Skip to content

Mandragora: Whispers of the Witch Tree – Đánh Giá Game

Mandragora

Mandragora: Whispers of the Witch Tree – Ở thời điểm hiện tại, khi mà “làn sóng” những tựa game được gắn mác “Souls-Like” ngày càng tràn ngập trên thị trường, với đủ loại chất lượng từ “A đến Á”, thì việc định hướng cho một sản phẩm indie theo xu thế này có lẽ không phải là một sự lựa chọn khôn ngoan, bởi sự canh tranh là rất cao.

Tuy nhiên, nếu xét về góc độ là một nhà sản xuất game độc lập, những ý tưởng mới luôn là yếu tố khiến những dự án quy mô nhỏ có sức hút riêng của nó. Mandragora: Whispers of the Witch Tree – sản phẩm được “thai nghén” trong tận hơn 7 năm của Primal Game Studio cũng là một sản phẩm mang nhiều kỳ vọng như vậy.

Với định hướng kết hợp lối chơi giữa thể loại Metroidvania kinh điển cùng những yếu tố nhập vai sự thử thách của Dark Souls, Mandragora: Whispers of the Witch Tree có lẽ không hứa hẹn sẽ là một “món ăn” quá mới lạ.

Tuy nhiên, với những fan của Blasphemous hay Prince of Persia: The Lost Crown, Mandragora: Whispers of the Witch Tree hẳn sẽ là món “chữa khát” trước khi đến với những siêu phẩm khác trong năm nay.

BẠN SẼ GHÉT

NHỮNG VẤN ĐỀ VỀ “KINH NGHIỆM”

Có lẽ sẽ là “hơi bất công” cho một sản phẩm indie đầu tay như Mandragora: Whispers of the Witch Tree, khi bắt đầu bài đánh giá với những yếu điểm dễ nhận thấy của nó. Nhưng biết sao được, bởi lẽ chỉ khi vượt qua được những yếu điểm ban đầu này, may ra người chơi mới thực sự thấy được những ưu điểm đang… hơi bị lu mờ của game.

Kể từ lần giới thiệu đầu tiên cách đây 3 năm, Mandragora: Whispers of the Witch Tree dù không gây được tiếng vang đáng kể nào nhưng ít nhất vẫn tạo được thiện cảm với game thủ nhờ nền đồ họa có phần bắt mắt, cùng bối cảnh mang âm hưởng cổ tích có phần quen thuộc. Tuy vậy, màn khởi đầu của game thủ với Mandragora: Whispers of the Witch Tree xem ra không được như kỳ vọng, bởi định hướng mỹ thuật tưởng như là ưu điểm đó có phần hơi “lệch tông”.

Ở đây, hãy tạm gác lại nền đồ họa tổng thể tương đối bắt mắt của Mandragora: Whispers of the Witch Tree, thay vào đó, điều khiến người viết “ngán ngẩm” ngay từ khâu tạo nhân vật đó chính là thiết kế nhân vật… quá xấu!

Mandragora

Hệ thống tạo nhân vật của Mandragora: Whispers of the Witch Tree rất tệ, với rất ít tùy chỉnh cần thiết ở một tựa game mang nhiều yếu tố nhập vai. Tùy chọn thiết kế ngoại hình đã ít, mà tỉ lệ cơ thể nhân vật lại rất “kỳ cục” với lưng dài, chân ngắn, nhìn chẳng khác gì tộc nhân Dwarf nhưng lại chắp cái đầu bé tí của tộc người.

Đặc biệt, hệ thống khởi tạo nhân vật này còn được nhân đôi “thảm họa” khi người viết quyết định chọn giới tính nhân vật là Nữ: một nhân vật nữ mà không có một tùy chọn thay đổi dáng người nào ngoài… một quả vai rộng, một tấm lưng dài và đôi chân ngắn hơn cả phần lưng. Thật đáng thương rằng hình tượng phụ nữ phương Tây sau hàng triệu năm tiến hóa lại trông giống như một con khỉ đột không hơn, không kém!

Mandragora

Để tiếp tục nhân ba “thảm họa”, Primal Game Studio “chốt” bằng quả tùy chọn giọng lồng tiếng chẳng thể phân biệt nổi giữa nam/nữ hay già/trẻ, rồi bắt người chơi nghe nhân vật của mình lảm nhảm suốt 25 tiếng trải nghiệm game với chất giọng đó.

