Skip to content

Oninaki – Hành trình sinh tử

Oninaki

Oninaki – Có lẽ cũng là “ảo mộng cuối cùng” của Tokyo RPG Factory, như Final Fantasy đối với Square Enix trước đây vậy.

Ngược dòng lịch sử một chút, 5 năm trước, Tokyo RPG Factory được tách ra làm một nhánh con của Square Enix, ít chịu tác động của công ti mẹ hơn, để có thể tập trung tạo ra những sản phẩm game nhập vai đậm giá trị cổ điển. Một khát vọng rất đáng chân trọng, chỉ tiếc là lúc thực thi không được… mĩ mãn lắm.

Sản phẩm đầu tiên, I Am Setsuna, có doanh số bán tuần đầu khoảng hơn 33 nghìn bản trên PlayStation 4, và gần 28 nghìn bản trên PlayStation Vita. Một kết quả không quá cao, nhưng có thể tạm chấp nhận được. Gọi đó là điểm mở đầu đề bứt phá cũng không sai. Đáng tiếc, tuy Square Enix mong muốn bứt phá lên nhưng Tokyo RPG Factory lại bứt phá xuống. Sản phẩm kế tiếp, Lost Sphear, bán được khoảng hơn 7 nghìn bản trên PlayStation 4 và chưa tới 6 nghìn bản trên Switch.

Với doanh số tệ hại sau Lost Sphear và được quản lý bởi một cái tên như Square Enix, chắc chắn có người nghĩ rằng Tokyo RPG Factory sẽ sớm bị “khai tử” thôi. Nhưng không, họ vẫn sống, sống để tiếp tục chứng minh mình bằng cơ hội thứ ba và cũng có lẽ là cơ hội cuối cùng. Cơ hội ấy mang tên Oninaki.

Tin vui là, tuy tựa game chưa ra mắt, nhưng với những gì mà bản chơi thử của game mang tới thì Oninaki có lẽ sẽ là sản phẩm thành công nhất của Tokyo RPG Factory đấy. Vậy hãy để Vietgame.asia giới thiệu những nét đáng chú ý của sản phẩm này cho bạn nhé.


ĐỒ HỌA LÊN TẦM SỐNG ĐỘNG

“Thưởng thức những hình ảnh sống động, tỉ mỉ, truyền tải sự tương phản mạnh mẽ giữa Thế giới sống và Thế giới ‘phía trên’” là lời giới thiệu về đồ họa của game từ Square Enix.

Nếu bạn nghe câu nói này có mùi văn quảng cáo “xã giao” thì… đúng rồi đấy. Tại sao một khía cạnh quan trọng và nổi bật như vậy, nhà sản xuất không trích thêm vài nơ-ron để nghĩ ra phần giới thiệu gì ấn tượng hơn cơ chứ, đặc biệt là khi họ đã cải tiến đồ họa cực kì tốt!

Cả I am Setsuna và và Lost Sphear đều là các game RPG theo lượt với đội hình nhiều nhân vật, do vậy góc chiếu từ trên cao chủ đạo thường bao quát cả đội hình cùng phần nhiều khung cảnh. Đồ họa của cả hai cũng khá giống nhau, đều có sử tỉ mỉ trong việc xây dựng cảnh vật. Tuy nhiên, cảm giác đồ họa trong hai game hơi thiếu sức sống (như cây không đung đưa theo gió, con người không tự do cử động, động vật không di chuyển tự nhiên) nên không gian chưa thực sự tạo điểm nhấn.

Thế nhưng Oninaki đã cải tổ tất cả! Tích hợp lối chơi nhập vai hành động, game tập trung vào một nhân vật thôi nên đưa điểm nhìn tới gần hơn, đủ để thể hiện những nét đặc sắc và chi tiết của môi trường. Sự vật có những tầng lớp, to nhỏ đan xen, hoa văn và tiểu tiết đầy đủ.

