Game hay – Trong những chuyên đề trước, Vietgame.asia đã giới thiệu cho bạn về những tựa game hay cũng như “bom xịt” của làng game thế giới trong thập kỷ qua.
Tuy nhiên, thực tế hiện nay việc đánh giá “bom xịt” ngay khi ra mắt thường sẽ là quá sớm, xuất phát từ việc mô hình “Game as a Service” – cung cấp trò chơi như một dịch vụ xuất hiện và được áp dụng rộng rãi.
Nói ngắn gọn thì kỷ nguyên mà các nhà phát triển “phủi tay” sau khi phát hành game đã là quá khứ.
Giờ đây, nhờ sự phát triển của Internet các nhà phát triển đã có thể vá lỗi, cập nhật game dựa theo phản hồi người dùng và thị hiếu của thị trường.
Thành thử, nhiều nhà phát triển đã tung ra thị trường một sản phẩm mới hoàn thành… một nửa để thu tiền về cái đã, sau đó bắt đầu hoàn thành phần còn lại.
Nhà làm game khác thì đính kèm sản phẩm của họ với cơ chế “trời ơi đất hỡi” gì đó rồi xem phản ứng người dùng, nếu bị chửi quá thì sửa không thì… thôi.
Kết quả là nhiều tựa game mới ra thì lỗi tùm lum, bị chửi lên chửi xuống, nhưng dần dà sau những điều chỉnh của nhà sản xuất lại trở thành game hay đáng chơi!
Thật kỳ quặc!
Vietgame.asia sẽ liệt kê ra giúp các bạn những tựa game hay đã có màn “lột xác” ngoạn mục, từ những chú vịt xấu xí thành các con thiên nga lộng lẫy.
6. DIABLO III
- Ngày ra mắt: 15/02/2012
- Hệ máy: PC
- Nhà phát triển: Blizzard Entertainment
- Nhà phát hành: Blizzard Entertainment
Nương theo thành công vang dội của Diablo II, Diablo III ra mắt với sự khấp khởi mong đợi của rất nhiều người hâm mộ.
Nhưng hỡi ôi, nếu họ may mắn kết nối được với máy chủ (server) của game thì chào đón họ là một tựa game… chán òm!
Người chơi không thích cốt truyện, không thích lối chơi, không thích đồ họa, không thích thiết kế nhân vật… thực tế họ chẳng thích cái gì.
Không những thế, sau khi hoàn thành mạch truyện chính người chơi sẽ phát hiện Diablo III biến thành một… ”ruộng cày” vô tận.
Đã bỏ công cày rồi, người chơi lại hầu như chẳng nhận được món đồ nào đáng giá.
Nhưng không sao, thay vì cày họ có thể… bỏ tiền thật ra mua đồ ở Nhà Đấu Giá (Auction House) dùng tiền thật.
Thế là trò chơi trở thành một game “hút máu” rẻ tiền, người chơi nạp tiền vào là tức khắc có đồ ngon, hoặc cày miệt mài ngày đêm để rớt ra thứ chẳng có tác dụng gì.
Khỏi phải nói người hâm mộ giận dữ thế nào, và cựu giám đốc Jay Wilson đã thừa nhận “nhà đấu giá là một sai lầm lớn”.
Tương lai của Diablo III trở nên mịt mù hơn bao giờ hết.
May thay, Blizzard đã kịp “tỉnh ngộ”, và trong hai năm tiếp theo, nhà phát triển này đã thực hiện liên tiếp nhiều cải cách, bao gồm gỡ bỏ hoàn toàn hệ thống đấu giá dùng tiền thật, và xây dựng một hệ thống rớt đồ hoàn toàn mới gọi là “Loot 2.0” khiến vật phẩm rơi ra hữu dụng cho người chơi hơn.
Cuối cùng, bản mở rộng Reaper of Souls thực sự đã cứu vớt Diablo III khi Blizzard đưa vào chế độ Adventure với những màn chơi tạo ngẫu nhiên để người chơi không bị “nhàm” sau khi hoàn thành cốt truyện, và đưa ra một loạt tùy chỉnh độ khó cho người chơi tha hồ thử nghiệm.
