Skip to content

Tales of Zestiria – Đánh Giá Game

Tales of Zestiria

Tales of Zestiria – Khi nhắc đến thể loại game nhập vai Nhật Bản (JRPG), hẳn nhiên Final Fantasy luôn là thương hiệu được người hâm mộ nhắc đến đầu tiên với “tuổi đời” lên đến 28, cùng với rất nhiều thành công vang dội trong quá khứ.

Trong khi đó, nếu phải chọn ra thương hiệu JRPG nổi tiếng thứ hai, thì Tales of chắc chắn là một ứng viên sáng giá, nếu không muốn nói xứng đáng ở vị trí này.

Năm 2015 là thời điểm mà thương hiệu Tales of kỷ niệm 20 năm được xuất hiện trong làng game.

Kể từ phiên bản đầu tiên mang tên Tales of Phantasia ra mắt cho đến nay, dòng game này đã thu hút đông đảo người hâm mộ nhờ vào hệ thống chiến đấu cuốn hút, dàn nhân vật cá tính, và đặc biệt là phong cách thiết kế cùng những đoạn cắt cảnh đậm chất anime (hoạt hình Nhật).

Dù trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm, nhưng tính đến nay, dòng Tales of đã sở hữu cho mình 15 bản game chính, bên cạnh nhiều phụ bản và các sản phẩm ăn theo khác.

Chính vì thời điểm đặc biệt này, mà Tales of Zestiria – phiên bản kỷ niệm 20 năm của dòng game Tales of – đã mang đến nhiều bất ngờ thú vị ngay trước khi phát hành.

Không chỉ là tựa game Tales of đầu tiên có bản tiếng Anh nhanh nhất (chỉ sau bản tiếng Nhật 10 tháng), hay là phần đầu tiên hỗ trợ lồng tiếng song ngữ Nhật-Anh (Tales of Symphonia trên PS3 cũng hỗ trợ nhưng nó chỉ là tái phát hành), mà Tales of Zestiria còn đánh một dấu mốc đặc biệt – lần đầu tiên Tales of xuất hiện trên PC.

Vậy Tales of Zestiria sẽ đem đến những điểm gì đáng nhớ với người chơi?

Hãy cùng Vietgame.asia khám phá ngay sau đây.

BẠN SẼ THÍCH

Hành động đặc sắc đan xen cốt truyện ly kỳ

Sau 14 phiên bản chính thống và hàng loạt phụ bản khác, có thể nói những người phát triển của dòng game Tales ofBandai Namco Studios đã hoàn toàn định hình được những yếu tố quan trọng để thu hút người hâm mộ.

Vì thế, phiên bản thứ 15 và cũng là bản kỷ niệm 20 năm của dòng game – Tales of Zestiria đã kế thừa những tinh hoa từ những game tiền nhiệm, cải tiến một vài yếu tố và khắc phục một số nhược điểm để đem lại một tựa game nhập vai phù hợp nhất với nhiều đối tượng.

Những người từng chơi những bản Tales of gần đây sẽ không gặp nhiều khó khăn khi trải nghiệm Tales of Zestiria, trong khi đó, những người mới làm quen với dòng game này cũng có thể dễ dàng thưởng thức với nhiều yếu tố “hiện đại” thay vì bắt đầu từ những bản Tales of cổ điển, vốn dài dòng và phức tạp như bất kỳ JRPG thập niên 90 nào khác.

Vì lẽ đó, cốt truyện trong Tales of Zestiria cũng rất “an toàn” khi kể về một hành trình cứu thế quen thuộc.

Dựa theo câu truyện dân gian “Tiên nữ bên hồ” (Lady of the Lake) kể về việc vua Arthur nhận thanh kiếm huyền thoại Excalibur, người chơi sẽ dõi theo bước chân của chàng trai trẻ Sorey, người có khả năng nhìn thấy những nhân dạng mà mắt thường không thể nhìn thấy.

Định mệnh đã đưa anh trở thành Shepherd, một anh hùng trong truyền thuyết, người sẽ khám phá các bí ẩn, tiêu diệt những thế lực hắc ám để bảo vệ thế giới.

Tất nhiên, đi cùng một cốt truyện như thế là một dàn nhân vật “trai xinh gái đẹp” có phong cách thiết kế anime quen thuộc.