Phần trang phục mặc lên người nhân vật chính cũng chẳng khá hơn, với một loạt những thiết kế phải nói rất “cổ lỗ sĩ”, cộng với việc “tôn dáng người” càng khiến nhân vật chính trông chán hơn bao giờ hết. May mắn là với hai bộ trang phục (skins) tặng kèm từ nhà phát triển đã phần nào che đậy được một chút sự gượng gạo này.

Người viết cũng không hiểu với lý do gì mà Primal Game Studio lại chọn định hướng thiết kế nhân vật chính khác hẳn với tất cả NPC trong game – những nhân vật có tỉ lệ dáng người theo phong cách cách điệu (stylized) cân bằng hơn nhiều.

Sự “lệch tông” trong tổng thể còn được thể hiện ở khâu diễn họa chuyển động nhân vật (animation) có phần hụt hơi. Một trong những yếu tố hút khách của Blasphemous, Prince of Persia hay kể cả là với dòng game Ori chính là phần diễn hoạt các pha chiến đấu “rất đã tay, sướng mắt”. Mỗi nhát chém, mỗi phát bắn đều sẽ có một hiệu ứng tương tác dứt khoát, lực… Nhưng của Mandragora: Whispers of the Witch Tree lại ngược lại hoàn toàn: yếu ớt, chậm chạp và cực kỳ buồn chán. Điểm yếu này hoàn toàn có thể thấy… trong cả trailer của game, chứ chẳng cần phải trực tiếp vào game trải nghiệm!

Nếu chọn khởi đầu với lớp nhân vật thiên hướng tấn công phép thuật, các chiêu thức bắn chưởng đôi khi vẫn chấp nhận được. Nhưng nếu lỡ chọn đi theo con đường cận chiến thì chuyện “giấc ngủ” đến với người chơi chỉ còn là vấn đề thời gian, nhất là ở giai đoạn đầu, khi cây kỹ năng của nhân vật chính còn hạn chế.

Mandragora

Mandragora: Whispers of the Witch Tree có đến 5 loại vũ khí cận chiến khác nhau, nhưng cách sử dụng chúng, hoặc cụ thể hơn là các cách thức để thi triển combo thì lại cực kỳ hạn hẹp. Người chơi được tự do thay đổi hai loại vũ khí đã trang bị trước đó nhưng giữa chúng không hề có một phương thức liên kết nào để tạo thành một chuỗi combo dài. Để chiến đấu, người chơi chỉ đơn giản là “spam” đòn đánh cơ bản và lặp lại, cho đến khi thanh “nộ” (rage) đủ đầy thì mới có thể kích hoạt hai chiêu thức phụ trợ để tăng thêm chút “hương vị” trong quá trình đấm đá.

Mà nói vậy không có nghĩa là vai trò của những chiêu thức tiêu hao điểm “nộ” của người chơi thực sự hữu ích, bởi khả năng xoay chuyển tình thế hoặc sát thương mà chúng mang cũng chẳng nhiều nhặng gì. Đôi khi, việc sử dụng không cẩn thận còn khiến người chơi bị “phản phệ” bởi một số chiêu có thời gian thi triển khá lâu.

Tệ hơn nữa, hiệu ứng hình ảnh và âm thanh của các chiêu thức này cũng tệ, chẳng có một chút ấn tượng nào thể hiện sức mạnh, cũng như độ phản hồi khi chạm vào đối thủ. Thứ người viết nhận lại khi trên tay đang cầm một thanh đại kiểm khủng bố bổ vào kẻ thù chỉ là… những tiếng “phẹt, phẹt” đầy chán ngán, chẳng khác một con dao cắt hoa quả là mấy! Quá tệ cho một trải nghiệm chặt chém cơ bản đơn thuần. Nếu được, Primal Game Studio nên học hỏi No Rest for The Wicked hoặc Blasphemous cho phần chiến đấu cơ bản nhưng rất sướng tay!

Bổ sung thêm cho sự vụng về trong khâu thiết kế hệ thống chiến đấu, Mandragora: Whispers of the Witch Tree cung cấp cho người chơi một bộ cây kỹ năng “trông có vẻ đồ sộ” chẳng khác gì “thửa” được từ Path of Exile. Bộ cây kỹ năng này có khả năng liên kết qua lại giữa các lớp nhân vật và hứa hẹn sẽ tạo ra vô vàn nhánh rẽ, để người chơi có thể xây dựng một nhân vật mạnh mẽ theo ý của mình. Nhưng đó chỉ là “trông thế” mà thôi, bởi chiều sâu mà nó mang lại thì khá nông.

