Skip to content

The Dark Eye: Memoria – Đánh Giá Game

The Dark Eye: Memoria

The Dark Eye: Memoria  Lục địa Aventuria từ lâu đã được coi là “đất mẹ” của một trong những game nhập vai phổ biến nhất thế giới, có nguồn gốc từ nước Đức: Realms of Arkania hay còn biết đến ở hiện tại với cái tên The Dark Eye.

Xuất thân từ dạng game nhập vai chơi trên giấy và bút (pen-and-paper RPG), danh tiếng của nó còn vượt qua cả một tên tuổi huyền thoại khác là “Dungeons and Dragons”.

Thế nhưng với Daedalic Entertainment, một studio độc lập chuyên về thể loại game phiêu lưu, thì The Dark Eye còn là một “mảnh đất màu mỡ” để phát triển một tựa game phiêu lưu có cốt truyện hấp dẫn.

The Dark Eye: Memoria chính là sản phẩm dựa trên ý tưởng đó.

BẠN SẼ THÍCH

The Dark Eye: Memoria

Câu chuyện hùng ca bi tráng bị “thất truyền”

Mặc dù mang một cái tên tưởng chừng không liên quan, nhưng The Dark Eye: Memoria lại là phần tiếp theo của The Dark Eye: Chains of Satinav, một tựa game phiêu lưu nổi tiếng khác được Daedalic thực hiện vào năm 2012.

Trái ngược với The Dark Eye: Chains of Satinav, cốt truyện trong The Dark Eye: Memoria là sự tổng hợp giữa hai câu chuyện cách nhau đến… 500 năm với hai nhân vật chính khác nhau.

Câu chuyện đầu tiên cho ta dõi theo bước chân của Geron ngay sau kết thúc của The Dark Eye: Chains of Satinav, khi mà bạn gái của anh là nàng tiên Nuri, giờ đã mang hình dáng của một con quạ và đang đánh mất dần bản chất con người của mình.

Geron trên con đường tìm kiếm phương pháp cứu Nuri đã tình cờ biết đến Fahi, một người du mục Tulamide, với phép thuật bí ẩn có khả năng biến Nuri trở lại thành người.

Thế nhưng muốn Fahi thực hiện điều đó, Geron phải giải đáp một câu đố từ những giấc mơ có liên quan đến sự mất tích bí ẩn của công chúa Sadja, một người tồn tại từ rất lâu trước thời đại của Geron.

The Dark Eye: Memoria

Daedalic đã tận dụng tối đa ưu thế của mình khi cốt truyện chính là phần hay nhất mà The Dark Eye: Memoria mang lại cho người chơi

Và đó chính điểm bắt đầu của một câu chuyện bi tráng đầy màu sắc khác trong The Dark Eye: Memoria.

Công chúa Sadja – trong đoạn trailer được Daedalic tung ra trước game – được mô tả là một nàng công chúa “bị các thánh thần bỏ rơi và bị quên lãng bởi định mệnh”. Tự cho rằng mình sẽ có một định mệnh quan trọng và sẽ có một câu chuyện được nhắc mãi về sau, nhưng đến thời mà Geron sống không còn ai biết về Sadja.

Vì một lý do bí ẩn nào đó mà câu chuyện này đã bị thất truyền và kết thúc của nó vẫn là một dấu hỏi, cho đến khi Geron trải nghiệm những giấc mơ đầu tiên về cuộc phiêu lưu này…

Daedalic đã tận dụng tối đa ưu thể của mình khi cốt truyện chính là phần hay nhất mà The Dark Eye: Memoria mang lại cho người chơi, giúp cho họ có thể thỏa mãn sự tưởng tượng của mình về những câu chuyện thần tiên hấp dẫn.

Bạn sẽ được thấy các phù thủy, tượng đá golem, các loài quái vật, linh hồn và các tạo vật thần thoại khác, cũng như sẽ được hiểu sâu hơn về bản chất của Satinav, vị thần canh giữ thời gian tại xứ sở Aventuria.


Hệ thống câu đố hợp lý và thu hút

Nếu bạn là người đã từng chơi qua The Dark Eye: Chains of Satinav, hẳn nhiên bạn sẽ thấy lối chơi mà The Dark Eye: Memoria mang lại rất quen thuộc.

Hầu hết những tính năng như thùng đồ hay các đoạn lựa chọn đều không có nhiều thay đổi, vì Daedalic muốn giữ nguyên những điểm nổi bật đã từng có trong The Dark Eye: Chains of Satinav.