Mỗi nhân vật chính lại có một tính cách đặc trưng và được xây dựng dựa theo thị hiếu của người chơi JRPG, và về phần này, có thể xem Tales of Zestiria vẫn tiếp tục giữ được truyền thống của dòng game.

Trong khi đó, thế giới và cách thiết kế màn chơi ở Tales of Zestiria đem một không khí khác lạ khi so với những phần trước.

Dù không đến mức độ của một tựa game thế giới mở (open world), nhưng phần lớn các khu vực mở trong game đều rất rộng lớn, và đem đến nhiều phần thưởng thú vị dành cho việc khám phí như các đoạn đối thoại hay vật phẩm đặc biệt.

Những người từng chơi những bản Tales of gần đây sẽ không gặp nhiều khó khăn khi trải nghiệm Tales of Zestiria

Ngoài ra, game còn có nhiều khu vực hầm ngục không bắt buộc nhưng tại đó, người chơi sẽ kiếm được những kho báu giá trị, hay những con trùm ẩn mạnh mẽ để thử thách bản thân.

Bên cạnh đó, Tales of Zestiria còn đem đến nhiều yếu tố “hiện đại” nhằm phù hợp với thị hiếu game thủ hiện nay.

Chẳng hạn, trong hệ thống trang bị, người chơi có thể tùy biến hay “ép đồ” để vật phẩm trở nên tốt hơn.

Hay trong các đoạn hội thoại hoặc cắt cảnh dài dòng, người chơi có thể bỏ qua (skip) từng câu nói để không bị chúng “ru ngủ”.

Phần âm cũng là một điểm đáng nhắc đến, khi game có cả hai phần lồng tiếng Anh và Nhật để phù hợp nhu cầu của người hâm mộ.

Sự trở lại của Go Shiina (nhà soạn nhạc trong God Eater) kể từ phiên bản Tales of Legendia cũng giúp cho âm nhạc trong game trở nên đặc biệt và thu hút hơn nếu người chơi đã quá ngán các bản nhạc của Motoi Sakuraba (nhạc sĩ chính của mọi bản Tales of, kể cả Tales of Zestiria).


Hệ thống chiến đấu đặc sắc

Là một phiên bản đánh một dấu mốc quan trọng đối với dòng game, tất nhiên Tales of Zestiria không chỉ đơn giản giữ vững những điểm mạnh quen thuộc kể trên, mà nhà phát triển còn mạnh tay cải tiến nhiều thứ, trong đó nổi bật nhất chính là hệ thống chiến đấu trong game.

Nói không ngoa, hệ thống chiến đấu trong Tales of Zestiria có thể được xem là hoàn hảo nhất trong lịch sử dòng game Tales of, khi vừa giữ được “tinh thần” của cơ chế Linear Motion Battle quen thuộc, vừa pha trộn thêm nhiều yếu tố đặc biệc để trận đánh cuốn hút hơn hẳn.

Về cơ bản, người chơi vẫn sẽ điều khiển một nhân vật chủ chốt để tham gia vào trận đánh, với hai thanh thông số quen thuộc là máu và SP.

Thế nhưng không giống với bất kỳ tựa Tales of nào khác, thanh SP trong Tales of Zestiria cố định ở mức 100 cho từng nhân vật, hao tổn khi nhân vật tấn công và hồi lại khi thực hiện các pha phòng thủ, tránh né hoặc đứng yên.

Chính vì thế, người chơi luôn phải liên tục chủ động trong trận đánh để sử dụng SP một cách hiệu quả nhất.

Nói đơn giản, đây là sự pha trộn hài hòa giữa thanh TP trong các bản Tales of cổ điển và thanh CP trong Tales of Graces.

Tales of Zestiria không chỉ đơn giản giữ vững những điểm mạnh quen thuộc kể trên, mà nhà phát triển còn mạnh tay cải tiến nhiều thứ

Trong khi thanh SP định hình sự liền mạch, thì tính chiến thuật trong trận đánh sẽ được quyết định bởi nhiều yếu tố khác.

Đầu tiên, các chiêu thức đặc biệt (Artes) có khả năng thay đổi cục diện trận đấu, ngoài phần cơ bản còn có thêm Hidden Artes và Seraphic Artes, trong đó mỗi nhân vật sẽ có hai kiểu chiêu thức tùy thuộc vào chủng tộc người (Human) hoặc thần thánh (Seraph).