Mandragora

Cây kỹ năng của Mandragora: Whispers of the Witch Tree không đồ sộ như vẻ bề ngoài của nó, nhà phát triển chỉ đơn giản là phân mảnh nó ra quá nhiều nhánh, mà thực tế không đem lại mấy khác biệt. Nói trắng ra, thay vì lên cấp để tăng điểm vào Strength, Dexterity, Vigor… như các tựa nhập vai khác thì những điểm số đó được “nhét” trực tiếp vào cây kỹ năng mà thôi.

Còn những thay đổi chỉ số sau mỗi điểm tăng thì lại vô cùng nhỏ giọt. Kiểu như bạn vừa tăng thêm 0.5% lực chiến, 0.01% chỉ số hồi máu, 0.2% tỉ lệ hồi sức… Những chỉ số thay đổi cho mỗi điểm kỹ năng là “vô cùng nhỏ giọt”, khó có thể thấy được tác động trực quan nào trừ khi tích lũy gần như suốt quá trình phiêu lưu.

Thứ mà người chơi dễ cảm nhận nhất, chắc chỉ có thể là phần sát thương có được mỗi khi trang bị các loại vũ khí mạnh hơn mà thôi. Nhưng nếu nhắc đến hệ thống trang bị thì lại lộ ra một tá khuyết điểm khác trong thiết kế lối chơi của Mandragora: Whispers of the Witch Tree.

Là một game Metroidvania nhưng số lượng trang bị mà người chơi có thể tìm được trong quá trình khám phá Mandragora: Whispers of the Witch Tree lại rất nghèo nàn. Đếm đi đếm lại chỉ khoảng tầm vài bộ đồ cho mỗi lớp nhân vật mà thôi. Tuy những trang bị này đều có thể dùng chung bởi chúng không bị ràng buộc về mặt chỉ số, nhưng game không cho người chơi một lý do thuyết phục nào để làm điều đó, ngoài ảnh hưởng về mặt ngoại hình hoặc cân nặng.

Dù có chọn đi theo con đường pháp sư hay hiệp sĩ, thì tối ưu nhất sẽ vẫn là vận lên người những bộ giáp dày cộp mới có thể đảm bảo được khả năng sinh tồn trước kẻ thù. Những mẫu giáp mỏng, nhẹ nhưng kém điểm phòng thủ thì không có hiệu quả, bởi chúng quá mong manh trước sát thương của địch, dù cách chơi của bạn có là giữ khoảng cách hay không.

Ngoài ra, Mandragora: Whispers of the Witch Tree cũng không hề có một hệ thống nâng cấp trang bị nào. Bạn không nghe lầm đâu, là “không-có-hệ-thống-nâng-cấp-trang-bị” đấy, điều tưởng chừng như vô lý ở một tựa game có yếu tố nhập vai. Người chơi đơn giản chỉ là lượm được hoặc chế tạo được cái gì thì mặc lên cái đấy, trong quá trình phiêu lưu kẻ thù sẽ mạnh hơn và người chơi đơn giản là kiếm trang bị khác mạnh hơn và mặc lên người mà thôi. Không có đá cường hóa, không có vũ khí +1, +5, +15 như thường thấy. 

Thứ duy nhất có thể thay đổi chỉ số của trang bị duy nhất chỉ có “khảm” đá quý lên vũ khí, giáp trụ, hoặc mũ mà thôi. Đặc biệt là dù có muốn hay không thì cũng chỉ có duy nhất một ô khảm đá cho mỗi trang bị nói trên. Người chơi không thể gắn bó với một loại vũ khí yêu thích, cũng như bị “ép buộc” phải từ bỏ một thanh kiếm đẹp để đổi lại phải cầm một thanh kiếm khác xấu xí hơn, chẳng ăn nhập gì với bộ đồ đang được trang bị, chỉ vì nó có chỉ số cao hơn do nhà phát triển muốn thế.

Ngược lại, thứ mà người chơi cần phải quan tâm nâng cấp không phải là vũ khí hay trang bị, mà lại chính là… các NPC, bằng cách là tìm các công thức (diagram) nằm rải rác khắp bản đồ game, bên trong những chiếc rương được khóa rất kỹ mà chỉ có thể mở được bằng bẻ khóa (lockpick). 

