Digimon Survive là tựa game mới nhất của dòng game Digimon. Có lẽ nhiều bạn ngày nay ít nhiều cũng được nghe qua cái tên này ở đâu đó, bên cạnh dòng Pokemon đúng không?
Khác với các bản Digimon vài năm trước như dòng Digimon Story Cyber Sleuth hay Digimon World: Next Order, Digimon Survive lựa chọn một hướng đi khác mà ít ai ngờ tới: Visual Novel (tiểu thuyết trực quan).
Vốn được thông báo từ tận năm 2018, nhưng thông qua nhiều năm lận đận và phải liên tục dời ngày phát hành, Digimon Survive ngày càng mất tích khỏi tâm trí của nhiều game thủ.
Và bất thình lình vào khoảng đầu tháng 7/2022, Bandai Namco bỗng tung nhiều thông tin về lối chơi, cốt truyện của Digimon Survive cùng ngày phát hành cụ thể.
Vậy bạn đọc cùng Vietgame.asia xem qua, sau khoảng thời gian dài phát triển, Digimon Survive liệu có phải là một tựa game hay?
BẠN SẼ THÍCH
TĂM TỐI, NGHIỆT NGÃ VÀ NHIỀU CẢM XÚC!
Vì thuộc thể loại tiểu thuyết trực quan (visual novel) nên hầu hết 80% thời gian mà người chơi sẽ làm trong Digimon Survive là… đọc hàng dài các đoạn hội thoại giữa các nhân vật, xem qua các tình tiết diễn biến câu chuyện, đan xen với 20% còn lại là những trận đấu chiến thuật theo lượt.
Câu chuyện của Digimon Survive nói về chuyến hành trình của nhân vật chính – Takuma Momozuka – đi dã ngoại cùng các bạn trong trường. Định mệnh đưa đẩy làm sao khi Takuma và 5 người bạn của mình vô tình bị lạc vào một chiều không gian khác vì đi theo sự chỉ dẫn của cô bé Miu tới một nơi thiêng liêng ẩn sâu trong khu rừng. Tại đây, họ không hề hay biết rằng thế lực đen tối chập chờn đằng sau với ý định đe dọa tới tính mạng, lẫn thế giới mà họ đang sinh sống.
Nếu như bạn tưởng sẽ được trải nghiệm một chuyến hành trình vô cùng tươi sáng, đầy hy vọng như Ni no Kuni: Wrath of the White Witch Remastered (lẫn phần 2) hay Tales of Vesperia phiên bản Definitive Edition thì bạn sẽ nhanh chóng “u là trời” bởi hướng đi của Digimon Survive hoàn toàn ngược lại: tăm tối, bi thương, đau khổ, thậm chí tạo cảm giác bí bách nhưng lại vô cùng cảm xúc.
Cách xây dựng không khí, sự hoạt động của thế giới bí ẩn và cả những tội lỗi mà toàn bộ nhân vật phải đối mặt vì cảm bẫy của kẻ thù trong Digimon Survive khiến người viết liên tưởng tới rất nhiều dòng game nổi tiếng như việc hiện hữu sương mù chết chóc giống Silent Hill, hay tầm quan trọng của việc tăng sự ưu mến của nhân vật chính tới các nhân vật đồng hành.
Đúng như lời quảng cáo mà Bandai Namco dành cho Digimon Survive khi nói rằng toàn bộ lựa chọn thật sự có trọng lượng, ảnh hưởng toàn bộ tình tiết nói chung và cả tới hệ thống tiến hóa nói riêng mà game mang tới.
Các lựa chọn khá giống với The Witcher 3 khi không hề rạch ròi đúng-sai. Và cũng vì vậy, đã lâu rồi người viết mới thấy “lo âu” khi phải quyết định chọn một câu thoại nào đó.
Mọi hậu quả nằm hoàn toàn trong cách suy luận để đưa ra quyết định của người chơi, và khi bạn tưởng điều mình nói là điều nên làm thì Digimon Survive sẽ “lật bài” để khiến bạn phải ngã ngửa, suy ngẫm lại những gì sau đó.
Đặc biệt khi bạn phải chứng kiến các thành viên… chết vì lựa chọn của mình, rồi làm bản thân lo âu: liệu các nhân vật mà mình yêu thích có thể toàn vẹn tới cuối hành trình hay không?
