Skip to content

Return to Monkey Island – Đánh Giá Game

Return to Monkey Island

Return to Monkey Island – Dường như làn sóng “hồi xuân” của các thương hiệu game từ quá khứ đã trở thành một phần vô cùng sinh lời của ngành công nghiệp game, khi rất nhiều thể loại và thương hiệu tưởng chừng như đã “an nghỉ” từ 15-30 năm trước đang quay lại đầy mạnh mẽ, với những tinh túy và chất hồn vẫn được giữ nguyên.

Bắn súng thì có Doom, Wolfenstein thống lĩnh thị trường phải 6-7 năm nay, nhập vai thì có những Baldur’s Gate 3, Torment: Tides of Numenera với cốt truyện mới, bối cảnh cũ, và cơ chế vừa mới, vừa cũ – còn chiến thuật thì sắp tới đây là sự trở lại của Homeworld 3 Batle Realms.

Nhưng giữa những “cơn bão” đó, chúng ta không thể không nhắc tới sự trở lại của thể loại game phiêu lưu “trỏ và nhấn” (point-and-click) kinh điển.

Khi mọi thứ trong ngành công nghiệp game đều rối rắm và phức tạp, người ta ngày càng mong mỏi về những tựa game phiêu lưu kinh điển đã làm nên tuổi thơ của nhiều người, quay lại những chuyến phiêu lưu ngộ nghĩnh và đơn giản hơn của những nhân vật hoạt hình đầy hài hước và cũng có phần sâu sắc. Đó có thể là hai chàng cảnh sát siêu quậy Sam và Max hay chàng Rufus xui xẻo tìm cách đến hành tinh Deponia.

Nhưng nức tiếng nhất trong làn sóng “hồi xuân” game phiêu lưu này chắc chắn là những chuyến phiêu lưu đầy hài hước của chàng cướp biển hậu đậu Guybrush Threepwood trong thương hiệu Monkey Island.

Và sau 30 năm, anh chàng Guybrush nhà ta đã quyết định “tái xuất giang hồ”, trở lại Đảo Khỉ lần cuối bên cạnh dàn nhân vật vừa quen, vừa lạ – tất cả để làm hai nhiệm vụ quan trọng nhất với thương hiệu Monkey Island, đó là hé lộ cho người chơi về bí mật thực sự của Đảo Khỉ, cũng như… giải thích cái kết của Monkey Island 2.

Vậy sau ba thập kỉ đằng đẵng, liệu những gì Return to Monkey Island có xứng đáng với cái danh kinh điển của thương hiệu này?

Hãy cùng Vietgame.asia tìm hiểu nhé

BẠN SẼ THÍCH

“Rượu cũ” ngon tuyệt!

Return To Monkey Island mang lại những cải tiến vô cùng quan trọng với công thức Monkey Island, cũng như game nhập vai kinh điển của Lucasfilm Games (tên cũ quen thuộc với các fan là LucasArts), nhưng không có nghĩa là những cái tinh túy nhất trong lối chơi giải đố game có quá nhiều thay đổi.

Phần lớn thời gian, người chơi điều khiển anh bạn Threepwood dạo quanh môi trường để tìm kiếm những vật phẩm để tịnh tiến cốt truyện, hoặc giải những câu đố thú vị mà game “ném” về phía người chơi. Xuyên suốt game, điều người chơi chủ yếu phải làm là đi tới chỗ A, bấm vào vật B, kéo vật B vào điểm C hoặc nhân vật D, và cốt truyện tịnh tiến.

Điều này nghe có vẻ đơn giản, nhưng đội ngũ Terrible Toybox đã liên tục “xào nấu” công thức này lên để cho sự trùng lặp chưa bao giờ ảnh hưởng đến mạch chơi của game thủ.

Mỗi câu đố có độ dài, độ phức tạp khác nhau và thậm chí là cách giải khác nhau chứ không đơn giản là chỉ tìm đồ làm nhiệm vụ, đó còn có thể là… lau nhà, thuyết phục nhân vật khác làm việc cho mình hoặc trêu ngươi lão cướp biển thây ma LeChuck.

Mỗi câu đố còn gắn chặt với câu chuyện game kể và giúp ngữ cảnh câu chuyện rõ ràng hơn với cả anh bạn Guybrush hậu đậu và người chơi, cũng như việc đảm bảo rằng lời giải phải có nghĩa và hợp lý với câu chuyện lẫn môi trường, chứ không chưng hửng và vô lý như các tựa game cũ.