Đây là một ý tưởng không tồi, đôi khi là còn hay, bởi nó nâng cao được giá trị và sự quan trọng của NPC chế tạo vật phẩm trong game thay vì chỉ là những “công nhân” vô hồn. Nhưng điều tệ hại là Primal Game Studio không biết cách biến nó thành một tính năng hay. Dù cho người chơi có liều mạng tìm đủ mọi công thức khắp bản đồ game mang về, thì “cấp bậc NPC” vẫn tăng rất chậm, để rồi những thứ NPC chế tạo được lại có… chỉ số tệ hơn xa so với những thứ người chơi có thể lượm được từ quá trình “farm” kẻ thù. Thật ngớ ngẩn!

À, sự ngớ ngẩn nói trên chưa thể bì được với các tùy chọn thoại của người chơi với NPC đâu. Mandragora: Whispers of the Witch Tree không có hệ thống tương tác nhân-quả mà chỉ đơn giản là cho người chơi lựa chọn trả lời theo “phong cách” nào mà thôi. Điều đó có nghĩa là cho dù người chơi chọn trả lời như thế nào đi nữa thì kết quả hoặc diễn biến cũng sẽ không thay đổi, khá đơn giản.

hầu hết những điểm yếu của Mandragora: Whispers of the Witch Tree nói trên đều xuất phát từ sự non tay trong thiết kế của nhà phát triển, bởi phần lớn chúng đều không phải là những ý tưởng gì mới

Hài hước ở chỗ là những “phong cách” trả lời thoại của nhân vật chính sẽ có hai kiểu:

  1. Trả lời như một kẻ ngây thơ, dễ tin người, ai nói gì cũng tin nhưng được cái lịch sự;
  2. Trả lời như một tên ngốc, bướng bỉnh và EQ thấp.

Vậy bạn sẽ chọn làm một tên đần có EQ thấp, hay một “Phán Quan” lịch sự nhưng cả tin?

Chốt lại, hầu hết những điểm yếu của Mandragora nói trên đều xuất phát từ sự non tay trong thiết kế của nhà phát triển, bởi phần lớn chúng đều không phải là những ý tưởng gì mới. Nếu được xem xét cân bằng và cải thiện thì trải nghiệm của người chơi đã phần nào được cải thiện đáng kể.

BẠN SẼ GHÉT

VẪN CÓ THỂ CHƠI ĐƯỢC!

Mandragora: Whispers of the Witch Tree không phải là một sản phẩm quá kém cỏi ở mọi mặt, đâu đó vẫn có những ưu điểm đủ để giữ chân người chơi. Với những game thủ lần đầu đến với dạng game Metroidvania thì có lẽ Mandragora: Whispers of the Witch Tree sẽ là “món khai vị” tạm được.

Đầu tiên chính là nền đồ họa được chăm chút khá ổn, bắt mắt với tông màu ấm cúng, tươi đẹp mang nhiều âm hưởng của một câu chuyện thấm màu cổ tích. Lấy bối cảnh tại một vương quốc giả tưởng, nơi con người xem những phù thủy chính là hiện thân của tội lỗi và hỗn mang.

Bạn sẽ vào vai một Inquisitor – người đã “động lòng” mang đến một cái chết từ bi cho một phù thủy để rồi bị chính Hoàng Đế xem như một hành động báng bổ. Thay vì bị xử tội, bạn có cơ hội chuộc lỗi bằng cách săn tìm tất cả những phù thủy còn sót lại trong vương quốc, nhưng sự thật ẩn sau đó lại không đơn giản như vậy.

Ở những khung cảnh đầu tiên, xứ sở của Mandragora không toát lên vẻ thần tiên đầy mê hoặc như Ori and The Blind Forest hay quá “đen tối” như Blasphemous, đổi lại là không khí rất bình yên, nơi mà đâu đó trong thiên nhiên vẫn có sự hiện diện của những phép màu để giữ cho thế giới vận hành ổn định. Từ vùng đô thị sầm uất, đến khu bến cảng cũ lụp sụp, cánh đồng hoa tím ngắt, những tàn tích bỏ hoang, hầm ngục u tối, hay chiều không gian Entropy Rift kỳ dị… đều được Primal Game Studio “vẽ” nên tương đối bắt mắt và thể hiện được không khí bí ẩn cần có. 