Và cái hay khác cho thấy đội ngũ biên kịch của Digimon Survive vô cùng trau chuốt cho các hậu quả, đó chính là việc nếu có thành viên nào chết thì cái chết của họ hoàn toàn ám ảnh sâu sắc cho toàn bộ các thành viên còn lại tới kết game, chứ không phải chỉ là 1-2 chương rồi kệ, hay tệ hơn là không quan tâm như nhiều game mà người viết từng chơi, đơn cử là The Quarry gần đây.
Ngoài ra, để tạo ra một chút sự thay đổi, bên cạnh ngồi coi diễn biến và lựa chọn hội thoại trong tuyến truyện chính, đôi lúc người chơi cũng được tự do khám phá bản đồ khi Digimon Survive hiển thị “Exploration” hoặc “Free Action” trên màn hình.
Khi vô Exploration, người chơi sẽ được thư thả nói chuyện với bạn bè hoặc digimon của họ lẫn của mình mà không bị giới hạn lượt tương tác. Đôi khi trong vài khu vực, người chơi có thể phải dùng tới camera để phát hiện được các mẫu truyện, các vật dụng bổ trợ cho chỉ số các digimon, hoặc thậm chí là kẻ thù ẩn – hầu hết xuất hiện tại khu vực không có bạn bè.
Free Action thì giới hạn lượt tương tác trước khi chuyển cảnh đi tiếp tuyến truyện chính, tuy nhiên các trận “Free Battle” sẽ không bao giờ bị tính mất lượt ở chế độ này.
Exploration và Free Action đều là những khoảng thời gian vô cùng quan trọng cho việc tăng sự yêu mến của bạn bè thông qua các nhiệm vụ phụ nhỏ dành cho nhân vật chính, vì nếu không đủ điểm thì khả năng dẫn tới cái chết của họ là rất cao.
toàn bộ lựa chọn thật sự có trọng lượng, ảnh hưởng toàn bộ tình tiết nói chung và cả tới hệ thống tiến hóa nói riêng mà game mang tới
Như người viết có đề cập, bên cạnh 80% thời lượng là “visual novel” thì 20% còn lại của Digimon Survive là các phân đoạn chiến đấu với lối chơi chiến thuật theo lượt.
Các phân đoạn chiến đấu được chia đều theo tuyến truyện chính, và người chơi cũng được “cày cấp” cho digimon của mình trong cả hai mục Exploration và Free Action.
Tương tự và học tập từ Persona 5 hoặc Shin Megami Tensei V mới ra mắt gần đây, Digimon Survive cũng cho phép người chơi nói chuyện với sinh vật này, nếu điểm đủ cao thì người chơi có thể xin đồ hoặc thu thập chúng.
Digimon Survive cũng khá là tinh ý khi cho phép người chơi được tùy chọn độ khó trước khi vô trận, thậm chí còn cho phép lưu tạm thời để nghỉ tay rồi vô nhập cuộc sau nếu người chơi cần.
Các tùy chọn này tuy không phải mới mẻ nhưng cũng đáng khen vì tạo được sự thuận tiện nhất định tới người chơi khi họ muốn nghỉ tay, hoặc phù hợp cho các bạn chỉ muốn tập trung “cưỡi ngựa xem hoa” vào câu chuyện của Digimon Survive hơn.
Các Digimon được thu thập cũng có cách tiến hóa khác so với các digimon của toàn bộ nhân vật chính, chúng chỉ có thể tiến hóa khi có được viên “Mature Enlightenment Slab”, “Perfect Enlightenment Slab” và “Ultimate Englightenment Slab”. Những viên có được thông qua tuyến truyện chính hoặc vài sự kiện sau khi thắng trận, lẫn hoàn thành vài nhiệm vụ nhỏ trong mục Free Action.
Khác với dòng game Pokemon nói chung, các loài Digimon được thu thập này không cần phải lên cấp mới tiến hóa. Chỉ cần người chơi có đủ các viên đá mà người viết nêu ở trên là đủ. Còn các digimon của các nhân vật thì sẽ tiến hóa dựa vào cách nói chuyện của người chơi dành cho họ. Một điểm nhấn khá hay cho lối chơi của Digimon Survive.
Về cơ bản, tổng thể của Digimon Survive tuy không có nhiều đổi mới nhưng cũng hoàn thành khá tốt vai trò của mình trong việc mang lại một trải nghiệm thú vị – nếu bạn không có vấn đề gì về thể loại visual novel.