Lấy ví dụ, ở một phân đoạn đầu game khi anh bạn Guybrush nhà ta cố gắng lẻn lên tàu của tay tướng cướp LeChuck để du hành tới Đảo Khỉ, game tinh tế dẫn người chơi qua những dữ kiện cần thiết trước khi tung câu đố về phía người chơi, nhưng sau đó lại tinh nghịch dẫn người chơi đi sai hướng và đánh lạc hướng họ bằng một cánh rừng được đặt tên là… rừng gây đánh lạc hướng! Từ đó “đá” qua câu chuyện của LeChuck trong khi anh bạn Guybrush nhà ta đang mò mẫm trong rừng.

Tuy nhiên, Return to Monkey Island cũng có một mức độ phức tạp nhất định trong lối thiết kế chứ không hề chỉ đơn giản nhưng lắt léo.

Những câu đố như câu đố về chiếc tàu đắm có thể yêu cầu người chơi khám phá rất nhiều vật phẩm và rất nhiều dữ kiện trước khi xâu chuỗi chúng lại với nhau. Những câu đố lớn như vậy đóng vai trò kể những câu chuyện quan trọng hơn trong game. Vì thế nên chúng thường lớn, đa tầng và đóng vai trò tổng hợp một mạch truyện hoàn chỉnh được kể trước đó.

Với nhiều người “mới” hoặc lâu quá không chơi một game phiêu lưu nhấp chuột, những câu đố lớn và đa tầng như vậy sẽ thường xuyên khiến người chơi bị lạc và quên mất nhiệm vụ của mình, nhưng may thay, Return to Monkey Island đã mang lại hai bổ sung rất giá trị là Hint-Book và To-Do-List.

Hint-Book là một quyển sách được một bà đồng đưa cho Guybrush vì hắn… quá hậu đậu và ngô nghê, nhưng quyển Hint-Book này cũng đóng vai trò với người chơi như một cơ chế gợi ý tinh tế, dễ sử dụng nhưng không hề làm mất đi sự hào hứng của người chơi, vì chúng không tiết lộ tình tiết cốt truyện một cách vô duyên như rất nhiều chỉ dẫn trên mạng hay làm.

Còn To-do list thì đơn giản hơn nhiều, là một danh sách các nhiệm vụ người chơi phải làm – và người chơi có thể lựa chọn các nhiệm vụ khác nhau để tập trung hơn vào đó, hoặc sử dụng Hint-Book để giải ngố.

Đúng rồi đấy! Hint-Book còn có tính năng gợi ý cho các nhiệm vụ khác nhau chứ không khư khư mỗi nhiệm vụ “chính”, thật tiện lợi quá xá!

Return To Monkey Island là một game giải đố được thiết kế chặt chẽ và trôi chảy, lưu loát, đảm bảo sao cho game vẫn giữ một góc độ thử thách nhất định, thử thách óc xâu chuỗi và phân tích của người chơi hoàn toàn thông qua cốt truyện và môi trường, thế nên việc chơi và tương tác với thế giới game là rất tuyệt!

Return To Monkey Island là một game giải đố được thiết kế chặt chẽ và trôi chảy, lưu loát, đảm bảo sao cho game vẫn giữ một góc độ thử thách nhất định


Return to Monkey Island

“Bình mới” tuyệt đẹp!

Tuy nhiên, để cho việc thiết kế câu đố được mượt và chuẩn chỉnh như vậy, thiết kế môi trường và cốt truyện của Return to Monkey Island phải gánh rất nhiều trách nhiệm trên vai, và may thay, Terrible Toybox không hề làm người chơi thất vọng.

Được chắp bút bởi tay viết huyền thoại và cũng như “cha đẻ” của thương hiệu Monkey Island là Ron Gilbert, sự hài hước gần gũi và thân thương của Monkey Island vừa khiến những người hâm mộ “máu mặt” của dòng game cảm thấy “như ở nhà”, vừa khiến người chơi mới cảm thấy hấp dẫn!

Ngoài chàng cướp biển hậu đậu Guybrush và gã tướng cướp thây ma LeChuck hiểm ác nhưng… ngô nghê, Return to Monkey Island cũng có sự trở lại của Tổng trưởng nghiêm nghị của đảo Melee là Carla, người vợ Elaine dịu dàng của Guybrush, gã bán tàu dẻo miệng và lươn lẹo – Stan S. Stanman, hay hộp sọ ác quỷ Murray cáu gắt!

Dàn nhân vật mới cũng đầy màu sắc không kém, với cô thợ khóa Locke Smith ngán ngẩm với đời vì cái tên của mình, cũng như dàn tướng cướp Lila, Trent và Madison đối đầu với Guybrush và LeChuck để tìm lại bí mật Đảo Khỉ.

