Skip to content

Code Vein – Đánh Giá Game

Code Vein

Code Vein – Kể từ khi ra mắt lần đầu vào năm 2009, Demon’s Souls đã đặt nền móng cho một thể loại game hành động siêu khó, siêu thử thách mang tên “Souls-like“.

Sau thành công vang dội của loạt game trên, rất nhiều hãng game đã lấy cảm hứng từ thể loại này và tinh chỉnh với những “chất” riêng của mình.

Một số đã đạt được những thành công nhất định như Nioh, The Surge… Một số không thể bắt được cái hồn của dòng game này nên đã thất bại nặng nề, điển hình là Lords of the Fallen.

Là nhà phát hành của dòng game này, dĩ nhiên Bandai Namco sẽ không thể không “xơi” miếng bánh này khi hãng tung ra Code Vein vào năm 2017.

Sau khi im hơi lặng tiếng khá lâu, trò chơi đã cho phép game thủ trải nghiệm phần đầu game tại sự kiện E3 2019 trước thềm ra mắt.

Đợt chơi thử dù không tạo ra quá nhiều hiệu ứng đặc biệt, song, nhiều game thủ cũng “mất ăn, mất ngủ” chờ đợi trò chơi ra mắt.

Vậy giờ đây khi đã chính thức tới tay game thủ, liệu Code Vein có giữ được nét cuốn hút của ngày nào?

BẠN SẼ THÍCH

TÀN DƯ CỦA CUỘC SỐNG

Code Vein đưa người chơi vào một thế giới hoang tàn, loạn lạc hiện đang trên bờ vực sinh tử. Bạn, cũng như bao người khác, là một Revenant (người trở về từ cõi chết) mang trong mình sự bất tử nhưng lại cần máu người để duy trì nguồn sống, nếu không bạn sẽ mất đi lý trí và dần hóa thành Lost – một sinh vật cuồng loạn lang thang trong thành phố truy tìm máu.

Bị giam cầm bởi làn sương đỏ ngăn cách với thế giới bên ngoài và không có nhiều con người sót lại, các Revenant đấu đá lẫn nhau để tranh giành Blood Bead – giải pháp thay thế cho máu.

Từ đó, các băng nhóm được thành lập, kẻ mạnh triệt tiêu kẻ yếu, tất cả chỉ vì hai chữ sống còn.

Dĩ nhiên, bạn cũng bị cuốn sâu vào trong hiện thực phũ phàng của xã hội này.

Tuy nhiên, trong quá trình hành động, bạn gặp gỡ Louis – một Revenant không bị lay chuyển bởi dòng đời mà vẫn giữ được phần “nhân” bên trong tâm. Cùng với nhóm của anh chàng, tất cả cùng đi tìm cội nguồn của Bloodspring – một cây lạ sản sinh ra Blood Bead – để chấm dứt nỗi thống khổ của Vein.

Code Vein

Đúng với việc là một “Dark Souls phong cách anime”, bạn sẽ được thưởng thức một “bộ anime dài tập” với phần nội dung tương đối tuyến tính và dễ đoán nhưng vẫn đủ gay cấn để làm bạn muốn “cày” đến cuối game. 

Càng vén màn những bí ẩn về xã hội Vein và cội nguồn của Revenant, bạn sẽ càng cảm thấy hứng thú hơn bởi phần thế giới của game được xây dựng khá công phu, từng sự kiện, từng nhân vật đều liên kết chặt chẽ với nhau.

Với những ai đã chơi qua và đem lòng yêu mến God Eater, bạn sẽ phải trầm trồ vì mối liên hệ giữa hai tựa game này!

bạn sẽ được thưởng thức một “bộ anime dài tập” với phần nội dung tương đối tuyến tính và dễ đoán nhưng vẫn đủ gay cấn để làm bạn muốn “cày” đến cuối game

Các nhân vật trong game tuy sở hữu một màu khá dễ đoán: hoặc thiện hoặc ác xuyên suốt trò chơi, nhưng tất cả vẫn làm tốt vai trò của mình. Tính cách của nhân vật được bộc lộ rõ ràng và có điểm nhấn riêng.

Sau khi bạn tìm ra Vestige của từng người và đọc lại các mảnh ký ức của họ, bạn sẽ thấy mỗi nhân vật đều có những trắc trở riêng của mình giữa xã hội đầy loạn lạc này, tạo nên phần “người” hết sức đẹp của những con “ma cà rồng” lạc lối này.