Mặc dù hiện tại Diablo III vẫn chưa thể gọi là hoàn hảo, nhưng tựa game này đã khá hơn rất nhiều so với phiên bản ban đầu và là một trong những tựa game nhập vai hành động đáng chơi.
5. BATTLEFIELD 4
- Ngày ra mắt: 29/10/2013
- Hệ máy: PC, PS3, PS4, Xbox 360, Xbox One
- Nhà phát triển: EA Dice
- Nhà phát hành: EA
Khác với Diablo III, Battlefield 4 không bị dân tình vùi dập vì lối chơi tệ hại mà bởi vì trạng thái khi ra mắt của Battlefield 4 là không thể chấp nhận được.
Người chơi hết gặp lỗi tùm lum rồi phải chịu đựng những pha “ giật lag” do máy chủ bất ổn, thậm chí nhiều người còn bị… xóa hết quá trình chơi.
Nếu người chơi vẫn “cắn răng” chịu đựng thì vẫn còn một “bất ngờ” đang đợi họ ở chế độ chơi trực tuyến tuyến: tickrate (tần suất máy chủ cập nhật vị trí của người chơi) là cực kỳ tệ!
Khi tickrate quá thấp, nhiều lúc bạn sẽ bị “xuyên táo” đầy khó hiểu mặc dù đã núp sau tường, đơn giản vì máy chủ chưa kịp cập nhật vị trí mới của bạn trước viên đạn của đối phương.
Và tất nhiên, hệ quả là người hâm mộ “cầm giáo mác” đến Electronic Arts đòi công lý, và công ty đã chỉ đạo DICE đình chỉ tất cả hoạt động phát triển các tựa game khác để sửa Battlefield 4.
Cuối năm 2014, DICE tung ra máy chủ thử nghiệm để người chơi có thể thử nghiệm các tính năng và phản hồi lại lỗi, đồng thời cải thiện đáng kể tickrate của máy chủ.
Thực tế với lối chơi hấp dẫn vốn có của mình, sau nhiều bản vá khác nhau thì Battlefield 4 dần dần trở thành tựa game lọt vào danh sách game bắn súng hiện đại hay nhất với lượng người chơi ổn định.
4. TOM CLANCY’S THE DIVISION
- Ngày ra mắt: 08/03/2016
- Hệ máy: PC, PS4, Xbox One
- Nhà phát triển: Massive Entertainment
- Nhà phát hành: Ubisoft
Khi Ubisoft tung trailer cho Tom Clancy’s The Division, người hâm mộ đã có một phen mãn nhãn với sự mong chờ về một tựa game bắn súng – nhặt đồ hấp dẫn trong bối cảnh thành phố New York hậu thảm họa.
Thực tế thì sao?
Vâng, người hâm mộ đúng là được trải nghiệm hay y như trailer vậy, nhưng thời gian mà họ cảm thấy hay thì chắc cũng… dài đúng bằng trailer luôn!
Người chơi nhanh chóng thấy chán với các nhiệm vụ lặp đi lặp lại, kẻ địch thì toàn “cục thịt di động” bắn mãi không chết.
Đồ rớt thì vô dụng, thế giới trong game cũng rất nhạt nhòa và vô vị.
Một khi đã đạt tới cấp độ tối đa, người chơi sẽ phát hiện ra… chẳng còn gì để làm cả.
Tuy nhiên, mọi thứ bắt đầu đảo chiều từ khi Ubisoft tung ra DLC Survival cuối năm 2016.
Chế độ này thả 24 người chơi vào thành phố New York đầy bão tuyết.
Bạn sẽ phải tìm cách sinh tồn, chế tạo đồ và tìm tới điểm giải cứu trước khi người chơi khác hoặc virus trong người bạn giết bạn.
Chế độ chơi này là sự hòa quyện giữa dòng game “battle royale” và lối chơi bắn súng hấp dẫn của The Division, kết hợp với nhiều yếu tố sinh tồn thú vị, và phản ứng của người hâm mộ là rất tích cực.
