Irrational Games – Hiếm có studio nào như Irrational Games, không chỉ có sức ảnh hưởng không nhỏ cho ngành game, mà còn góp phần khẳng định vị thế nghệ thuật của game giới với các tác phẩm như Thief, System Shock 2 hay BioShock.
Hãy cùng Vietgame.asia nhìn lại những thành quả mà Irrational Games đã mang lại cho cộng đồng game khắp thế giới.
1. KHAI SINH MỘT STUDIO HUYỀN THOẠI
Để BioShock trở thành một hiện tượng như ngày hôm nay, không thể không kể đến Ken Levine, người đồng sáng lập Irrational Games và cũng là “cha đẻ” cho phần đầu của BioShock, cũng như phần mới nhất BioShock Infinite.
Vốn tốt nghiệp với bằng cử nhân liên quan đến nghệ thuật, chàng trai trẻ Ken Levine đã lên đường tới California với ước mong trở thành nhà viết kịch bản cho Hollywood.
Thế nhưng “đời không luôn là mơ”.
Ken đã không tìm được công việc như mong muốn.
Để sống qua ngày, anh phải làm rất nhiều công việc khác nhau, từ tiếp thị qua điện thoại cho tới chân hỗ trợ kỹ thuật.
Ngoài lòng say mê về kịch nghệ, Ken Levine còn là một game thủ thực thụ.
Chính nhờ vậy mà vào một ngày định mệnh năm 1995, anh đã chính thức trở thành một nhà thiết kế game cho Looking Glass Studios, vốn nổi tiếng với System Shock và Ultima Underworld vào thời bấy giờ.
Tại đây, anh đã cùng với các đồng nghiệp tạo ra một trò chơi theo phong cách ẩn nấp, một tựa game được cho là huyền thoại và là “đối chọi” với Metal Gear Solid, tựa game ấy chính là: Thief: The Dark Project.
Ngay sau khi Thief được ra mắt, trò chơi đã nhận được rất nhiều đánh giá tích cực từ các trang game nổi tiếng và trở thành tựa game bán chạy nhất của Looking Glass Studios.
Với sự thành công của Thief, Ken Levine đã quyết định tiến thêm một bước, cùng với hai đồng nghiệp là Jonathan Chey và Robert Fermier thành lập nên Irrational Games vào năm 1997.
Để BioShock trở thành một hiện tượng như ngày hôm nay, không thể không kể đến Ken Levine, người đồng sáng lập Irrational Games
Dự án đầu tiên của hãng game non trẻ này lại chính là việc hợp tác với Looking Glass Studios tạo nên phần tiếp theo của System Shock và biến nó trở thành một trong những tựa game đầu tiên kết hợp giữa yếu tố bắn súng và nhập vai, mang đến cho game thủ nhiều cách chơi khác nhau.
System Shock 2 đã giành được giành được 7 danh hiệu “Game Của Năm”, cùng nhiều giải thưởng lớn nhỏ khác.
Thành công nối tiếp thành công, Irrational Games tiếp tục mở thêm một studio nữa tại Úc đồng thời bắt tay vào phát triển các tựa game mới như:
- Deep Cover, một sản phẩm hợp tác với Looking Glass Studios, với phong cách tương tự System Shock trong bối cảnh chiến tranh lạnh
- The Lost, trò chơi được cho là sự kết hợp giữa Silent Hill, The Legend of Zelda và Devil May Cry; và Freedom Force, một tựa game hành động chiến thuật với thiết kế là các siêu anh hùng trong truyện tranh.
Đáng tiếc là Deep Cover đã phải hủy bỏ cùng với việc Looking Glass Studios đệ đơn phá sản.
The Lost thì gặp phải vô số vấn đề về quá trình phát triển và chính sách với hãng phát hành, dẫn tới việc trò chơi được chuyển nhượng cho FXLabs phát hành riêng cho thị trường Ấn Độ.
Còn hai phần Freedom Force mặc dù nhận được khá nhiều đánh giá tích cực, nhưng lại có doanh thu không mấy ấn tượng.
Hai tựa game sau đó là SWAT 4 và Tribes: Vengeance cũng giành được một số thành công nhất định.
Vào năm 2005, tức một năm trước khi Turtle Rock Studios lần đầu tiên công bố trò chơi nổi tiếng: Left 4 Dead, Irrational Games ngay sau khi hoàn thành SWAT 4 đã ấp ủ cho mình một tựa game bắn súng về đề tài zombies, với lối chơi hành động nhóm theo phong cách của SWAT, mang tên: Division 9.
Đáng tiếc là ngay sau khi Take-Two Interactive (cũng là chủ sở hữu của Rockstar Games và 2K Games) mua lại studio, dự án này đành phải hủy bỏ.