Code Vein

KHẢ NĂNG TÙY BIẾN ĐA DẠNG

Bên cạnh phần cốt truyện hấp dẫn, Code Vein còn mang đến khả năng chỉnh sửa và tùy biến cực kỳ đa dạng cho bạn thỏa sức sáng tạo.

Đầu tiên, một trọng những điểm bạn sẽ thích vào đầu game đó chính là việc trò chơi cung cấp rất nhiều dụng cụ cho phép bạn tinh chỉnh nhân vật theo ý thích của mình.

Bất chấp giới tính nam hay nữ, người chơi đều có thể tự do tùy biến ngoại hình từ tóc tai, quần áo, khuôn mặt… với nhiều mẫu cực thời thượng, khiến cho đây là một trong những phần tốn thời gian và chất xám bậc nhất trong game.

Code Vein

Tiếp đến, hệ thống Blood Code giúp cho bạn không bị bó buộc vào một lối chơi nhất định.

Blood Code có thể hiểu nôm na là cách xây dựng nhân vật của bạn, quyết định chỉ số và các loại kỹ năng (gọi là Gift) mà bạn sẽ được sử dụng. 

Mỗi Blood Code sẽ có điểm mạnh và yếu khác nhau, như Prometheus sẽ thiên về sử dụng kiếm một tay, sở hữu khả năng tránh né nhanh nhưng lại có lượng máu khá ít ỏi; Atlas cung cấp khả năng chiến đấu bằng vũ khí hai tay đáng gờm cùng lượng máu khổng lồ nhưng lại khá chậm chạp… 

Không chỉ vậy, sau khi bạn sử dụng Blood Code để tiêu diệt kẻ địch, các Gift của Blood Code đó cũng sẽ được tăng độ quen thuộc và sẽ cho phép người chơi có thể sử dụng bất kể bạn đang trang bị loại Blood Code nào.

…khả năng tùy biến của bạn là gần như vô tận và bạn có thể dành ra hàng trăm giờ với trò chơi

Chính nhờ khả năng này, người chơi có thể tự do phối hợp Gift của nhiều loại Blood Code khác nhau nhằm tạo ra một Revenant bá đạo nhất.

Hiện người viết đang sử dụng kết hợp Berserker, Atlas và Hermes để tạo ra sự cân bằng giữa công và thủ khi sử dụng kiếm hai tay.

Hơn thế, Code Vein còn hứa hẹn sở hữu rất nhiều Blood Code được đặt rải rác khắp nơi, một số cần phải chơi đến NG+ để có thể tìm ra.

Điều này khiến cho khả năng tùy biến của bạn là gần như vô tận và bạn có thể dành ra hàng trăm giờ với trò chơi!

BẠN SẼ GHÉT

CÒN ĐÓ NHIỀU ĐIỀU CẦN CẢI THIỆN

Bên cạnh những điểm cộng trên, Code Vein cũng còn một số điểm không thật sự tốt mà hãng cần phải cải thiện tốt hơn trong tương lai, hoặc chí ít là với phần hậu bản bởi trò chơi hoàn toàn có tiềm năng cho việc này.

Đầu tiên, các diễn hoạt của nhân vật được làm khá tỉ mỉ và chi tiết, tuy nhiên điều này lại trở thành “con dao hai lưỡi” trong quá trình chiến đấu.

Các đòn Drain Attack hay Parry (sử dụng bằng Blood Veil – loại trang phục trong game) có tốc độ diễn hoạt khá chậm và không đồng đều, chẳng hạn Blood Veil dạng Stinger và Ivy sẽ chậm hơn so với những loại khác khá nhiều.

Hơn nữa, mục tiêu của các đòn Drain Attack là nhằm để hút Ichor (một loại ma pháp trong game) nhưng lại đòi hỏi người chơi phải đứng gồng khá lâu, cùng với tốc độ ra đòn chậm cũng khiến cho bạn phải lắc đầu ngán ngẩm bởi các đòn đánh thường cũng có khả năng phục hồi Ichor mà lại không đưa bạn vào thế nguy quá nhiều.

Tiếp đến, các kỹ năng phối hợp với đồng đội cũng là một thứ khá vô nghĩa khi một lần nữa sở hữu thời gian thi triển khá lâu, tiêu hao một lượng lớn Ichor mà lại không tạo ra quá nhiều điều bất ngờ.

Đây thường sẽ là kỹ năng mà bạn sẽ sử dụng khi đối đầu với trùm, thế nhưng việc đứng im quá lâu lại khiến cho bạn trở thành một mục tiêu “dễ trúng thưởng” dành cho kẻ địch!