Không chỉ có vậy, studio Massive còn hỏi phản hồi từ những người chơi lâu năm của The Division và đánh giá lại những điểm đạt và chưa đạt, để rồi cuối năm 2017, Ubisoft tung ra bản cập nhật miễn phí 1.8 với DLC Resistance.
Bản đồ được thêm hẳn một vùng mới, một chế độ chơi mới, và hệ thống rớt đồ được thiết kế lại làm cho game thủ vừa cảm thấy họ nhận được phần thưởng xứng đáng, vừa cảm thấy vẫn còn mục tiêu ở phía trước.
Nếu như The Division ra mắt như phiên bản 1.8 thì tựa game này dễ dàng là đối thủ cạnh tranh cho danh hiệu “Game Bắn Súng Hay Nhất Năm”.
3. ASSASSIN’S CREED UNITY
- Ngày ra mắt: 11/11/2014
- Hệ máy: PC, Xbox One, PS4
- Nhà phát triển: Ubisoft Montreal
- Nhà phát hành: Ubisoft
Assassin’s Creed Unity “công phá” E3 2014 bằng một trailer “hoành tráng” thể hiện toàn cảnh thành phố Paris hoa lệ, nhà thờ Đức Bà thì được làm chi tiết tới từng viên gạch, hành động thì mãn nhãn, âm nhạc thì lôi cuốn.
Người hâm mộ lại được dịp phấn khích lên tận mây xanh, khấp khởi mong chờ được trở thành Sát thủ chiến đấu trong cuộc Cách mạng Pháp.
Thứ người chơi nhận được đúng là một kiệt tác về đồ họa và âm nhạc, tuy nhiên lại được “đính kèm” một nùi toàn lỗi là lỗi.
Không biết cơ man nào toàn lỗi là lỗi trong game, hết lỗi to tới lỗi nhỏ, lỗi đồ họa âm thanh lỗi gì cũng có.
Nhiều lỗi còn khiến người chơi suýt “đập máy” vì quá mức kinh dị, tỉ như khuôn mặt nhân vật bị “bay” hết cả da còn lại mỗi hàm răng nhăn nhở với hai nhãn cầu lắc lư.
Đấy là chưa kể tối ưu tệ hại, game chạy chậm hơn cả rùa trên cả những cỗ máy tầm trung.
Thành thử những gì gọi là ưu tú của game chả đọng lại được chút gì trong lòng game thủ, tất cả những gì họ nhớ đến là “tựa game kinh dị hay nhất 2014” có tên: Assassin’s Creed Unity.
Thật lòng mà nói, ngoại trừ lỗi tùm lum thì Assassin’s Creed Unity cũng không phải tệ lắm: đồ họa được làm trau chuốt, âm nhạc sống động, lối chơi lén lút được cải tiến làm tiền đề cho nhiều tựa game Assassin’s Creed sau này, và chỉ cần không phải là một mớ bòng bong thì có khi tựa game này đã có cơ hội cạnh tranh một suất “Game Hay Của Năm”.
Sau này, Ubisoft đã ra sức sửa lỗi và tung ra nhiều bản vá, nhưng thật đáng tiếc, bản chất của Assassin’s Cree: Unity, không giống như nhiều tựa game trong danh sách này, là game chơi đơn.
Do vậy, người hâm mộ không có nhiều lý do để quay lại và đánh giá lại tựa game này, cho tới khi Ubisoft tặng miễn phí Assassin’s Creed Unity để xoa dịu nỗi đau sự kiện cháy Nhà thờ Đức Bà.
Tới lúc này, người hâm mộ mới “vui lòng” thử lại trò chơi, và tìm thấy được những tinh hoa ẩn giấu bên trong khi tựa game đã trút bỏ được lớp vỏ lỗi xù xì.
2. NO MAN’S SKY
- Ngày ra mắt: 09/08/2016
- Hệ máy: PC, Xbox One, PS4
- Nhà phát triển: Hello Games
- Nhà phát hành: Hello Games
Nếu lễ trao giải Game Awards có giải “nổ to nhất” thì No Man’s Sky chắc chắn phải được tạc tượng và đưa vào phòng truyền thống để đời đời sau có thể chiêm ngưỡng.