2. RA ĐỜI MỘT KIỆT TÁC
Với sự ra đi đáng tiếc của Looking Glass Studios, Irrational Games giờ đây không thể chạm tay vào thương hiệu System Shock được nữa, đồng nghĩa với việc System Shock 3 chỉ còn là “chuyện dĩ vãng”.
Thay vào đó Ken Levine cùng các đồng nghiệp đã dồn toàn bộ tâm huyết của mình tạo ra một “đứa con tinh thần”, một tuyệt tác đương đại góp phần định hình bộ môn nghệ thuật thứ tám mang tên: BioShock.
Sở hữu phong cách nghệ thuật độc đáo, cốt truyện đầy bí ẩn của một thành phố chìm sâu dưới đại dương, với các nút thắt mở dần theo thời gian, cùng phong cách chơi hấp dẫn vốn đã làm nên tên tuổi của System Shock 2, BioShock đã bán được hàng triệu bản trên toàn thế giới.
Không chỉ có vậy, trò chơi còn giành được vô số giải thưởng quan trọng từ các tạp chí uy tín, từ giải thưởng “trò chơi có phong cách nghệ thuật tuyệt nhất” cho tới “Trò Chơi Của Năm”.
Trở thành tựa game có số điểm cao nhất vào thời bấy giờ và nằm trong “Top 100 tựa game hay nhất mọi thời đại” do tạp chí Time bình chọn.
Mặc dù đã giành được khá nhiều tiếng tăm từ hai tựa game là Thief và System Shock 2, nhưng chính BioShock đã thực sự đưa Ken Levine cùng Irrational Games tới đỉnh cao của ngành công nghiệp game.
Thành công vang dội của BioShock đã khiến Take-Two Interactive phải tập hợp một số studio con từ 2K Games để phát triển phần tiếp theo của trò chơi.
BioShock 2 mặc dù nhận được khá nhiều đánh giá tích cực cùng nhiều cải tiến mới lạ, trò chơi vẫn không thể nào vượt qua “cái bóng” của game tiền nhiệm.
Trong thời gian 2K Games thực hiện BioShock 2, Irrational Games đã bắt tay vào đi tìm lấy ý tưởng cho một tựa game BioShock với bối cảnh khác, cùng cốt truyện hoàn toàn mới.
chính BioShock đã thực sự đưa Ken Levine cùng Irrational Games tới đỉnh cao của ngành công nghiệp game
Dự án game này mang bí danh là “Project Icarus” và được giữ kín tiếng gần ba năm trời.
Mãi cho tới tháng 8 năm 2010, Project Icarus chính thức được đổi tên thành BioShock Infinite, cùng với đoạn trailer ngắn công bố trong buổi họp báo tại New York, BioShock Infinite đã giành được sự quan tâm đặc biệt từ giới game thủ, không chỉ bởi sự trở lại của Irrational Games sau nhiều năm vắng bóng, mà còn bởi sự xuất hiện của một bối cảnh cực kỳ độc đáo: một thành phố trên mây đầy rực rỡ, đối lập hoàn toàn với thành phố Rapture tối tăm dưới đại dương.
Vào lúc này điều mà người hâm mộ mong chờ nhất chính là ngày ra mắt của trò chơi.
Sau buổi công bố trailer đầu tiên vào năm 2010, Irrational Games khá “nhỏ giọt” trong việc cung cấp thêm thông tin mới về trò chơi.
Mãi cho tới đầu năm 2012, trò chơi mới có được một ngày ra mắt, đó chính là vào tháng mười cùng năm đó.
Người hâm mộ chưa kịp vui mừng được bao lâu thì việc hủy bỏ phần chơi mạng dời lại ngày phát hành được giáng xuống.
Dẫn đến việc phải tới cuối tháng 03/2013, BioShock Infinite mới thực sự được tới tay game thủ.
Điều đó có nghĩa Irrational Games đã phải dành tới 5 năm trời và tiêu tốn tới… 100 triệu USD cho việc phát triển (mặc dù Ken Levine phủ nhận về con số này).
Nhiều người đã lo sợ rằng việc tiêu tốn quá nhiều thời gian, cũng như dời ngày phát hành liên tục có thể khiến BioShock Infinite đi vào “vết xe đổ” của Duke Nukem Forever năm nào.
Thế nhưng vào ngày phát hành của tựa game, Irrational Games đã một lần nữa khẳng định vị thế của mình trong làng game khắp thế giới.