Đây là một điểm hết sức lạ khi bản thân Code Vein là một tựa game nhịp độ nhanh, nhanh hơn rất nhiều so với các trò chơi khác thuộc loại Souls-like nhưng các diễn hoạt của kỹ năng lại quá chậm so với nhịp độ trung bình của trò chơi.

Do đó, người viết cảm thấy hai cơ chế này nên được người chơi bỏ qua và chơi như một tựa game Souls bình thường, tập trung vào khả năng né-và-đánh thì sẽ tốt hơn nhiều.

Bên cạnh đó, thiết kế màn chơi cũng không hẳn là một điểm cộng của Code Vein khi các bản đồ được xây dựng khá nhàm chán. 

Đa phần màn chơi khá rộng nhưng hoàn toàn không tạo được sự phấn khích cho người viết như khi đang thám hiểm Dark Souls hoặc Bloodborne, mà thay vào đó là sự chán nản khi phải mò đường. 

Điều này sẽ được phác họa cực kỳ rõ rệt tại bản đồ Cathedral of the Sacred Blood, người chơi phải đi qua các khu vực y hệt nhau nhưng lại bị ngăn chặn bởi vô vàn vật cản ép buộc người chơi phải tìm kiếm đường vòng.

Việc di chuyển này còn lặp lại liên tục khiến cho việc mò đường trở thành một cực hình dù cho game có hỗ trợ bản đồ nhỏ.

Không chỉ vậy, người viết cảm thấy bản đồ này có phần được “truyền cảm hứng” hơi quá với Anor Londo từ Dark Souls 3 về mặt thiết kế.

Code Vein cũng còn một số điểm không thật sự tốt mà hãng cần phải cải thiện tốt hơn trong tương lai

Cuối cùng, bản thân Code Vein là một tựa game hoàn toàn không khó, việc sở hữu nhịp độ nhanh cùng với các bạn đồng hành “bá đạo” đã một phần nào khiến cho việc di chuyển trên bản đồ và hạ gục trùm trở nên khá dễ dàng. 

Để làm tăng thử thách cho trò chơi, thay vì thiết kế màn chơi tốt hơn, với việc đặt kẻ địch tinh vi hơn thì Code Vein lại sử dụng một cơ chế khác, tạm gọi là “Lost Invasion”.

Đây là một cơ chế được kích hoạt khi người chơi bước vào khu vực nhất định ở màn chơi, triệu hồi rất nhiều kẻ địch tấn công bạn làm nhiều đợt, nhiệm vụ của bạn là tiêu diệt toàn bộ chúng. 

Điều đáng nói ở đây là cơ chế này được kích hoạt khá ngẫu nhiên mà không có bất kỳ điểm báo gì cho bạn biết trước.

Hơn nữa, các con quái thường ra theo bầy và mạnh hơn so với bình thường, một số còn sở hữu hiệu ứng khá khó chịu khi tấn công như khả năng làm câm lặng và không cho phép sử dụng tuyệt chiêu (trong thời gian rất dài).

Điều này đôi lúc sẽ tạo khó khăn cho bạn vào nửa sau của game, khi các con quái sở hữu đủ trò bệnh hoạn để “mổ xẻ” bạn và đồng đội!

7.0

Code Vein mang đến một thế giới và dàn nhân vật cực kỳ tiềm năng cùng khả năng “thiên biến vạn hóa” hết sức đa dạng, tuy nhiên quá trình trải nghiệm vẫn không thực sự toàn vẹn bởi cơ chế chơi còn nhiều điểm dở và các màn chơi được thiết kế khá tệ.

Thông tin

  • Code Vein
  • Nhà phát triển
    BANDAI NAMCO
  • Nhà phát hành
    BANDAI NAMCO
  • Thể loại
    Hành động, Nhập vai
  • Ngày ra mắt
    27/09/2019
  • Nền tảng
    Windows, Xbox One, PlayStation 4

Cấu hình tối thiểu

  • Hệ điều hành
    Windows 7 SP1 / 10 64-bit
  • CPU
    Intel Core i5-2300
  • RAM
    6GB
  • GPU
    GeForce GTX 760 / Radeon HD 7850
  • Lưu trữ
    35GB
  • Thiết bị
    N/A

Cấu hình thử nghiệm

  • Hệ điều hành
    N/A
  • CPU
    N/A
  • RAM
    N/A
  • GPU
    N/A
  • Lưu trữ
    N/A
  • Thiết bị
    N/A
Game được hỗ trợ bởi BANDAI NAMCO Entertainment Asia. Chơi trên PlayStation 4.

Tác giả

Killou

"There is a fine line between consideration and hesitation. The former is wisdom, the latter is fear." - Emperor Izaro

Thảo luận