Nhờ vào cốt truyện tốt cùng dàn nhân vật đáng nhớ, hậu thuẫn bởi đa lựa chọn với đa hậu quả rõ rệt tới toàn bộ diễn biến tạo ra được giá trị chơi lại cao, vì đảm bảo rằng trong lượt chơi đầu, người chơi hoàn toàn không thể mở khóa đủ toàn bộ cũng như cứu được mọi người.
Thế nhưng…
BẠN SẼ GHÉT
CHƯA THỂ CHÍN MUỒI!
Điểm mà người viết cảm thấy tiếc cho Digimon Survive đó là cảm giác “kinh phí đầu tư thấp” nếu so ra với mức giá tận 60USD của game.
Nền tảng đồ họa không hề bóng bẩy, tuy nếu nói ra có phần gắt quá với phần nhìn nhưng thật chất còn thua kém Persona 3 từ tận… thời điểm PS2, vì có quá nhiều mặt hạn chế trong Digimon Survive.
Có thể kể đến như biểu cảm của các nhân vật 2D thiếu thốn, được vẽ “tiết kiệm” đến lạ kể cả hành động của các Digimon. Cảnh nền thì vỡ điểm ảnh khi camera tự phóng lại gần trong các đoạn diễn tả câu chuyện, điều này dễ nhận ra nhất khi bạn chơi trên màn hình TV 4K.
Chưa nói, Bandai Namco cũng “hào phóng” nốt khi chỉ cho Digimon Survive có đúng… một đoạn cắt cảnh hoạt họa ở đầu game. Từ đó về sau, thậm chí tới cuối game cũng chỉ là những ảnh tĩnh với các nhân vật nói chuyện mà thôi.
Các nhân vật được lồng tiếng đầy biểu cảm cùng các bản nhạc nền của Digimon nghe rất hay và ấn tượng, nhưng tiếc thay lượng đầu tư cũng được “tiết kiệm” y chang nền tảng đồ họa khi chúng cứ lặp đi lặp lại từ đầu tới cuối.
Còn âm thanh hiệu ứng thì không có gì đặc biệt, thậm chí dính lỗi rè rè nhẹ khi chọn các tùy chọn trên trình đơn (menu).
Digimon Survive khá đơn điệu, không lột tả được sự đa dạng nhằm tạo ra thử thách cần thiết
Lối chơi chiến thuật theo lượt của Digimon Survive tuy không nhàm chán, nhưng để gọi là hay thì cũng không thể gọi là hay.
Trước mỗi đầu màn chiến đấu, người chơi sẽ được lựa chọn các loài digimon theo sở thích và cùng tham chiến. Tùy loài sẽ có các kỹ năng hỗ trợ khác nhau nhưng chúng cũng vô cùng ngẫu nhiên.
Đôi lúc hứng thì hỗ trợ một tí, không thì lại “bơ” luôn. Và người viết cũng không rõ cơ chế phản đòn lại như thế nào vì thi thoảng các digimon tự biết phản đòn… nhưng chúng chỉ xuất hiện đúng 2-3 lần trong cả quãng thời gian chơi dài mà người viết trải nghiệm.
Các kỹ năng dùng để đánh được nhiều đối tượng một lúc mãi về sau mới xuất hiện, người chơi cũng không thể tương tác môi trường để gây ra sát thương hay bẫy được.
Cũng khác với các game nhập vai theo lượt khác, người chơi chỉ có thể chờ đến lượt các digimon còn lại mới được đi, chứ cũng không được thoải mái lựa chọn như Wildermyth.
Vì là một tựa game được “tiết kiệm” gọn gàng nên phần camera của game cũng trở nên bất tiện khi chỉ xoay được 4 góc định sẵn, và chế độ phóng to thu nhỏ cũng bị “tóm gọn” chung như thế. Người chơi không thể tự do xoay camera nên nhiều lúc có cảm giác tù túng khi “dính” vào những góc khuất bởi vật thể nào đó.
Nhìn chung về khoản này, Digimon Survive khá đơn điệu, không lột tả được sự đa dạng nhằm tạo ra thử thách cần thiết, và vô tình chung tạo cảm giác đội ngũ thêm lối chơi chiến thuật theo lượt vào phút chót của giai đoạn phát triển nên chưa được trau chuốt và đủ chiều sâu.
Đồ họa tại các màn chơi này cũng được thực hiện sơ sài, không đa dạng và tổng thể không hề đẹp khi so với nhiều game cùng chung thể loại khác, điển hình như Triangle Strategy vừa mới đây.