The Last Oricru – “Soul-like” từ lâu đã là cụm từ khá quen thuộc khi ta đề cập đến những tựa game ARPG (nhập vai hành động) với độ khó “ngút trời” từ FromSoftware, như dòng Dark Souls, hay trò chơi nổi đình đám mới đây như Elden Ring.
Cũng nhờ vào công thức thiết kế vô cùng hoàn chỉnh của phong cách “Soul-like” mà dần ngày một nhiều nhóm phát triển xây dựng trò chơi của mình dựa theo hướng phát triển này, mới đây nhất, ta có Asterigos: Curse of the Stars hay Steelrising, cả hai đều không gặp nhiều khó khăn trong việc thu hút người chơi.
Và cũng trong thời điểm này là The Last Oricru, đến từ GoldKnights, kết hợp giữa yếu tố tương lai giả tưởng cùng thế giới thời Trung cổ, kèm hứa hẹn đem đến một mạch truyện phi tuyến tính đặc sắc, phụ thuộc hoàn toàn vào lựa chọn của người chơi.
Vậy liệu The Last Oricru có đủ sức khiến người chơi trầm trồ?
Chúng ta hãy cùng Vietgame.asia khám phá qua bài đánh giá sau đây!
BẠN SẼ THÍCH
LỐI DẪN TRUYỆN PHI TUYẾN TÍNH GIÀU TIỀM NĂNG
The Last Oricru đưa người chơi đến một thế giới Trung cổ giả tưởng, nơi loài người gần như bị tận diệt và trở thành một phần của nền văn minh cổ đại. Lúc này, nơi đây đang diễn ra cuộc chiến tranh giữa chủng Naboru (khá giống con người) và Ratkin, một chủng tộc chuột có tri giác, có thể sử dụng phép thuật, và chủng tộc này được sử dụng như nô lệ suốt nhiều thế kỷ.
Bạn trong vai số ít những con người được ban phát cho năng lực bất tử phải tìm cách trở về tàu mẹ, trong lúc vướng vào một loạt sự kiện trong cuộc chiến giữa hai chủng tộc này.
Điểm gây ấn tượng cho người viết nhất về mảng cốt truyện của The Last Oricru đó chính là việc trò chơi cho bạn chọn diễn biến mạch truyện.
Khác với những trò chơi tương tác mạch truyện như dòng The Walking Dead từ Telltale hay Detroit: Become Human, những lựa chọn then chốt của người chơi trong The Last Oricru thực sự ảnh hướng đến nhiều khía cạnh của mạch truyện, từ nhân vật cho đến cục diện của cuộc chiến về sau.
Ví dụ vào đầu trò chơi, khi nữ hoàng Hadrina yêu cầu nhân vật khai báo về một cây thương sét đang được giấu trong đền thờ. Nếu bạn chọn khai ra tất cả, bạn sẽ trở thành đồng minh của quân đội hoàng gia và họ sẽ không tấn công bạn xuyên suốt các màn chơi về sau, nhưng đổi lại thì chủng Ratkin sẽ trở thành kẻ thù của bạn và sẽ không ngừng ngại lao vào tấn công nhân vật chính.
Qua đó, game cho phép bạn có thể thoải mái thám hiểm khu vực lâu đài, nơi đang được trấn giữ bởi quân đội mà không cần sợ kẻ địch sẽ “úp sọt” bạn.
Tùy vào lựa chọn của người chơi, một số nhiệm vụ phụ về sau thậm chí còn mở ra những lối đi bí ẩn, cho phép bạn… bỏ qua cả nhiệm vụ chính.
Có thể nói,The Last Oricru sở hữu lối dẫn truyện đặc sắc, giàu nội dung, một trò chơi “choices matter” đúng nghĩa với giá trị chơi lại cao.
The Last Oricru sở hữu lối dẫn truyện rất đặc sắc, giàu nội dung, một trò chơi “choices matter” đúng nghĩa với giá trị chơi lại cao
BẠN SẼ GHÉT
THIẾT KẾ “NON TAY”
The Last Oricru sở hữu nhiều ý tưởng thú vị, thậm chí có một số được thực hiện rất tốt như phong cách dẫn truyện có chiều sâu và thiết kế môi trường giàu sức sống, mang lại cho người chơi cảm giác như đang trải nghiệm một tựa game nhập vai “chuẩn AAA” như The Witcher 3 hay Assassin’s Creed Valhalla.
Tuy vậy, cách GoldKnight thiết kế trò chơi lại lộ rõ nhiều điểm yếu khó thể chấp nhận được.
Điển hình nhất là cách nhà phát triển thiết kế màn chơi trong game.
Các màn chơi trong The Last Oricru sở hữu rất nhiều vực sâu, đặc biệt là tại những nơi có cường độ giao tranh cao.