Mandragora: Whispers of the Witch Tree không sử dụng các tông màu quá rực rỡ, cũng chẳng ôm đồm nhiều hiệu ứng lòe loẹt, tất cả đều được tiết chế ở mức vừa phải. Đáng tiếc là Primal Game Studio hơi thiếu đầu tư cho một số đại cảnh hoành tráng bởi góc camera cố định quá gần (mà đôi khi hơi tù) thay vì phóng ra xa, để người chơi có được những góc chụp ảnh đẹp như các tựa game cùng thể loại khác.

Ấn tượng nhất với người viết hẳn phải là các NPC đều được Primal Game Studio vẽ riêng những bức chân dung rất đẹp và có hồn mà không phải quá đầu tư mo-cap gì phức tạp.

Để tìm ra những mảnh ghép cho các bí ẩn trong cốt truyện chính của game, người chơi sẽ được gặp gỡ một hệ thống NPC tương đối đa dạng, mỗi người đóng một vai trò khác nhau với một chuỗi hệ thống nhiệm vụ cả chính lẫn phụ bổ trợ kể chuyện rất hợp lý.

Với rất nhiều tựa game khác, các nhiệm vụ phụ thường không mang đến tác động lớn cho bức tranh toàn cảnh, người chơi chỉ cần tập trung làm sạch các nhiệm vụ chính tuyến là đã có thể hoàn thành game. Mandragora: Whispers of the Witch Tree thì lại khác, mỗi nhiệm vụ phụ, mỗi NPC bạn gặp sẽ đều đem đến rất nhiều thông tin đóng vai trò là một “mảnh ghép lớn” cho mỗi chương mà người chơi sẽ khám phá.

Các tuyến nhiệm vụ phụ này không khó, được sắp đặt rất khoa học và sẽ là lý do thôi thúc người chơi khám phá toàn bộ bản đồ của game mà không bỏ sót bất kỳ một ngóc ngách nào. Từ đó bóc tách từng mảnh ghép để không chỉ cốt truyện chính tuyến được rõ ràng hơn, mà còn để hiểu hơn về những sự kiện đã từng diễn ra trước đây.

Đây là điều mà không phải tựa game Metroidvania nào cũng có thể làm được mà rất may mắn là Mandragora: Whispers of the Witch Tree lại có thể làm tốt. Đôi khi đó là câu chuyện về một câu chuyện tình cũ của cô nàng bán trang sức “lé-biên”, đôi khi lại là một góc khuất trong thân thế của anh thợ rèn, hoặc có khi lại là một cái kết đầy bi ai của một gia đình xấu số. Hẳn đây là yếu tố “Souls-Like” nhất mà Mandragora: Whispers of the Witch Tree nhắc đến.

Mặt khác, phần thưởng mang lại từ những nhiệm vụ phụ này cũng khá dồi dào, bổ sung một lượng lớn điểm kinh nghiệm để người chơi không phải “cày cuốc” liên tục để nâng cấp lực chiến cho nhân vật. Phần nào cũng giảm được sự đơn điệu trong công tác nâng cấp sức mạnh, cũng như khám phá thế giới.

Được định hình ngay từ đầu với lối thiết kế Metroidvania kinh điển, nhưng cách mà Mandragora: Whispers of the Witch Tree triển khai lại không quá phức tạp mà khá dễ làm quen với người chơi mới. Vẫn là những ngõ cụt đòi hỏi một kỹ năng đặc biệt nào đấy mà sau này người chơi mới có thể vượt qua, vẫn là hệ thống bản đồ tầng tầng lớp lớp đan xen với nhau được liên kết hợp lý giữa các lối tắt và đường ẩn… 

Thế giới trong game được triển khai rất mạch lạc, dễ hình dung với các đặc điểm nhận biết giữa các vùng đất khác nhau rất rõ ràng, mức độ phức tạp chỉ dừng ở mức tương tự như Prince of Persia: The Lost Crown và cũng không có nhiều chướng ngại vật dạng bẫy được sắp đặt như các tựa game cùng loại khác. Người chơi chỉ đơn giản là hình dung được mình đang ở đâu, lối đi này có thể liên kết đến khu vực nào, có đang bỏ lỡ góc khuất nào trên bản đồ hay không, đánh dấu lưu ý để sau này còn quay lại, kết hợp với các tuyến nhiệm vụ phụ của NPC, vậy là đủ để có thể khám phá mọi ngóc ngách trong game rồi.

Một điểm cộng đáng kể khác của Mandragora: Whispers of the Witch Tree chính là thiết kế các con trùm. Các trận đấu trùm trong Mandragora: Whispers of the Witch Tree diễn ra khá thường xuyên, với số lượng từ trùm chính đến trùm phụ không hề ít. Tuy rằng có phần lặp lại ở các con trùm phụ song hầu hết đều mang đến những thử thách tương đối vừa phải, không quá chán ngán.

