Skip to content

Sự kiện game 2-2023: EA sa thải hơn 200 nhân viên… qua Zoom!

su-kien-game-2-2023-ea-sa-thai-hon-200-nhan-vien-qua-zoom

Sự kiện game 2-2023 – Sau khi khởi đầu bằng một làn sóng sa thải đầu năm, có vẻ những biến động vẫn chưa dịu đi hoàn toàn.

Chỉ trong một tháng, giới game đã xảy ra nhiều điều đáng để ý, từ vụ kiện nhà sản xuất phần mềm gian lận đến việc ký kết hợp đồng lâu năm.

Vì vậy, hãy cùng Vietgame.asia tìm hiểu những gì đã diễn ra trong ngành game với Top 5 sự kiện game 2-2023, bạn nhé!

1. SHINJI MIKAMI “CHIA TAY” TANGO GAMEWORKS

Trong bài đăng trên Twitter, Bethesda cho biết “cha đẻ” của dòng Resident Evil đã quyết định rời khỏi Tango Gameworks sau 12 năm cống hiến.

“Chúng tôi có thể xác nhận rằng Shinji Mikami đã quyết định rời khỏi Tango Gameworks trong những tháng sắp tới. Chúng tôi muốn cảm ơn ông với tư cách là một nhà lãnh đạo sáng suốt và một bậc thầy cho những nhân viên trẻ tuổi khi còn phát triển dòng The Evil Within, Ghostwire: Tokyo và tất nhiên là Hi-Fi Rush.

Chúng tôi chúc Mikami-san gặp nhiều may mắn trong tương lai và cũng vô cùng phấn khích để chứng kiến chặng đường phía trước đang chờ đợi các nhân tài ở Tango.”

Khi còn làm việc tại Capcom, Shinji Mikami giữ vai trò Đạo diễn cho nhiều dự án khác nhau, điển hình là: phần Resident Evil đầu tiên từ năm 1996, phiên bản làm lại của tựa game trên Gamecube vào năm 2002 cùng với Resident Evil 4.

Mikami đã thành lập Tango Gameworks vào năm 2010 và không lâu sau đó, hãng được Zenimax Media (công ty mẹ của Bethesda) mua lại.

Đến nay, Tango Gameworks đã phát triển được tổng cộng năm game: The Evil Within, The Evil Within 2, Ghostwire: Tokyo, Hero Dice (một game di động bị “đóng cửa” chỉ sau năm tháng hoạt động) và Hi-Fi Rush.

Đặc biệt, Mikami đã từng bật mí vào năm 2020 rằng ông muốn đạo diễn một game cuối cùng trước khi chính thức “rửa tay gác kiếm”.

2. MICROSOFT KÝ THỎA THUẬN VỚI NINTENDO VÀ NVIDIA

Để đảm bảo thương vụ Activision-Blizzard diễn ra trơn tru, Microsoft đã công bố ký kết thỏa thuận 10 năm với Nintendo lẫn NVIDIA.

Trong thỏa thuận với Nintendo, Microsoft sẽ “mang Call of Duty đến những người chơi Nintendo trong cùng ngày với Xbox” cũng như “đầy đủ tính năng và nội dung tương tự”.

Lần cuối những người dùng hệ máy của Nintendo có thể trải nghiệm Call of Duty là vào 10 năm trước với bản Call of Duty: Ghost. Không những thế, phiên bản trên Wii U của tựa game đồng thời cũng đã đi xuống cấp khá nhiều về mặt đồ họa với các nền tảng khác.

Đối với thỏa thuận của NVIDIA, Microsoft sẽ đem toàn bộ thư viện game Xbox PC, cũng như game của Activision-Blizzard (sau khi thương vụ “bạc tỷ” diễn ra thành công) lên dịch vụ GeForce Now.

Đặc biệt, có nhiều người lo ngại rằng việc Activision-Blizzard được mua lại sẽ có ảnh hưởng đáng kể đến tính cạnh tranh của thị trường và cho phép Microsoft nắm giữ một độc quyền lớn trong ngành game. 

Thương vụ này đồng thời cũng đã khơi mào nhiều vụ kiện chống lại Microsoft từ phía những cơ quan chức quyền tại Anh, MỹChâu Âu.

Thú vị thay, Microsoft cũng đã chuẩn bị sẵn một thỏa thuận tương tự cho Sony nhưng Jim Ryan (CEO của Sony Interactive Entertainment) cho rằng các điều khoản lại “không thỏa đáng ở nhiều mức độ”.

3. BUNGIE THẮNG 4.3 TRIỆU USD TRONG VỤ KIỆN HÃNG SẢN XUẤT PHẦN MỀM GIAN LẬN

Sau khi “tịch thu” được 2 triệu USD từ vụ kiện GatorCheats và 13.5 triệu USD từ Elite Boss Tech, Bungie lại tiếp tục giành thêm được 4.3 triệu USD tiền bồi thường từ một công ty sản xuất phần mềm gian lận khác.

Vào tháng 06/2021, Bungie đã khởi kiện AimJunkies và công ty mẹ là Phoenix Digital với lý do vi phạm bản quyền.

Sang tháng 04/2022, một tòa án liên bang đã bác bỏ một phần những khiếu nại, nêu ra lý do là Bungie chưa giải thích cụ thể vì sao sản xuất phần mềm gian lận lại đồng nghĩa với việc vi phạm bản quyền.

