RUINSMAGUS – Không thể phủ nhận rằng, Nhật Bản là một trong những “cường quốc” trong ngành game với những hệ máy chơi game console như PlayStation 5, Nintendo Switch đủ sức đè bẹp các đối thủ đến từ phương Tây, hay những tựa game chất lượng hàng đầu thế giới như các dòng game Final Fantasy, Dragon Quest, Resident Evil, v.v. cùng đội ngũ lập trình viên và họa sĩ có trình độ cao.
Thế nhưng điều ngạc nhiên là, với công nghệ thực tế ảo (VR – Virtual Reality) thì các studio đến từ xứ sở mặt trời mọc lại có phần chậm chân so với các đồng nghiệp bên kia đại dương, dù rằng hệ máy này thu hút rất nhiều các studio hàng đầu và đem lại lợi nhuận hàng trăm triệu USD.
Thậm chí “ông lớn” làng game là Valve Software dù đã “rửa tay gác kiếm” từ lâu cũng cho ra mắt phần cứng và “bom tấn” Half-Life: Alyx, thì ngoài Sony với một số sản phẩm “gà nhà” phát hành riêng cho hệ máy PlayStation VR của mình, cũng chỉ có Capcom cho ra một vài sản phẩm vội vàng để “chiều lòng” nhà PlayStation, cũng như “nhá hàng” ra người chơi thế giới.
Thế nhưng những sản phẩm này chưa đem đến cho người chơi những trải nghiệm xứng tầm của những tên tuổi lớn.
Để cải thiện điều này, vào năm 2020, chính bản thân Meta (công ty mẹ của các thiết bị thực tế ảo Meta Quest) đã có những bước đầu tư nhất định vào thị trường Nhật Bản, kéo theo đó là sự bùng nổ của rất nhiều sản phẩm bắt đầu xuất hiện trên thị trường thế giới, có thể kể đến dòng game anime nhẹ nhàng dựa trên cuốn tiểu thuyết light novel cùng tên Spice & Wolf VR, hay tựa game âm nhạc Hatsune Miku VR cũng được ra mắt trên nền tảng này…
Thế nhưng không phải tất cả các studio game Nhật Bản đều có tự tin ra mắt các sản phẩm của mình như vậy, một vài studio nhỏ thiếu kinh phí có khuynh hướng thăm dò độ đón nhận của cộng đồng game thủ thông qua các kênh gọi vốn cộng đồng như Indiegogo hay KickStarter, nhằm giảm thiểu độ phiêu lưu khi bước lên nền tảng còn quá mới mẻ này, và RUINSMAGUS đến từ studio non trẻ Character Bank, cũng là một tựa game ra mắt theo quy trình như vậy trên cả hai nền tảng: PC và Meta Quest.
Gọi vốn đã thành công, liệu tựa game này có đem tới luồng gió mới cho nền tảng VR như mong đợi?
Hãy cùng Vietgame.asia tìm hiểu qua bài đánh giá sau, các bạn nhé!
BẠN SẼ THÍCH
Thỏa mãn các giác quan!
Khi nhắc đến các tựa game đến từ Nhật Bản, người ta thường nghĩ ngay đến phong cách hoạt hình theo kiểu Anime trứ danh với các nhân vật sở hữu đôi mắt to tròn, giọng lồng tiếng “ngọt như mía lùi” của các Seiyuu hàng đầu, những nhân vật nữ có biểu cảm vô cùng “moe” cùng phong cách hành động siêu thực “đốn tim” không biết bao wibu các thế hệ từ trước đến nay….
RUINSMAGUS cũng sở hữu đầy đủ những ưu thế này, và cũng chính chúng, tạo ra một nét đặc sắc rất riêng biệt của tựa game, khiến người chơi cảm thấy ấn tượng và thỏa mãn tất cả các giác quan, ít nhất là với 2/3 thời lượng đầu của trò chơi.
Phải nói rằng nếu như những tựa game VR đến từ các studio phương Tây cố gắng đem đến cảm giác “thực” nhất có thể, rất dễ thấy trong các tựa game như Medal of Honor: Above and Beyond hay The Walking Dead Saints & Sinners, thì con đường tiếp cận với nền tảng này của các studio đến từ Nhật Bản thường lại mang tính chất “phi thực tế” hơn, với các mô hình 3D dựng với công nghệ Cel-Shading mang đến lợi thế không nhỏ cho tựa game khi đổ bộ lên nền tảng VR.