Xuyên suốt trò chơi, bạn không chỉ lo lắng về việc tấn công/né tránh mà còn phải để mắt đến những vực sâu, bởi nếu không may trượt chân, bạn sẽ phải bắt đầu lại từ điểm trước đó và choảng nhau với tất cả những tên quái bạn vừa tiêu diệt!
Dần về sau thì tình trạng này xuất hiện quá thường xuyên, tạo ra cảm giác khá ngột ngạt, tù túng khi trải nghiệm.
Thậm chí, rất nhiều khu vực được thiết kế “vô duyên” đến mức chen ngang một vực sâu, đám cháy ngay giữa đường buộc bạn phải chú ý và thực hiện thao tác lướt về phía trước để vượt qua.
Trò chơi không hề có bản đồ, những mô tả chỉ đường của NPC cũng khá mập mờ, buộc bạn phải tốn thời gian khám phá từng ngóc ngách và học thuộc lòng những ngõ đường vừa đi.
Nếu bạn khó ghi nhớ sự việc hoặc “lười” khả năng phân tích lời thoại tốt thì việc mò địa điểm, tìm vật phẩm rõ ràng là một “cực hình” khi trải nghiệm The Last Oricru.
Cơ chế chiến đấu của trò chơi vay mượn rất nhiều yếu tố “Soul-like”, từ hệ thống nâng cấp chỉ số, hay các “bonfire” đặt giữa màn chơi.
Nhưng các yếu tố này được xử lý có thể nói là cực kỳ “non tay”, điển hình là chuỗi đòn của kẻ địch (attack pattern) lúc thì quá nhanh, khi thì quá chậm, một vài màn đấu trùm còn khóa luôn người chơi trong trạng thái choáng nếu dính đòn đầu tiên, cực kỳ khó để né tránh, nhưng cũng có một số phân đoạn dễ đến mức chỉ cần người chơi đè liên tục nút tấn công là có thể hạ đo ván kẻ địch!
Nhằm đa dạng hóa lối chiến đấu của nhân vật chính, trò chơi cũng sở hữu cho mình hệ thống trang bị, vật phẩm và hệ thống chỉ số đặc thù của phong cách “Soul-like” như “Life” để tăng máu, “Strength” nâng chỉ số tấn công của vũ khí.
Giao diện kỹ năng và vật phẩm nhìn chung được thiết kế sơ sài, nhiều chỉ số được thể hiện khá mập mờ, không có nhiều giá trị, điển hình là các thông tin liên quan đến trang bị phòng ngự như giáp, mũ…
Lượng vật phẩm người chơi nhặt ven đường khá nhiều, nhưng mô tả của chúng khá thiếu tính nhất quán, không thể hiện rõ vai trò. Bạn chỉ có thể biết được tác dụng của chúng khi ghé thăm những tên thợ rèn đặt rải rác trên màn chơi.
Nhìn chung, trò chơi đụng phải rất nhiều vấn đề bất cập khác, từ hệ thống chiến đấu, thiết kế màn chơi nửa mùa cho đến mảng lồng tiếng với lời thoại cợt nhả, trông như chỉ được đưa vào “cho có”.
Giao diện kỹ năng và vật phẩm nhìn chung được thiết kế sơ sài, nhiều chỉ số được thể hiện khá mập mờ
QUÁ NHIỀU LỖI VẶT!
The Last Oricru cùng lúc vướng phải khá nhiều lỗi vặt, dễ dàng gây khó chịu cho người chơi xuyên suốt quá trình trải nghiệm.
Dễ dàng nhận thấy nhất là các lỗi đồ họa và tối ưu kém dẫn đến việc sụt giảm tốc độ khung hình thường xuyên xảy ra tại những khu vực giàu chi tiết như thành trì, làng mạc, hoặc tệ hơn, một số phân đoạn chiến trường với nhiều hiệu ứng xảy ra đồng thời, tốc độ khung hình thường xuyên tuột hơn 50% hoặc đôi lúc có cả hiện tượng đứng hình với tốc độ khung hình chỉ vỏn vẹn từ… 1 – 5 FPS.
Chưa dừng lại ở đó, The Last Oricru còn sở hữu một loạt lỗi sẵn sàng gây khó dễ cho người chơi, một vài ví dụ điển hình mà người viết gặp phải như lỗi không nhận tay cầm, nhân vật chính tự động kích hoạt động tác chạy trong chiến đấu, hay kẻ địch không nhận sát thương phép, khiến một số món vũ khí phép tầm xa gần như vô dụng.
Điểm đáng nói là các lỗi này chỉ xảy ra trong các trường đoạn đấu trùm, khiến người chơi dễ dàng bị kẹt lại trong một số phân đoạn, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhịp độ của game.
The Last Oricru cùng lúc vướng phải khá nhiều lỗi vặt, dễ dàng gây khó chịu cho người chơi xuyên suốt quá trình trải nghiệm