Riêng với các con trùm chính, với số lượng không ít, đều được thiết kế không trùng lặp với số lượng chiêu thức đa dạng, đòi hỏi người chơi cần nghiên cứu nắm bắt cũng như học thuộc chiêu thức mới có thể hạ gục. Thực tế các trận đấu trùm trong game cũng không quá khó, chỉ cần tập trung và thận trọng trong vài lần thử cũng là đủ để vượt qua, ít mang lại sự ức chế cũng như chán nản không cần thiết. Đây là điều người viết đánh giá khá cao ở Mandragora: Whispers of the Witch Tree so với các tựa game cùng thể loại khác.

Đặc biệt hơn, như đã nói ở trên, hệ thống cây kỹ năng trong Mandragora: Whispers of the Witch Tree tuy phân mảnh nhưng lại cho người chơi khả năng thay đổi linh hoạt, kể cả là kết hợp giữa nhiều lớp nhân vật khác nhau. Người chơi hoàn toàn có thể “tẩy tủy” bất cứ khi nào tùy thích, xây dựng lại hệ thống kỹ năng và tìm ra cách khắc chế kẻ thù dễ nhất, chứ không bị bó buộc theo một phong cách đã dược định hình khi chọn lớp nhân vật ban đầu.

Đó cũng là cách mà các trận đấu trùm trong game trở nên đa dạng hơn, tùy vào cách hiểu về chiêu thức của chúng mà người chơi có thể linh động chọn cách tiếp cận khác nhau. Chẳng hạn như để đối đầu với con trùm dạng khổng lồ, việc giữ khoảng cách để tránh “một đòn về thành” thì bắn chưởng từ xa xem ra là cách hợp lý. Hoặc khi đối đầu với những kẻ địch áp đảo về số lượng, thì chọn xây dựng nhân vật theo kiểu vừa né tránh, vừa đặt bẫy của lớp nhân vật sát thủ xem chừng cũng rất hay.

Riêng về những màn chơi đòi hỏi phải du hành sang chiều không gian Entropy Rift, người viết ưu tiên một thanh máu dài với khả năng chịu đòn cao thì khả năng sinh tồn trong chiều không gian này cũng sẽ cao hơn, dễ để tìm kiếm những bí ẩn hoặc NPC được nhà phát triển giấu rất kỹ trong đó.

Với những game thủ lần đầu đến với dạng game Metroidvania thì có lẽ Mandragora: Whispers of the Witch Tree sẽ là “món khai vị” tạm được

6.0

Primal Game Studio có lẽ còn cả một chặng đường dài để tích lũy kinh nghiệm mới có thể đẩy chất lượng của Mandragora: Whispers of the Witch Tree đến được độ chín cần thiết và mang về doanh thu.

Nhưng với những tiềm năng và chất lượng hoàn toàn có thể cải thiện, Mandragora: Whispers of the Witch Tree không là một sản phẩm tệ, chỉ cần chăm chút hơn cho ngoại hình nhân vật chính, UI/UX, cũng như hệ thống chiến đấu đã tay hơn thì có lẽ câu chuyện của Mandragora đã khác.

Thông tin

  • Mandragora
  • Nhà phát triển
    Primal Game Studio
  • Nhà phát hành
    Knights Peak Interactive
  • Thể loại
    Nhập vai, Hành động
  • Ngày ra mắt
    27/03/2025
  • Nền tảng
    Windows, Xbox Series X | S, PlayStation 5, Nintendo Switch

Cấu hình tối thiểu

  • Hệ điều hành
    Windows 10 / Windows 11 (64-bit)
  • CPU
    Intel Core i5-6500 / AMD Ryzen 5 1400
  • RAM
    8GB
  • GPU
    Nvidia GeForce GTX 1060 6 GB / AMD RX 480
  • Lưu trữ
    N/A
  • Thiết bị
    N/A

Cấu hình thử nghiệm

  • Hệ điều hành
    N/A
  • CPU
    N/A
  • RAM
    N/A
  • GPU
    N/A
  • Lưu trữ
    N/A
  • Thiết bị
    N/A
Game được hỗ trợ bởi Primal Games. Chơi trên PC.

Tác giả

WINE

Life (is) so "short"? - Let's "Play" more! ^^