Điều này cũng vô cùng dễ hiểu, bởi lẽ việc dựng hình ảnh với chất lượng cao cho hai hình ảnh ở hai mắt riêng biệt tạo ra một “gánh nặng” không hề nhỏ cho phần cứng ọp ẹp của thế hệ kính Meta Quest 2 đời mới nhất, tương đương với việc bạn dùng chiếc điện thoại cũ kỹ để chơi game trên độ phân giải 4K, thế nên các nhà sản xuất game không còn cách nào khác ngoài việc giảm chất lượng đồ họa xuống tối đa để có thể khống chế tốc độ dựng hình trong một phạm vi chấp nhận được.
Thế nhưng phong cách Anime và nền tảng đồ họa 3D Cel-Shading lại không gặp phải hạn chế này khi chỉ cần dựng hình với rất ít đa giác. Nhờ đó mà tốc độ dựng hình của RUINSMAGUS khá nhanh và trơn tru ngay cả với phiên bản chơi trực tiếp trên Meta Quest 2, lẫn phiên bản PC chơi trên các máy có cấu hình trung bình đã có phần “xuống cấp” sau đợt khan hiếm linh kiện suốt hai năm vừa qua.
Điều này là vô cùng quan trọng đối với trải nghiệm các tựa game VR, bởi lẽ nó giúp hạn chế đến tối đa tình trạng … say sóng khi chơi các màn chuyển cảnh nhanh chóng cho game thủ, giúp người chơi có thể tập trung nhiều hơn vào thế giới game.
Cũng nhờ đó mà phần chơi hành động của RUINSMAGUS trở nên “tỏa sáng” vô cùng rực rỡ.
Bạn có thể dễ dàng giao chiến với các kẻ thù theo một phương thức vô cùng mượt mà và tự nhiên với các loại vũ khí và phép thuật, dù là với những con quái nhép xuất hiện đầy rẫy khắp các hầm ngục (Dungeon) đến những con trùm có kích cỡ khổng lồ hay những kẻ thù mang dáng vẻ con người đầy khéo léo và nhanh nhẹn.
Không chỉ có thế, Character Bank cũng tích hợp vào game các phương thức di chuyển khác nhau để người chơi có thể giảm thiểu sự “say sóng”, khiến cho trải nghiệm hành động nhanh trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết.
Có khá nhiều loại đối thủ với những đặc điểm riêng biệt và thông qua nền tảng VR, tất cả chúng đều đem đến nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau, nhất là những con trùm khổng lồ đem lại ấn tượng mạnh mẽ khi người chơi được cảm nhận thực tế từ góc nhìn nhân vật.
Phải nói rằng dù cho các con trùm trong Shadow of the Colossus có kích thước to lớn bậc nhất thế giới trò chơi, thế nhưng ở một góc nhìn của người thứ ba trên một màn hình đơn giản, bạn sẽ không cảm thấy được rõ nét sự đồ sộ của chúng như nhìn từ đôi mắt nhân vật với khả năng chìm đắm cao độ vào môi trường game của công nghệ VR trong RUINSMAGUS.
Đặc biệt là con trùm rồng đá khổng lồ cao ngang… một tòa nhà, với đủ các đòn đánh hiệu ứng rộng đem đến cảm giác choáng ngợp cho người chơi ngay từ những màn đầu tiên của cuộc hành trình, lôi cuốn game thủ tiếp tục dấn thân khai phá những khu vực mới, những đối thủ mới.
Thế giới trong RUINSMAGUS được thiết kế khá đơn giản, nhưng cũng nhiều màu sắc theo kiểu các câu truyện huyền huyễn thường thấy trong các bộ truyện light novel hiện đại, thậm chí có đôi chút hơi hướng thế giới của Monster Hunter Rise: Sunbreak hay Sword Art Online nhưng được tinh giản khá nhiều yếu tố để phù hợp với phần “nhập vai” nền tảng game thực tế ảo.
Người chơi tham gia các bang hội (guild), cùng các nhân vật khác đánh chiếm các hầm ngục, lượm lặt điểm kinh nghiệm và chiến lợi phẩm nâng cấp vũ khí và phép thuật cho bản thân thông qua tương tác với các nhân vật NPC, các bảng biểu menu để dần khai mở cốt truyện qua từng màn chơi.
bạn sẽ không cảm thấy được rõ nét sự đồ sộ của chúng như nhìn từ đôi mắt nhân vật với khả năng chìm đắm cao độ vào môi trường game của công nghệ VR trên trên tựa game RUINSMAGUS
Đan cài vào đó là những sự kiện trong RUINSMAGUS được dựng sẵn, tạo ra những vòng xoắn kịch bản (plot twist) đem lại nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau theo đúng cái cách của một tựa game nhập vai Nhật (JRPG) trên các nền tảng khác đem đến cho game thủ.