Đối với một xứ sở thần thoại như Aventuria, thì việc phép thuật đóng vai trò quan trọng trong lối chơi cũng là điều dễ hiểu. So với The Dark Eye: Chains of Satinav, phép thuật giờ đây đóng một vai trò lớn hơn trong việc giải những câu đố với những loại phép mới như hóa đá hay truyền ý nghĩ đến một người.

Tất nhiên, nhà phát triển không thể trông cậy vào Geron, vốn chỉ biết mỗi phép phá hủy/hồi phục đã có từ The Dark Eye: Chains of Satinav. Do đó tất cả những thứ mới mẻ trong The Dark Eye: Memoria đều được đặt vào Sadja, và vì thế phần chơi của nhân vật này chiếm khá nhiều thời gian so với phần chơi của Geron.

The Dark Eye: Memoria đã sở hữu những câu đố có độ hợp lý cao và rất chân thật chứ không phải theo kiểu “biến điều không thể thành có thể”

Với phần chơi của Sadja, Daedalic đã khéo léo xây dựng nên một thế giới đầy tính thần thoại hơn cả xứ sở Aventuria hiện tại của Geron, nơi mà ở đó còn tồn tại rất nhiều các phép thuật và những điều kỳ bí, và đó chính là điều kiện đủ để các câu đố trong The Dark Eye: Memoria thăng hoa.

Nhờ vào thế mạnh của mình qua hàng loạt những tựa game phiêu lưu khác nhau, các câu đố mà nhà phát triển đem lại cho The Dark Eye: Memoria đều được thiết kế trông khá đơn giản và không mất nhiều thời gian để giải đố.

Các câu đố “khó nhai” vẫn xuất hiện, nhưng với tần suất không dày đặc như những tựa game phiêu lưu khác. Điều này giúp người chơi có thể tập trung theo dõi một câu chuyện thần thoại hấp dẫn, dù nó khiến thời gian chơi trong The Dark Eye: Memoria trở nên ngắn đi.

Tất nhiên sẽ chẳng có ai lại có thể chơi hết một tựa game phiêu lưu chỉ vì cốt truyện, mà các câu đố chính là điểm tiên quyết để họ quyết định xem có nên “phiêu lưu” tiếp hay không.

Thật may vì The Dark Eye: Memoria đã sở hữu những câu đố có độ hợp lý cao và rất chân thật chứ không phải theo kiểu “biến điều không thể thành có thể”, dù đây là một thế giới thần thoại.

Đặc biệt ở nửa cuối game, các câu đố được xây dựng rất tốt khiến chính bản thân người viết đôi khi phải lấy giấy và bút ra để ghi chú lại những điều quan trọng mới có thể vượt qua.

Để có được điều này, phần nhiều cũng nhờ vào những lời gợi ý mà game mang lại, do chúng luôn khiến người chơi phải động não tìm lời giải đáp, chứ không làm họ đau đầu vì mập mờ hay cảm thấy quá dễ dàng vì “lộ” ra hết.


Một thế giới phép thuật và thần thoại đầy màu sắc

Nhắc đến game Daedalic từ trước đến nay, đồ họa là thứ được nhắc đến nhiều nhất. Ở mỗi cuộc “phiêu lưu” mà Daedalic mang lại cho người chơi đều là mỗi thế giới đầy màu sắc.

Nếu ví The Night of The Rabbit là một câu chuyện cổ tích kỳ thú, thì The Dark Eye: Memoria lại là một câu chuyện thần thoại đậm chất “nghìn lẻ một đêm”.

Các khung cảnh vẽ tay trong The Dark Eye: Memoria dưới bàn tay của đội ngũ nghệ sĩ tài hoa giờ đây đều mang một sắc thái huyền bí và u tối.

Điều đó được thể hiện khi người chơi đặt chân đến bên trong pháo đài Drakonia hay sa mạc Gorian.

Ngoài ra, hãng phát triển còn rút ra được điểm yếu từ The Dark Eye: Chains of Satinav, khi các nhân vật chính như Geron hay Sadja được phối tông màu để trở nên hòa quyện một cách hoàn hảo đối với các cảnh nền, chứ không còn quá nổi bật như trước.