Bungie cho rằng James May, người phát triển phần mềm mà AimJunkies dùng để bán, đã vượt qua các biện pháp phòng ngừa của Bungie một cách trái phép để tạo ra phần mềm gian lận và vẫn tiếp tục làm thế mặc dù đã nhiều lần bị bắt tận tay và bỏ vào “danh sách đen” trong Destiny 2.

Hãng tiếp tục cho biết mặc dù James May không trực tiếp làm việc cho AimJunkies, công ty mẹ là Phoenix Digital vẫn phải chịu trách nhiệm pháp lý, bởi vì phần mềm gian lận được tạo ra từ mã của Destiny 2 bằng kỹ thuật đảo ngược (reverse-engineer).

Theo báo cáo của TorrentFreak, vị Chánh án đồng ý với quan điểm của Bungie và buộc AimJunkies phải bỏ ra tổng cộng 4,286,222 USD để bồi thường thiệt hại.

Đồng thời, quyết định này cũng đảm bảo AimJunkies phải ngừng mọi hoạt động buôn bán phần mềm gian lận trong tương lai.

4. ĐỘI PHÁT TRIỂN BEYOND GOOD AND EVIL 2 MẤT… “THỦ LĨNH”

Beyond Good and Evil 2 tiếp tục gặp phải “chướng ngại vật” trong quá trình sản xuất sau khi Guillaume Carmona, Giám đốc Điều hành (Managing Director) của Ubisoft Montpellier, rời khỏi studio.

Đặc biệt, điều này diễn ra ngay trong lúc hãng phát triển đang bị chính quyền địa phương điều tra vì có nhiều nhân viên báo cáo bị “vắt kiệt” sức lao động và phải xin nghỉ ốm.

Theo thông tin từ Kotaku, Beyond Good and Evil 2 thậm chí còn chưa đặt chân vào giai đoạn lên kế hoạch (pre-production) bởi vì Ubisoft Montpellier vẫn không có một tầm nhìn xác định cho tựa game.

Bên cạnh đó, bài báo cáo còn hé lộ rằng studio đã phải thay đổi nguồn nhân lực một cách đáng kể. Trong đó, Jean-Marc Geffroy (Đạo diễn Sáng tạo Cấp cao) cùng Benjamin Dumaz (Đạo diễn) đã rời khỏi dự án và lần lượt được thay thế bởi Emile Morel với Charles Gaudron.

Beyond Good and Evil 2 bật mí đoạn trailer đầu tiên vào năm 2008, trailer thứ hai vào năm 2009. Sau đó, cả thế giới phải tiếp tục chờ đợi đến tận năm 2017 để có một cái nhìn cụ thể hơn.

Vào năm 2020, Đạo diễn cho dự án cũng như “cha đẻ” dòng Rayman là Michel Ancel công bố ngừng làm game để tập trung thời gian vào việc bảo tồn động vật hoang dã.

5. EA SA THẢI HƠN 200 NHÂN VIÊN KIỂM ĐỊNH CHẤT LƯỢNG CHO “APEX LEGENDS”

Electronic Arts đã bất ngờ sa thải toàn bộ mảng kiểm định chất lượng (Quality Assurance) ở văn phòng Baton Rouge, Louisiana.

Dựa theo thông tin từ Kotaku, những nhân viên QA đã được mời tham dự một buổi họp thông qua Zoom vào ngày 28/02 vừa qua. Tại đây, hơn 200 nhân viên đã bị Electronic Arts cho thôi việc.

Những người bị ảnh hưởng bởi quyết định này được phép quay trở lại văn phòng để lấy đồ đạc cá nhân, với điều kiện có sự giám sát của nhân viên an ninh. Bên cạnh đó, họ cũng được bồi thường hai tháng lương nhưng số tiền này vẫn ít hơn so với số tiền mà họ nhận được nếu làm việc đến hết thời hạn của hợp đồng.

Nhiều người lo lắng rằng sự thay đổi đột ngột này sẽ có ảnh hưởng nặng đến chất lượng QA trong tương lai, phần lớn là vì thiếu đi kinh nghiệm và sự hiểu biết của đội ngũ tại Baton Rouge.

Đợt sa thải diễn ra chỉ một tháng sau khi EA công bố đóng cửa Apex Legends Mobile và hủy dự án Battlefield Mobile. Industrial Toys, hãng phát triển được EA mua lại vào năm 2018, đồng thời cũng bị “khép cửa”.

Ngoài ra, Electronic Arts cũng cho biết vai trò kiểm thử Apex Legends giờ đây sẽ được trải đều ở nhiều nơi khác.

“Là một phần trong chiến lược toàn cầu của chúng tôi, chúng tôi đang mở rộng phạm vi bố trí của đội kiểm định Apex Legends và chấm dứt mọi hoạt động tại Baton Rouge, Louisiana. Nhóm toàn cầu của chúng tôi, gồm những thành viên hoạt động từ xa ở khắp Hoa Kỳ, sẽ cho phép chúng tôi tăng lượng thời gian dành ra mỗi tuần để kiểm tra và tối ưu hóa tựa game, điều này đồng thời cũng phản ánh cam kết muốn tìm hiểu và phục vụ cộng đồng tốt hơn của chúng tôi.”


Vậy là chúng ta đã điểm qua năm sự kiện game 2-2023 nổi nhất trong ngành game của tháng vừa rồi.

Liệu Vietgame.asia đã bỏ qua sự kiện game 2-2023 nào?

Nếu có thì hãy đóng góp ý kiến của bạn ở phần bình luận bên dưới nhé!