Oninaki
Một chiếc cầu trong Lost Sphear
Oninaki
Một chiếc cầu trong Oninaki

Ví dụ với một chiếc cầu, Lost Sphear sẽ tô nó toàn bộ màu xám và vẽ họa tiết đường gạch, là những yếu tổ cơ bản để bạn nhìn ra một chiếc cầu. Nhưng Oninaki tiến xa hơn hẳn khi vẽ những hoa văn bên thành cầu, nhưng vết ố trên đường, và bỏ thêm cả hiệu ứng ảnh sáng, đổ bóng… Để hai bức ảnh cạnh nhau, chắc chắn bạn sẽ thấy Oninaki nổi lên sự sống động rõ rệt từ đồ họa.

Chưa hết, cơ chế đặc thù của Oninaki là nối liền hai thế giới sinh-tử, cho phép bạn bước qua hai thế giới ấy chỉ bằng một nút bấm. Đương nhiên, cảnh vật hai thế giới sẽ có sự khác biệt rồi, với thế giới tử được bao phủ bởi tông màu đen mạnh hơn. Nhìn chung, so với các sản phẩm tiền nhiệm của Tokyo RPG Factory, chỉ riêng về đồ họa Oninaki đã tạo điểm nhấn và đó mới chỉ là một phần đặc sắc thôi.


Oninaki

SINH – TỬ SONG HÀNH

Về cơ chế, trong Oninaki, nhân vật chính do bạn điều khiển sẽ “chinh chiến” cùng một ác quỷ đồng hành (Gọi là ác quỷ thôi nhưng thiết kế của chúng không có gì “ác” hay gớm ghiếc cả đâu nhé, mà ngược lại đầy ấn tượng và hấp dẫn).

Bản chơi thử của game phô diễn hai loại tấn công chính, một là đánh chay, hai là một đòn đánh mạnh nhưng không thể dùng liên tục mà phải chờ phục hồi. Đáng tiếc là bản chơi thử không cho bạn “trải vị” nhiều loại ma pháp, kĩ năng đặc biệt, nâng cấp hoặc tùy chỉnh. Tuy nhiên, bản chơi thử cho bạn cảm nhận sự đặc sắc trong cơ chế sử dụng ác quỷ. Cụ thể, game cho phép bạn chuyển nhân vật ác quỷ đồng hành ngay trong chiến đấu, và mỗi ác quỷ ấy lại có một phong cách tấn công khác nhau.

Cuối cùng, về mặt cốt truyện, chủ đề của game là câu chuyện liên quan tới sự sống và cái chết. Game đặt bạn vào một thế giới mà có lẽ cái chết không tới mức tệ nhưng chúng ta nghĩ. Nó đúng nghĩa là sự biệt ly để có một khởi đầu mới.

Đương nhiên là một bản chơi thử thì cũng chẳng thể nói lên gì nhiều về cốt truyện, nhưng nó cho bạn một góc nhìn cực kì nổi bật về nhân vật chính. Do quan niệm về sinh tử ở thế giới của game khác với chúng ta nên có một số sự việc diễn ra sẽ tạo bất ngờ đó, và nó nằm ngay trong bản chơi thử. Hi vọng là phiên bản hoàn chỉnh của game tiếp tục tạo được hứng khởi trong cốt truyện như vậy.


KHI NÀO RA MẮT

Oninaki dự kiến ra mắt vào ngày 22/8 tới đây trên PC Steam, PlayStation 4 và Nintendo Switch.

Nếu đặt trước, bạn sẽ nhận được một số DLC độc quyền, hình nền, chủ đề tùy nền tảng và 10% giảm giá.

Với người dùng PC, do là game của Square Enix nên giá cả bản Steam quả thật hơi “chát”, nhưng tựa game này có vẻ sẽ đạt được kì vọng đấy.

Nếu muốn tự trải nghiệm, bạn luôn có bản chơi thử để kiểm chứng mà.

Vietgame.asia sẽ theo dõi tựa game này để mang tới cho bạn bài đánh giá “nóng hổi” sau khi nó ra mắt nhé!


BÀI MỚI NHẤT

Tác giả

Thảo luận