Nào là “18 tỷ tỷ hành tinh với thảm động thực vật và tính chất vật lý khác nhau”, nào là “tương tác với người chơi khác”, nào là “chiến tranh vũ trụ” v.v.
Sự phấn khích của người chơi cao tới nỗi khi mới ra mắt No Man’s Sky đạt tận… 200.000 người chơi cùng lúc, gấp đôi The Witcher 3 khi mới ra mắt.
Nhưng buồn thay, người chơi nhanh chóng nhận ra No Man’s Sky, đằng sau cái vẻ hào nhoáng cùng với những lời hứa suông, chỉ là một “tấm phông bạt” giá 60 USD.
18 tỷ tỷ hành tinh ư?
Mới đi 10 hành tinh đã thấy na ná như nhau rồi.
Chiến tranh vũ trụ?
Chẳng có chiến tranh vũ trụ cỡ lớn gì cả, bạn chỉ thấy mấy con tàu bé tí, bắn chíu chíu một tí rồi bay đi chỗ khác.
Sự việc tệ tới mức Ủy ban Tiêu chuẩn Quảng cáo của Anh đã phải điều tra Hello Games về hành vi cố tình quảng cáo sai trái sản phẩm của mình, và tựa game được gán biệt danh mỹ miều: One Man’s Lie.
Sau ra mắt, Hello Games đã lui về “ở ẩn”, và người chơi đã hẳn nghĩ hãng này chắc là một trong những hãng lừa đảo manh động nhất mọi thời đại…
Nhưng đáng mừng thay, Hello Games vẫn còn “liêm sỉ” và họ đã kiên quyết sửa lại đứa con tinh thần của mình.
Họ liên tiếp tung ra những bản cập nhật như No Man’s Sky NEXT, No Man’s Sky BEYOND hay mới đây nhất là Living Ship, hoàn toàn miễn phí.
Những bản cập nhật này thay đổi rất nhiều (mỗi bản ghi chép cập nhật đều dài như tờ sớ) và thực sự họ đã hoàn thành một số lời hứa, như hệ thống hành tinh đa dạng hơn hay tương tác người chơi, thậm chí là chơi nhiều người.
Sự quyết tâm của họ đã được đền đáp khi người chơi quay lại ngày càng đông, và hầu hết đều khen ngợi lối chơi mới và vẻ đẹp của tựa game này.
Tới mức, người hâm mộ đã góp tiền để dựng một bảng quảng cáo ghi “Cám ơn, Hello Games” trên một con đường gần studio chính của hãng.
No Man’s Sky đã bốn năm liền lọt vào danh sách tựa game hay được nhiều người chơi nhất trên Steam, và hiện tại ổn định ở mức 10.000 người chơi cùng lúc.
Không có nghi ngờ gì lượng người chơi sẽ còn tăng đột biến, nếu Hello Games tung ra một bản cập nhật lớn nào nữa.
1. FINAL FANTASY XIV
- Ngày ra mắt: 30/09/2010
- Hệ máy: PC
- Nhà phát triển: Square Enix
- Nhà phát hành: Square Enix
Square Enix chẳng lạ gì với việc bị dồn tới đường cùng, và dường như cứ bị dồn tới đường cùng thì họ lại làm cách nào đấy thần kỳ quay lại và lợi hại hơn xưa.
Chẳng vậy, dòng game Final Fantasy có tên là Final Fantasy vì nếu thất bại thì Squaresoft (tiền thân Square Enix) sẽ đóng cửa, Hironobu Sakaguchi sẽ quay lại đại học và chúng ta sẽ chẳng ngồi đây đọc một đống tin về Final Fantasy VII Remake và mong mỏi từng ngày chờ chơi.
Năm 2001, Squaresoft đã có cú “tự bóp” bằng cách ra mắt bộ phim Final Fantasy The Spirits Within, khiến công ty tổn thất 100 triệu USD, xém phá sản và phải gỡ gạc bằng việc sáp nhập với Enix để hình thành nên Square Enix ngày nay.