BioShock Infinite không chỉ giành được vô số giải thưởng quan trọng, trở thành một trong ba tựa game có số điểm trung bình cao nhất do Metacritic bình chọn (chỉ sau Grand Theft Auto V và The Last of Us), mà còn đứng đầu bảng xếp hạng doanh thu tại nhiều nước trên thế giới, bán được gần 4 triệu bản chỉ trong vòng chưa đầy 2 tháng.
Ngoài việc kế thừa những tinh hoa của game tiền nhiệm, BioShock Infinite còn vượt xa những gì tựa game BioShock đầu tiên đã làm cho thế giới game, ở cả phần đồ họa, lối chơi, cốt truyện và âm thanh.
Dẫu cho ra mắt cùng năm với trò chơi “bom tấn” Grand Theft Auto V lừng danh, chắc chắn rằng BioShock Infinite sẽ luôn nằm trong tâm trí game thủ trong nhiều năm tới.
3. SỰ SỤP ĐỔ CỦA HUYỀN THOẠI
Nói tới thành công rực rỡ của BioShock Infinite, chắc hẳn không ai ngờ rằng đấy cũng chính là tựa game cuối cùng do Irrational Games thực hiện.
Vào tháng 2/2014, Ken Levine đã đăng một lá thư trên trang chủ của hãng, cho biết về việc sẽ đóng cửa studio.
Ken Levine sẽ cùng 15 đồng nghiệp thiết lập một studio mới, tập trung vào việc phát triển các tựa game nhỏ hơn, được phát hành chủ yếu dưới dạng tải về (digital download).
Việc công bố đóng cửa Irrational Games đã làm rúng động ngành công nghiệp game, nhiều trang báo uy tín đã lập tức liên hệ Take-Two Interactive để tìm hiểu nguyên nhân nhưng không nhận được câu trả lời.
Theo như lời của Frank Lee, giám đốc Entrepreneurial Game Studio tại đại học Drexel, trong buổi phỏng vấn với Polygon, việc Irrational Games đóng cửa có phần ảnh hưởng không nhỏ bởi yếu tố tài chính.
Trong bản tổng kết tài chính năm 2013, Take-Two Interactive cho biết để đảm bảo doanh thu trong nhiều năm tới, hãng cần tập trung vào việc phát hành các tựa game “cầm chắc phần thắng” như loạt game Grand Theft Auto.
BioShock Infinite mặc dù được đánh giá rất cao trong giới game thủ, nhưng doanh thu chẳng là gì so với Grand Theft Auto hay Call of Duty, chưa kể tới việc phải tốn tới 5 năm (và gần trăm triệu USD) để hoàn thành việc phát triển trò chơi.
Mặc dù không công bố lý do thực sự, đại diện của Take-Two Interactive trong buổi phỏng vấn với Polygon cũng cho biết: “BioShock là một trong những loạt game thành công nhất mà hãng phát hành, và chúng tôi rất trân trọng những gì mà Ken Levine cùng đội ngũ của anh đã làm cho trò chơi.”
thành công rực rỡ của BioShock Infinite, chắc hẳn không ai ngờ rằng đấy cũng chính là tựa game cuối cùng do Irrational Games thực hiện
“Thế giới của BioShock vẫn còn rất nhiều thứ chưa được kể ra, việc phát triển phần tiếp theo của dòng game chắc chắn sẽ rất hứa hẹn.”
Còn theo như lời Ken Levine, thì việc anh cần làm lúc này là cố gắng hỗ trợ việc làm cho gần 200 nhân viên ngay sau khi studio đóng cửa.
Hiện tại đã có khoảng 50 hãng game đăng ký tham gia buổi phỏng vấn để tuyển mộ các nhân viên tài năng của Irrational Games, trong đó bao gồm Blizzard Entertainment, Gearbox, Infinity Ward, Sony Computer Entertainment, và nhiều studio khác của Ubisoft.
Trong buổi nói chuyện tại hội nghị GDC 2014, Ken Levine cũng tuyên bố sẽ hướng mình đến một phong cách kể chuyện phi tuyến tính, mới mẻ và đa dạng hơn.
Việc đóng cửa Irrational Games có thể nói là một trong những “tổn thất lớn” cho làng game trong năm 2014.
Không thể phủ nhận những gì mà hãng game thực hiện đã tạo ảnh hưởng cho cộng đồng game thủ trên khắp thế giới.
Như vậy không có nghĩa rằng chúng ta sẽ không còn gặp lại những tác phẩm tương tự như BioShock.
Hãy nhìn về Respawn Entertainment, một studio được gầy dựng lên bởi những cựu thành viên của Infinity Ward, và những gì họ đang làm với Titanfall.
Hãy cùng đón chờ những tác phẩm mới từ Ken Levine, cũng như những cựu thành viên đầy tài năng của studio lừng danh một thời, Irrational Games.