Các khung cảnh vẽ tay trong The Dark Eye: Memoria dưới bàn tay của đội nghệ sĩ tài hoa giờ đây đều mang một sắc thái huyền bí và u tối

Vẫn giữ thế mạnh về phần hình, nhưng không vì thế mà The Dark Eye: Memoria kém về phần âm. Được thực hiện bởi Knights of Sountrack, đội ngũ đã thực hiện phần nhạc nền cho The Dark Eye: Chains of Satinav, các bản nhạc trong The Dark Eye: Memoria vẫn giữ được cái chất huyền bí sử thi mà một sản phẩm thuộc “The Dark Eye” cần phải có.

Với việc The Dark Eye: Chains of Satinav từng đoạt giải “Game phiêu lưu có phần nhạc nền hay nhất trong năm 2012” do độc giả của AdventureCorner – website chuyên về game phiêu lưu nổi tiếng tại Đức – bình chọn, người viết tin rằng The Dark Eye: Memoria sẽ lại một lần nữa đoạt được danh hiệu này sau khi năm 2013 kết thúc.

BẠN SẼ GHÉT

Vài lỗi vụn vặt trong hình-âm

Đối với một tựa game khá hoàn hảo như The Dark Eye: Memoria, thì việc tìm ra một điểm yếu dường như khá khó nhăn, nhưng vẫn cần phải bàn đến các lỗi đồ họa mà game mắc phải.

Những cử động mà nhân vật thể hiện trong game thường trông khá cứng nhắc chứ không mượt mà, đây cũng chính là một điểm yếu mà các game phiêu lưu của Daedalic hay mắc phải.

Ngoài ra, việc chuyển đổi giữa các khung cảnh không được trơn tru, làm cho người chơi đôi khi có cảm giác như đang xem các bức tranh được ráp nối với nhau, khiến cho một số khung cảnh bị vỡ hình trước khi hiện đủ.

Trong khi đó, ngoại trừ các nhân vật chính như Geron, Nuri hay Sadja có phần lồng tiếng thể hiện khá tốt, các nhân vật phụ còn lại đều chỉ ở mức gần tròn vai và không để lại bất kỳ ấn tượng nào.

Thậm chí, các nhân vật phản diện đều không thể cho ta thấy chất “phản diện” sau khi nghe giọng nói của họ.

Những cử động mà nhân vật thể hiện trong game thường trông khá cứng nhắc chứ không mượt mà, đây cũng chính là một điểm yếu mà các game phiêu lưu của Daedalic hay mắc phải

Bạc 8.5

Với mỗi sản phẩm được tung ra, Daedalic đều cho ta thấy được họ tiến bộ như thế nào qua thời gian. The Dark Eye: Memoria chính là một cuộc phiêu lưu hoàn hảo với một cốt truyện hấp dẫn được phụ họa hoàn hảo bằng hình-âm đậm chất nghệ thuật.

Các câu đố trong The Dark Eye: Memoria cũng là một điểm nổi bật khác khi không quá dễ cũng không quá khó, phù hợp với đa số người chơi dù cho bạn có yêu thích thể loại phiêu lưu hay không. Vì thế, dù cho thời gian chơi khá ngắn (chỉ khoảng 7-8 tiếng), đây vẫn là cuộc phiêu lưu mà bạn không thể bỏ qua.

Hãy chuẩn bị tinh thần để trở về xứ sở Aventuria một lần nữa, nơi mà hành trình của bạn không bao giờ là kết thúc.

Thông tin

  • The Dark Eye: Memoria
  • Nhà phát triển
    Daedalic Entertainment
  • Nhà phát hành
    Daedalic Entertainment
  • Thể loại
    Phiêu lưu, Giải đố
  • Ngày ra mắt
    30/08/2013
  • Nền tảng
    Windows

Cấu hình tối thiểu

  • Hệ điều hành
    Windows XP / Vista / 7 / 8
  • CPU
    2.5GHz
  • RAM
    2GB
  • GPU
    512MB
  • Lưu trữ
    10GB
  • Thiết bị
    N/A

Cấu hình thử nghiệm

  • Hệ điều hành
    N/A
  • CPU
    N/A
  • RAM
    N/A
  • GPU
    N/A
  • Lưu trữ
    N/A
  • Thiết bị
    N/A
Game được hỗ trợ bởi DAEDALIC ENTERTAINMENT. Chơi trên PC.

Tác giả

S.T

I will ring a bell until you feel me by your side - <br /> Skype/FB: sonixgvn

Thảo luận