Có khi đó là sự ra tay “cứu bồ” từ chủ bang hội đầy sức mạnh giúp bạn đối phó với con trùm mạnh mẽ gần như không thể đánh bại, cũng có khi cả nhóm của bạn lọt vào bẫy của hầm ngục kéo ra những con trùm khó nhằn, hay đơn giản hơn là một lễ hội nhỏ nhiều màu sắc giúp bạn bình tâm bên cô nàng Iris “cực moe” sau những giờ chinh chiến mệt nhọc…
Nhìn chung, đội ngũ thiết kế game của Character Bank đã khai thác rất tốt những chất liệu sẵn có trong văn học hiện đại Nhật Bản, hòa trộn chúng cùng với lối chơi đặc hữu của công nghệ thực tế ảo với nền tảng đồ họa và âm thanh chất lượng cao mang đậm phong cách anime, đem đến cho game thủ một “bữa tiệc thịnh soạn” của các giác quan, như được sống, được tồn tại, được vui buồn cùng với các nhân vật của mình.
Có thể nói, khác với các tựa game “thuần anime” đến từ các nhà phát triển Nhật Bản khác trên nền tảng thực tế ảo hiện nay, RUINSMAGUS đem đến nhiều hành động hơn, nhiều tương tác hơn, và thậm chí là nhiều cung bậc cảm xúc hơn, thổi một luồng gió mới mẻ, mát lạnh vào thế giới game thực tế ảo đầy rẫy các tác phẩm đến từ những nhà phát triển phương Tây.
BẠN SẼ GHÉT
Những yếu tố nhàm chán!
Phải nói rằng về tổng thể thì RUINSMAGUS là một tựa game nhập vai – hành động phong cách anime đầy hấp dẫn trên nền thực tế ảo, thế nhưng đi sâu vào trong chi tiết, vẫn còn khá nhiều vấn đề cố hữu gây nhàm chán cho người chơi.
Trước hết, sau một khoảng thời gian phấn khích ban đầu, bạn sẽ chợt nhận ra rằng tất cả những gì mình cần làm trong RUINSMAGUS chỉ đơn thuần là đánh và đỡ, một hành động vô cùng thông dụng với biết bao tựa game thực tế ảo và chẳng có gì khác biệt giữa các loại quái vật, dù chúng có hình dáng thiết kế và các đòn tấn công khác nhau.
Đó là chưa kể đến khi đã khá mất thời gian đánh hạ cả đám quái nhép, vật phẩm mà bạn có thể nhận được vô cùng nghèo nàn, không tạo ra được hứng thú cho người chơi nếu so sánh với các tựa game hack and slash truyền thống với lượng “đồ chơi” vô cùng phong phú.
Bên cạnh đó, các nhiệm vụ và màn chơi… lặp đi lặp lại khá nhàm chán cũng dần bào mòn sự hứng thú của người chơi, nhất là giai đoạn nửa sau game, nếu không có “sự cứu rỗi” từ kịch bản thì chắc người viết cũng “nghỉ chơi, xóa game” từ sau khoảng 3 giờ trải nghiệm.
Ngoài ra, một số vấn đề khác cũng gây ra những khó chịu không đáng có, chẳng hạn như cách sắp xếp, chuyển đổi vật phẩm trong túi đồ (inventory) hơi rườm rà, làm cho người chơi khó lòng sử dụng nhanh một vật phẩm khi đang chiến đấu.
A.I. của đối thủ máy trong RUINSMAGUS là một điểm khó chịu khác khi chúng được lập trình thô và có phần sơ khai, hệt như mấy tên lính trong loạt trò chơi Samurai Warriors chỉ biết nhào vào đánh hạ người chơi mà không có bất cứ phản ứng nào khác, thậm chí chúng còn cố gắng “cắn” bạn ngay cả khi kẹt đường trong những địa hình phức tạp.
Cũng chính vì thế, các trận đấu trùm, dù đồ sộ, nhưng không tạo ra cảm giác khó khăn, thử thách và hứng khởi cần thiết, rất dễ bị người chơi “bắt bài” chỉ sau vài phút tiếp xúc mà thôi.
Nhìn chung, những yếu tố này dù nhỏ cũng làm cho tựa game đánh mất đi những ấn tượng tốt đẹp đã xây dựng được trong khoảng thời gian đầu game.
A.I. của đối thủ máy trong RUINSMAGUS là một điểm khó chịu khác khi chúng được lập trình thô và có phần sơ khai