Những nhân vật cũ vẫn đầy màu sắc và tung hứng với nhau nhuần nhuyễn bằng một kịch bản hài hước nhưng đầy sắc sảo như cách họ đã từng làm cách đây 30 năm trước. Tất cả những nhân vật trong game đều có một cá tính riêng rất mạnh và thể hiện cá tính đó vô cùng tốt, và cây “cột thu lôi” hút và điều phối dàn cá tính đó trong game sao cho hiệu quả chính là Guybrush.

Return to Monkey Island

Chàng Guybrush Theepwood nhà ta vẫn hậu đậu nhưng tốt bụng, và điều đó khiến cho tất cả mọi người (trừ tên tướng cướp thây ma LeChuck) yêu mến và ủng hộ chàng ta rất nhiều! Việc lấy Threepwood làm nhân vật cốt lõi từ xưa tới nay đã luôn khiến cho thương hiệu Monkey Island có một cái chất ngộ nghĩnh, dễ gần và đáng yêu, và sự đáng yêu đó bộc lộ càng rõ hơn trong Return To Monkey Island thông qua cách mà game luồn câu chuyện chính của game với cách game khắc họa cuộc sống của Guybrush sau khi anh không còn du ngoạn biển khơi nữa.

Sự đáng yêu đó còn được nhân lên gấp bội thông qua phong cách đồ họa mới và phong cách âm nhạc cũ được kết hợp rất hài hòa trong game. Return to Monkey Island bỏ đi lối thiết kế hình ảnh hoạt hình truyền thống để thay bằng một phong cách đồ họa hiện đại hơn, tập trung vào các mảng màu có phần hơi trừu tượng hơn.

Tưởng chừng như điều này sẽ ảnh hưởng ít nhiều tới phong cách đồ họa của game, nhưng Return to Monkey Island lại tận dụng phong cách hình ảnh này rất tốt, khi những trường đoạn siêu thực hơn của game trông vô cùng xinh đẹp, còn những đoạn hài hành động hay nhân vật bộc lộ cảm xúc lại hài hước và đáng nhớ hơn.

Return to Monkey Island

Thay đổi về hình ảnh, nhưng lại giữ nguyên về âm nhạc. Phần nhạc của Return to Monkey Island vẫn tận dụng tối đa nguồn cảm hứng lấy được từ nhạc dân gian vùng Caribbean để tạo không khí vô cùng chân thực với bối cảnh du ngoạn biển khơi với bè lũ cướp biển của game, cũng như những phân đoạn nhạc điện tử không hề lố lăng để tạo cảm xúc cho những trường đoạn ấn tượng hơn.

Monkey Island có một cái chất ngộ nghĩnh, dễ gần và đáng yêu, và sự đáng yêu đó bộc lộ càng rõ hơn trong Return To Monkey Island

Bạch kim 10

Return to Monkey Island là sự trở lại đầy ngoạn mục của những trái tim, bàn tay và khối óc đã sáng tạo nên thương hiệu Monkey Island. Ở Return to Monkey Island, phong cách đồ họa, cốt truyện, âm nhạc của game được thiết kế bằng tình yêu và sự hài hòa để kết hợp với một lối chơi được thiết kế bởi sự chỉn chu và tỉ mẩn.

Tất cả tạo nên một sản phẩm không chỉ đơn giản là một game Monkey Island hay, mà còn là một trong những tựa game phiêu lưu nhấp chuột hay nhất mọi thời đại.

Thông tin

  • Return to Monkey Island
  • Nhà phát triển
    Terrible Toybox
  • Nhà phát hành
    Devolver Digital
  • Thể loại
    Phiêu lưu, Giải đố
  • Ngày ra mắt
    19/09/2022
  • Nền tảng
    Windows, macOS, Xbox One, Xbox Series X | S, PlayStation 4, PlayStation 5, Nintendo Switch

Cấu hình tối thiểu

  • Hệ điều hành
    Windows 10 64-bit
  • CPU
    AMD FX-4300 (4 * 3800) / Intel Core i3-3240 (2 * 3400)
  • RAM
    8GB
  • GPU
    Radeon HD 7750 (1024 VRAM) / GeForce GT 640 (2048 VRAM)
  • Lưu trữ
    4GB
  • Thiết bị
    N/A

Cấu hình thử nghiệm

  • Hệ điều hành
    Windows 10 Pro 64-Bit
  • CPU
    AMD Ryzen 5 4600H
  • RAM
    16GB
  • GPU
    NVIDIA RTX 2060
  • Lưu trữ
    Kingston A400
  • Thiết bị
    N/A
Game được hỗ trợ bởi Devolver Digital . Chơi trên PC.

Tác giả

Thảo luận