Và vào năm 2010, sau một hồi khá thành công với một số tựa game rất được yêu mến như Final Fantasy XI, XII, Kingdom Hearts II, hãng này lại “tự bắn vào chân” một phát nữa bằng việc ra mắt Final Fantasy XIV.
Trước đó, vào năm 2006, Square Enix đã bắt tay vào “khởi công” Final Fantasy XIV với mật danh “Rapture”.
Được chạy bằng khung Crystal Tools tạo nên đồ họa lung linh của Final Fantasy XIII, Final Fantasy XIV được nung nấu trở thành tựa game MMORPG tiếp bước Final Fantasy XI, với cốt truyện cuốn hút và đồ họa mê người.
Tuy nhiên, việc thiếu tầm nhìn nghiêm trọng, chỉ chăm chăm tập trung vào những thứ nhỏ nhặt để đuổi theo cái bóng của Final Fantasy XI mà không có một cái nhìn bao quát, khiến cho tựa game này trở thành một đống hổ lốn không thể nào nuốt nổi.
Mặc kệ người chơi thử nghiệm càm ràm về lỗi tùm lum, màn hình trình đơn rối rắm, tối ưu thì tệ hại, chơi giật đùng đùng, lối chơi thì tẻ nhạt, cốt truyện buồn ngủ và một mớ phàn nàn khác, Square Enix vẫn tung ra Final Fantasy XIV, và thảm họa sau đó thì chẳng khó để hình dung.
Tựa game nhận được điểm đánh giá thấp kỷ lục, người hâm mộ thì quay lưng, cổ phiếu Square Enix lao dốc ầm ầm, và Final Fantasy XIV suýt chút nữa đã thành ảo mộng “cuối cùng” của cả dòng game luôn.
Hãng này tức tốc đưa Yoshida Naoki, bấy giờ đang làm giám đốc cho tựa game MMO khác của hãng là Dragon Quest X, về “dập lửa”.
Sau một hồi chữa cháy, nhận thấy tựa game này thuộc dạng không thể cứu vãn được nữa, ông đã đề nghị cấp trên… “đốt” luôn tựa game này và xây dựng lại từ đầu với đội ngũ của ông.
Và thế là Final Fantasy XIV: A Realm Reborn ra đời.
Nhờ tầm nhìn đúng đắn, Final Fantasy XIV: A Realm Reborn đã dần dần trở thành một trong những MMO hay nhất và đông người chơi nhất hiện nay.
Đặc biệt, bản mở rộng Shadowbringers mới ra mắt đã đưa Final Fantasy XIV: A Realm Reborn lên đỉnh cao với một cốt truyện hấp dẫn, lối chơi cuốn hút và âm nhạc sống động.
Tất nhiên, nhờ có màn hồi sinh ngoạn mục này mà Square Enix lại một lần nữa được cứu, và Final Fantasy vẫn chưa định nghĩa được “cuối cùng” là gì.
TỰA GAME HAY CỦA BẠN?
Vậy các bạn còn có tựa game nào các bạn thấy đã “quay đầu về bờ”, trở thành game hay sau đó?
Hãy chia sẻ cùng Vietgame.asia qua bình luận bên dưới đây nhé.
Và nhớ những biện pháp phòng dịch COVID-19 nhé! Thường xuyên rửa tay, đeo khẩu trang khi ra nơi công cộng và tránh những nơi đông người.
Game on!
BÀI MỚI NHẤT
- Sonic the Hedgehog 3 “vượt mặt” Mufasa: The Lion King ở phòng vé Bắc Mỹ! – Tin Game
- Marvel Rivals bị lộ thông tin về cơ chế… “loot box”! – Tin Game
- S.T.A.L.K.E.R. 2: Heart of Chornobyl – Đánh Giá Game
- Game “nhái” Black Myth: Wukong xuất hiện trên cửa hàng Nintendo! – Tin Game
- The Elder Scrolls 4: Oblivion Remake sẽ được công bố trong tháng sau? – Tin Game
- Palworld ra mắt bản cập nhật Feybreak! – Tin Game