem ai về đích nhanh nhất, hoặc đối kháng dạng “cướp cờ”… Chừng đó cũng đủ thấy rằng Runbow sẽ “ngốn” của những ai muốn chơi kha khá thời gian.

KHI NÀO RA MẮT?
Hiện tại Runbow đã có bản demo (chơi thử) khá đầy đủ với hai chế độ Adventure và Arena trên Nintendo eShop của hệ máy Wii U. Được biết, Runbow thuộc chương trình NindieHome – một chương trình khuyến mãi của Nintendo: sẽ giảm 15% giá mua cho bất kỳ tựa game nào được chơi demo trong giai đoạn này. Ngoài ra, Runbow sẽ có khá nhiều nhân vật “khách mời” của những sản phẩm khác của Nintendo góp mặt, chẳng hạn như Shovel Knights và Guancamelee.

Runbow được ấn định ngày ra mắt vào một thời điểm nào đó trong quý 3 năm 2015 sắp tới, và chỉ phát hành độc quyền cho hệ Wii U. Tạm chưa nói đến việc game sẽ thành công hay thất bại, nhưng chí ít thì người chơi cũng được “thông não” ít nhiều rằng game xấu cũng có chỗ… đáng chơi, miễn nó hay và phong phú. Bạn đọc nghĩ sao?[su_icon_panel background=”transparent” border=”1px none #cccccc” shadow=”0px 0px 0px #eeeeee” icon=”icon: html5″ icon_color=”#1f6dc9″ icon_size=”70″ url=”http://www.13amgames.com/readytorunbow/”][/su_icon_panel][su_icon_panel background=”transparent” border=”1px none #cccccc” shadow=”0px 0px 0px #eeeeee” icon=”icon: facebook-square” icon_color=”#1f6dc9″ icon_size=”70″ url=”https://www.facebook.com/13AMGAMES”][/su_icon_panel][su_icon_panel background=”transparent” border=”1px none #cccccc” shadow=”0px 0px 0px #eeeeee” icon=”icon: twitter-square” icon_color=”#1f6dc9″ icon_size=”70″ url=”https://twitter.com/13amgames”][/su_icon_panel]

Tác giả

Thảo luận