Tales of Zestiria

Đặc biệt, hai lớp nhân vật này sẽ có khả năng “nhập hồn” Armatization để kết hợp làm một, tăng sức tăng công và có được những kỹ năng mạnh mẽ hơn.

Phần lớn những kỹ năng này đều có ích trong trận đánh, chẳng hạn như tăng khả năng hồi máu cũng như có thể hồi sinh cả nhân vật khác.

Với lợi thế to lớn, tất nhiên Armatization cũng bị giới hạn số lần sử dụng khi phải phụ thuộc vào điểm BG, thứ mà chỉ được hồi lại khi thực hiện được những chiêu thức mạnh mẽ.

Vì thế, việc quản lý BG cũng rất quan trọng như SP, khi chúng đều ảnh hưởng đến chiến thuật của người chơi, và như thế, sẽ khiến trận đánh trở nên căng thẳng và cuốn hút hơn.

BẠN SẼ GHÉT

Tales of Zestiria

Những lỗi kỹ thuật

Dù làm cho các trận đánh trở nên hấp dẫn hơn, nhưng cũng chính tại đây người chơi có thể tìm ra điểm yếu lớn và dễ nhận thấy nhất của Tales of Zestiria, đó chính là hệ thống camera tệ hại.

Giờ đây không hiểu sao mà góc quay lại để ở quá gần vào phía sau của nhân vật, khiến trận đánh trở nên khó chịu trong những môi trường chật hẹp, đặc biệt là khi bị kẹt ở tường hay đằng sau các vật thể.

Tuy góc quay khi bình thường có thể được thay đổi bằng analog phải, thế nhưng khi vào trận đánh, nút này lại được gán cho một chức năng khác, càng làm tăng sự khó chịu trên.

Ngoài ra, Tales of Zestiria vẫn còn đó một số điểm yếu cố hữu vẫn chưa được cải thiện như phần kịch bản dễ đoán và thiết kế diễn biến chưa hợp lý khi khúc mở đầu dài dòng nhưng đến kết thúc lại quá nhanh, cùng với một cái kết chưa thật sự thỏa mãn người chơi vì còn nhiều bí ẩn chưa giải đáp.

Tiếp đến là một nền đồ họa chưa thật sự xứng tầm “next-gen” trên PC và PS4, thế giới tuy lớn nhưng nhìn chung mức độ chi tiết các vật thể vẫn rất đơn giản và lặp lại.

Nhưng có lẽ vì thế mà cấu hình để chạy tốt Tales of Zestiria trên PC không quá cao khi card đồ họa của bạn chỉ cần trên mức tối thiểu một chút.

Cuối cùng, người chơi tất nhiên phải sắm cho mình một chiếc tay cầm, bởi bộ đôi bàn phím-chuột chưa bao giờ thể hiện tốt cho bất kỳ tựa JRPG nào.

không hiểu sao mà góc quay lại để ở quá gần vào phía sau của nhân vật, khiến trận đánh trở nên khó chịu trong những môi trường chật hẹp


THÔNG TIN

CẤU HÌNH TỐI THIỂU

  • OS: N/A         
  • CPU: N/A
  • RAM: N/A
  • VGA: N/A
  • HDD: N/A

CẤU HÌNH THỬ NGHIỆM

  • OS: N/A         
  • CPU: N/A
  • RAM: N/A
  • VGA: N/A
  • HDD: N/A

GAME ĐƯỢC HỖ TRỢ BỞI BANDAI NAMCO ENTERTAINMENT – CHƠI TRÊN HỆ PS4

Bạc 8.0

Tales of Zestiria đã thể hiện bản thân đúng như một phiên bản kỷ niệm 20 năm của dòng game Tale of.
Những người hâm mộ kỳ cựu có thể cảm thấy thích thú khi được trải nghiệm một phiên bản mới của dòng game mà ở đó, những yếu tố thu hút người chơi vẫn được giữ lại dù không có thay đổi nào quá nổi bật.
Còn đối với người chơi mới, đây sẽ là phiên bản thích hợp nhất để họ làm quen trước khi thử qua các phần khác, đặc biệt là đối với những ai chỉ có PC, nền tảng vốn rất kham hiếm các tựa JRPG đỉnh cao.

Tác giả

S.T

I will ring a bell until you feel me by your side - <br /> Skype/FB: sonixgvn